Nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã ở tuổi ngoại bát tuần, bày tỏ ước nguyện sau khi chết khiến nhiều người suy nghĩ
Trên bầu trời đầy sao của văn học Trung Quốc, tên tuổi của nữ văn sĩ Quỳnh Dao (85 tuổi) là một ngôi sao sáng chói. Bà đã chiếm được cảm tình của vô số độc giả bằng những câu chuyện tình yêu đầy màu sắc và thi vị của mình.
Niềm vui nỗi buồn trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao có những tình tiết được miêu tả bằng trải nghiệm cảm xúc thực tế của bà - đó là mối tình lâu dài với người chồng thứ 2 là Bình Hâm Đào. Cuộc hôn nhân của họ đan xen cả thăng trầm và sự ngọt ngào.
Gia đình danh gia vọng tộc
Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết sinh năm 1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) trong gia đình có cha là Trần Trí Bình, giáo sư Sử học tại trường Đại học Quốc lập Sư phạm còn mẹ là môn đệ thư hương.
Cụ ngoại Quỳnh Dao là một thầy thuốc nổi tiếng cuối đời Thanh và rất ghét tư tưởng phong kiến hủ bại với quan niệm lạc hậu "con gái không tài mới là đức".
Bởi vậy, cụ chủ trương phải cho con gái được học hành đến nơi đến chốn và nhờ đó mẹ và các dì Quỳnh Dao đều có tài nghệ riêng và sự nghiệp vững vàng.
Dì cả của Quỳnh Dao là Viên Hiểu Viên là nhà ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc, dì tư Viên Tịnh sinh thời là một nhà văn nổi tiếng, mẹ bà cũng là nhà văn tài hoa. Có thể nói năng khiếu sáng tác của Quỳnh Dao được thừa hưởng từ mẹ.
Năm Quỳnh Dao lên 7, mẹ bà phát hiện ra năng khiếu văn thơ của con gái và bà bắt đầu dạy Quỳnh Dao học thơ Đường.
Đó là lần đầu tiên Quỳnh Dao tiếp xúc với văn học và cảm nhận được sức lôi cuốn của nó. Từ đó, bà bắt đầu đi sâu khám phá về lĩnh vực này.
Ngay từ nhỏ, Quỳnh Dao đã mơ ước trở thành nhà biên kịch, cứ mỗi lần xem xong một vở kịch, bà lại cầm bút viết.
Kịch bản đầu tay của Quỳnh Dao chỉ có một cảnh và hai nhân vật, kể về những nhân vật chính là cha mẹ của bà, và lời thoại thì lấy từ những chi tiết nhỏ nhặt thường ngày trong gia đình.
Năm 16 tuổi, Quỳnh Dao viết bộ tiểu thuyết đầu tay - Vân ảnh. Năm 24 tuổi, bà viết gần 100 tập truyện ngắn, hai bộ tiểu thuyết Tầm mộng viện và Hạnh vân thảo.
Đến nay bà đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh.
Năm 1975, cơn sốt bộ phim Bên dòng nước giúp Quỳnh Dao nổi tiếng và khẳng định được vị trí trên thị trường phim ảnh Đài Loan.
Những năm của thập kỷ 1980, ngoài các tiểu thuyết, bà còn xuất bản những tập danh ngôn về tình yêu. Các tác phẩm của bà được dịch và xuất bản rộng rãi ở Việt Nam từ cuối thập niên 1960.
Cuộc hôn nhân thứ 2 đầy ngang trái
Năm 1959, bà kết hôn với Mã Sâm Khánh khi mới 21 tuổi dù gia đình không ủng hộ. Mã Sâm Khánh xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng có chung đam mê là văn chương.
Năm thứ 4 sau khi kết hôn, dưới sự ủng hộ của chồng, Quỳnh Dao đã cho ra đời tác phẩm mang tên Song ngoại (1963).
