Ngẫm ngợi cuối tuần: Nhìn 'tre khuy', thấy tất cả
1. Ngày bố tôi mất, ông Ba Sơn, người trong xóm giúp khâm liệm. Lúc đó nghe ông bảo: người sắp ra đi thì dái tai bao giờ cũng có nếp gẫy. Chẳng biết thực hư thế nào.
Ông lại nói, đàn ông chết trẻ, chết đột ngột, khi sờ vào quy đầu, bao giờ cũng thấy có "chất nhờn" thôi ra.
Sau này, tình cờ đọc cuốn sách của một nhà văn tôi cũng thấy ghi lại tương tự. Đó là mầm sống cuối cùng chuồi ra khỏi cái thân xác không còn sự sống để nếu có cơ hội thì sống tiếp...? Như một thứ bản năng tự nhiên? Chuyện viết vậy, kể vậy, không biết thực hư thế nào.
2. Tự nhiên nhớ lại chuyện này vì mới đây nhìn thấy bụi tre khuy bên suối Tráng Kìm ở Quản Bạ, Hà Giang.
Tre khuy là tre ra hoa, báo hiệu sự lụi tàn của khóm. Tre mọc thành bụi, nên khi tre khuy là cả bụi ra hoa. Hoa tre bàng bạc, lăn tăn như hạt mì. Tre khuy thì bụi tre khô héo dần rồi chết cả cụm.
Tre chết khô, nhưng những thân tre đó đem chế tác đồ dùng sẽ không bao giờ bị mối mọt, dùng cả đời người không hỏng. Khi đã khuy thì cả tre bánh tẻ non nớt khi khô kiệt cũng trở thành rắn chắc. Gốc tre đã ra hoa mà chết gọi là tre sóc. Nó cứng như đá, dao chặt vào tóe lửa.
Một bạn văn, quen chân rong ruổi xứ rừng bảo tôi: "Những cây thân ngầm mọc thành bụi như tre thì mới bị khuy, còn những cây thân ngầm mọc tản như vầu, hóp thì không bị. Khi tre khuy, người ta sợ nhất cháy rừng, vì thân cây khô cọ vào nhau dễ phát ra lửa".
Thân tre khi cạn kiệt nước thì hỏa vượng, dễ tự cháy. Một bạn bảo: Hồi còn đi học được giảng rằng cây tre sống khoảng 40 năm thì ra hoa rồi chết. Cũng giống như cây lúa trổ đòng, hạt lúa chín thì thân lúa thành rơm khô.
Kiến thức này tôi cũng chưa biết, mà do một bạn cung cấp: ấy là, người ta chia ra làm hai loại: cây có hoa và cây không có hoa. Cây có hoa lại chia ra làm hai, hoa một lần và hoa nhiều lần. Tre thuộc loại hoa một lần. Nở hoa xong là chết.
Mẹ tôi nói theo kinh nghiệm các cụ xưa, rằng năm nào tre bung hoa sẽ là năm mất mùa, đói kém.
Một thầy giáo nói: Một số loài sinh sản vô tính, thỉnh thoảng lại sinh sản hữu tính (đực/ cái) để tăng tổ hợp gen mới, tăng tính đa dạng cho nòi giống. Đó là hiện tượng tự nhiên bảo tồn nòi giống đó.
Chỉ một bụi tre khuy thôi mà cho bao nhiêu kiến thức về nó mà chưa chắc người đời đã kiểm nghiệm hết!
3. Tre ra hoa và kết hạt. Khi bụi tre khuy khô nỏ, hạt rụng xuống đất, gà rừng kéo đàn về bới ăn. Có con ăn nhiều quá bị say lử nằm vật như chết. Không hiểu do ăn no bội thực hay trong hạt tre có tính độc để nó giữ giống giữ nòi?
Tuy chết, cả bụi nhưng tre vẫn để lại mầm sống như con người nhả ra chút mầm sống cuối cùng khi về cõi vĩnh hằng, đó là hạt tre. Vậy là có sinh có diệt. Chẳng có gì bị diệt hẳn cũng như chẳng có gì là vĩnh hằng, vì cái ra đi vẫn để lại chút mầm cho lớp sau. Nhìn tre khuy, thấy tất cả!