Thành quả của sự thẩm thấu

Một buổi tối cuối Thu năm 1996, chị Phượng chủ một galery lớn ở TP.HCM đến nhà. Chị đưa ngay đề nghị vắn tắt: Em vẽ cho chị 60 bức dó cỡ 40x50 cm về phố cổ. Xong thì đóng gói gửi cho chị, thời gian 3 tháng, em vẽ thế nào chị biết rồi, không cần kiểm hóa. Rồi chị đặt gói tiền lên  bàn: đây, 18 triệu gửi em.

Tôi lặng lẽ pha trà mời chị và bác Hoàng Sùng, thông gia của chị và là người dẫn đường. 18 triệu lúc ấy rất to. Nhưng tôi biết mình không thể. Tôi đã chậm rãi thưa lại: Rất cảm ơn chị đã tin em giao việc. Nhưng thú thật với chị, vẽ miền núi thì em thạo, còn vẽ phố cổ thì em thành thực không vẽ được... Em không ở Hà Nội từ bé nên không có chút kí ức nào về Hà Nội để có thể "gột" nên tranh.

Chị hiểu, không nói thêm gì nữa.

Thành quả của sự thẩm thấu - Ảnh 1.

Lúc ấy tôi chưa biết viết dù đã trên 50 tuổi, cái tuổi hạ thọ mà người ta lo thu vén về già. Vậy mà lại bắt tay vào viết, một việc mới toanh mà chẳng có tí kinh nghiệm nào...

Tôi bắt tay vào viết tản văn từ năm 2000, song song với nghiệp vẽ. Về vẽ, tôi vẽ hiện thực, chỉ vẽ được những cái nhìn thấy và hiểu về nó. Rồi viết cũng thế. Chỉ viết được những cái mình hiểu kĩ và có kỉ niệm về nó.

Tôi viết như kể chuyện, chẳng có bút pháp kĩ thuật gì. Dù là tản văn, tạp bút cũng không thể bịa ra được. Tản văn là quan sát cuộc sống và nhận ra những giá trị sống đang hiện ra sau những gì mình nghe được, nhìn được, ngửi được và cảm nhận được tiếng vọng của nó.

Thành quả của sự thẩm thấu - Ảnh 2.

Tản văn “Hà Nội đây chứ đâu”

Hà Nội đây chứ đâu(*) (NXB Hội Nhà văn) là tập hợp những bài viết về đất kinh kì trong hàng chục năm rải rác viết cho chuyên mục Ngẫm ngợi Cuối tuần của báo Thể thao Văn hóa mà tôi nhận giữ. Tất nhiên cũng viết về nhiều chuyện ngoài Hà Nội. Nhưng trong nửa thế kỉ sống ở Hà Nội thì Hà Nội và tôi thẩm thấu vào nhau, hiểu dần nhau, những cái thấy được, nghe được, ngửi được và cảm nhận được tiếng vọng của nó.

Hà Nội đây chứ đâu là một góc nhìn về Hà Nội hiện hữu, đang chuyển mình. Như một cái cây, trải qua bốn mùa lại thay lá, trổ hoa cho lứa sản phẩm mới. Sản phẩm mới có thể hay, có thể chưa hay, nhưng rồi cái hay sẽ  được giữ lại, cái không hay sẽ được loại bỏ như quy luật tự nhiên. Cuộc sống luôn có sự sàng lọc để cho những bụi bậm dần được thải loại ra, giữ lại những thứ sạch lành.

Cuốn sách này của tôi là thành quả của báo Thể thao Văn hóa giao cho tôi chuyên mục và giữ nó trên 20 năm cho đến hôm nay vẫn tiếp tục. Đó là sản phẩm được nuôi nấng bằng niềm tin và sự hợp tác chặt chẽ từ hai phía. Khi có được chữ tín trong công việc, thì sẽ có thành quả tốt đẹp. Tôi rất biết ơn vì điều đó. Cũng ít tờ báo nào kiên trì và cũng ít ai như tôi đằng đẵng hợp duyên với tình yêu cho một chuyên mục kéo dài như thế cho đến hôm nay chưa ngưng, để hôm nay có một cuốn sách dày theo năm tháng ra mắt bạn đọc về Hà Nội, viết về tình yêu của tất cả chúng ta với Thủ đô yêu dấu.      

(*)"Hà Nội đây chứ đâu" (NXB Hội Nhà văn, 2022) của họa sĩ Đỗ Đức là một trong 4 tác phẩm/công trình được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023 ở hạng mục Giải Tác phẩm. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 14h ngày thứ Năm, 5/10 tới tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.                 

Họa sĩ Đỗ Đức

Link gốc: TTVH