10 năm Minh 'phố'

Chỉ riêng việc họa sĩ Nguyễn Minh gắn chặt mình vào phố 10 năm trời đã là đáng kể. Đối diện với phố, ngày ngày, "diện" phố như "diện" bích, mà suy cho cùng cũng là "diện" mình, để tìm cho ra mình, tìm cho ra cái phố của riêng mình.

1. Thành phố nào mà chả nằm cạnh một dòng sông. Thăng Long - Kẻ Chợ, khởi thủy có lẽ là một cái chợ ven sông Hồng, trên bến dưới thuyền, hàng họ, mua bán, đi về… Chất lều quán, hàng quán rồi sau thành nhà - cửa hàng còn rõ ở khu lõi, 36 phố với đường xá, ngõ phố, ngắn, nhỏ hẹp.

Phố thì thế, nhà thì hình ống, sâu mà hẹp chiều ngang, nhà thấp hiên thấp, ngoài cùng là cửa hàng, giữa là nơi chế biến gia công, sau cùng để ở, các khoảng giữa là sân, sân vườn kết hợp. Mỗi một "phố - Hàng" đều có cội rễ làng nào đó. Phố Hàng là phố phường - thợ, phố - làng nghề, phường - nghề. Làng nào mà chẳng có đình làng, chùa làng. Đình trong phố, chùa trong phố. Đình, chùa trong phố cũng phải theo bố cục hình ống bỏ ngang theo dọc.

10 năm Minh 'phố' - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Minh

Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội là đất tụ nhân, tụ thủy. Nó là một cục nam châm hút tinh hoa của mọi miền.

Cái nhịp phố của Hà Nội được tạo ra bởi cái nhịp thời gian, nhịp không gian ấy. Nhịp huyền thoại, sử thi nữa chứ, giấc mơ rồng bay, rùa thần cho vua Lê mượn gươm thiêng… đều là những nhịp thiêng của riêng Hà Nội.

Chả thế mà phố Hà Nội luôn là một đề tài lớn cho nghệ thuật, văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa. Phố không của riêng ai, nói cách khác mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cái phố cho mình. Tìm ra cách kể chuyện phố bằng giọng của mình. Từ thế hệ các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa Kháng chiến Tô Ngọc Vân đến sau này đều đã có những họa sĩ thành danh với đề tài phố. Từ Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Mai Long, Trịnh Thái, Phạm Luận, Đào Hải Phong…

2. Nói thế để thấy, Nguyễn Minh dũng cảm khi "đặt cược" mình vào phố - một con đường hẹp với nhiều quả núi che lối. Nghệ thuật nào chả đòi hỏi liều lĩnh, phiêu lưu. Nhưng ở một chiều khác thì cũng phải thấy thánh đường nghệ thuật luôn mở rộng cửa cho tất cả.

10 năm Minh 'phố' - Ảnh 2.

Tranh phố của Nguyễn Minh

Lần đầu tiên, Nguyễn Minh trình làng những tác phẩm phố của mình là năm 2012. Cả tranh và tượng. Thế là đã 10 năm cho một hành trình - phố: "10 năm là một quãng đủ cả về thời gian và những trải nghiệm cho con đường mà tôi đang chọn" - anh bày tỏ - "Trong 10 năm ấy, tôi chia thành những giai đoạn để cá nhân tôi muốn và khát khao làm mới, làm khác chính mình. Việc làm mới, làm khác ấy là đích đến, cũng là hành trình mà tôi đang đi. Tôi muốn người xem có cảm nhận riêng khi trải qua lần lượt từng hành trình trong các giai đoạn ấy".

Hãy tạm chưa nói đến chuyện đẹp xấu. Chỉ riêng việc Nguyễn Minh gắn chặt mình vào phố 10 năm trời đã là đáng kể. Đối diện với phố, ngày ngày, "diện" phố như "diện" bích, mà suy cho cùng cũng là "diện" mình - đối diện với mình. Để tìm mình, tìm cho ra mình, tìm cho ra cái phố của riêng mình. Để làm sao những phố thuở ban đầu ấy sau 10 năm vẫn là nó nhưng dứt khoát phải là nó mới. Mình vẫn là mình nhưng bắt buộc phải là một mình mới. Xác quyết làm mới mình điều này ắt hẳn là bắt buộc, không chừa bất kể ai.

10 năm đi về với chỉ một đề tài khó - phố và kiên quyết làm mới mình. Tôi nghĩ, tôi trân trọng Nguyễn Minh ở hai điều này. Chỉ với hai điều ấy mới có thể bảo lãnh cho một nghệ sĩ rằng nếu họ thất bại, họ "bật xới" thì vẫn thành công vì họ đã "dám khó" và "dám mới". Đó là dám sống!

Rốt ráo thì dám đã là "sang bờ bên kia" đã là tới bến, tới đích. Phần còn lại, bất quá cũng chỉ là phương tiện?

10 năm Minh 'phố' - Ảnh 3.

Tranh của Nguyễn Minh

3. Căn bản thì Nguyễn Minh "chôn" những người vẽ phố trước anh bằng cái gì? Minh thích tháo, chẻ, bẻ phố ra thành những hình cơ bản: vuông, chữ nhật, hình thang, tam giác… rồi ghép lại, tổ hợp lại, đan lát lại, "ru-bích" lại. Phố như một mặt phẳng hai chiều được gấp, xếp lại để tạo ra 3 chiều. Có lẽ cũng vì vậy mà từ tranh chuyển sang điêu khắc thuận hơn, thuận cho 3 chiều hơn? Thêm một điểm son khi Nguyễn Minh thể nghiệm tạo khối bằng nét.

Có hai kiểu vẽ, một là nhìn sao vẽ vậy, hai là nhìn sao không vẽ vậy? Nguyễn Minh đương nhiên kiểu 2 rồi. Kiểu nào là mình thì vẽ thế, chả có kiểu nào hơn kiểu nào. Nghệ thuật là người. Người làm sao của chiêm bao vậy. Đấy là công thức theo chiều thuận. Ngược lại là tác phẩm như vậy thì người vẽ phải khác.

Những phân tích về phố của Nguyễn Minh là một cái nhìn tổng quan cho tất cả các lần triển lãm, lần đầu năm 2012 và cho đến lần này. Tuy nhiên, lần này là một Minh khác, một Minh - "phố" khác. Vậy khác gì? Như anh tự giới thiệu: "Với các tác phẩm được sáng tác từ cuối năm 2018 - 2020, là giai đoạn mà tôi không bằng lòng với những gì đang có. Tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa, phải "làm mới" hơn nữa và phải quên đi cái thành công ban đầu kia. Tôi quan tâm đến những giá trị truyền thống, quan tâm đến những di sản, để qua những giá trị ấy tôi dùng những ngôn ngữ tạo hình hiện đại, hoặc đơn giản là những giá trị truyền thống được chuyển thể qua lăng kính của thế hệ trẻ, để có thêm những câu chuyện mang hơi thở mới".

Tức là không còn nệ vào lớp lang sau trước nữa mà phố "được" bẻ gẫy, được trộn, uốn cong, được xếp hàng dọc, ngang. Được mơ mộng, được bay bổng, được thoát thai… thành một Minh mới, một phố mới, một Minh – "phố" mới nhiều tưởng tượng hơn.

Triển lãm cá nhân lần thứ 2 mang tên Nhịp phố của họa sĩ Nguyễn Minh trưng bày 38 tác phẩm gồm 34 tác phẩm tranh, 3 tác phẩm điêu khắc, 1 tác phẩm sắp đặt. Triển lãm khai mạc lúc 17h00 ngày 25/12/2022 kéo dài đến hết ngày 29/12 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Link gốc: TTVH