Song cuộc hôn nhân này tan vỡ khi Song Ngoại ra mắt và thành công rực rỡ. 2 người có con trai nhưng cuộc hôn nhân tưởng chừng như đẹp đẽ này lại không mang lại cho bà hạnh phúc và sự ổn định như mong đợi.
Những thay đổi tinh tế và phức tạp trong cuộc sống khiến Quỳnh Dao dần nhận ra rằng sâu trong trái tim mình, bà khao khát được thấu hiểu và cộng hưởng nhiều hơn.
Cũng trong năm ly hôn Mã Sâm Khánh, Quỳnh Dao gặp tai nạn. Nhưng vụ tai nạn này cũng giúp bà gặp được người bạn đời sau này - Bình Hâm Đào, người hơn bà tới 25 tuổi.
Khi đó, Bình Hâm Đào đang làm việc tại một nhà xuất bản và là người giúp Quỳnh Dao xuất bản cuốn Song ngoại.
Khi hai tâm hồn gặp nhau, họ đã gặp được sự đồng điệu song câu chuyện tình yêu của họ lại đầy kịch tính, cảm xúc và phức tạp.
Thời gian trôi qua, mối quan hệ giữa hai người phát triển từ mối quan hệ thuần túy trong công việc trở thành một người bạn tâm giao, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cuối cùng nảy sinh một tình yêu không thể cưỡng lại và ngày càng mãnh liệt, vượt qua ranh giới của tình bạn.
Với tiếng gọi ngày càng mãnh liệt từ sâu trong trái tim và trong khi phải chịu những "xiềng xích" của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc mà từ lâu Quỳnh Dao không thể thoát ra, nữ văn sĩ đã quyết định chấm dứt hành trình trói buộc ngột ngạt đó và chuyển đến Đài Bắc để đầu một cuộc sống mới nơi bà có thể duy trì liên lạc gần gũi và thường xuyên hơn với Bình Hâm Đào.
Điều đáng chú ý là mặc dù lúc đó Bình Hâm Đào có một gia đình có vẻ ổn định và đầy đủ nhưng sau một thời gian dài suy ngẫm, ông đã thẳng thắn bày tỏ với Quỳnh Dao rằng ông không thể kìm nén được tình cảm ngày càng sâu sắc của mình dành cho nhà văn.
Sau vô số đêm suy nghĩ và ngày tháng đấu tranh, Bình Hâm Đào đã chọn cách chia tay cuộc sống hiện tại và đến với nhà văn trẻ.
41 tuổi, Quỳnh Dao đã chính thức trở thành vợ của Bình Hâm Đào.
Cuộc hôn nhân thứ hai của bà hạnh phúc vì bà và Bình Hâm Đào vốn là những tâm hồn văn chương đồng điệu.
Nhưng buồn thay trong những năm cuối đời, Bình Hâm Đào bị bệnh Alzheimer. Ông quên hẳn người vợ đầu ấp tay gối với mình hơn 30 năm. Thời điểm đó, Quỳnh Dao bị con riêng của chồng cấm gặp gỡ, chăm sóc ông và bà buộc phải quay về cuộc sống một mình.
Năm 1989, Quỳnh Dao tiễn biệt người bạn đời sau hơn 40 năm chung sống.
Cuộc sống hiện tại như "dòng suối yên ả, chảy lững lờ và đầy tự do"
Năm bước vào tuổi 80, Quỳnh Dao từng công khai một bức di thư dặn dò người thân, trong đó bà đã nêu những ước nguyện trước khi qua đời.
Trong đó, bà dặn rõ, dù có bệnh tật nghiêm trọng cũng không được làm phẫu thuật, không đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, không sử dụng ống thở hỗ trợ, không miễn cưỡng áp dụng các biện pháp cấp cứu, chỉ cần để bà ra đi một cách không đau đớn là được.
Bên cạnh đó, Quỳnh Dao cũng nói rõ bà mong muốn tang lễ của mình diễn ra đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ, không đốt vàng mã, không lập linh vị, không cần cúng bái vào ngày giỗ, tiết Thanh Minh…
Bà viết rằng: "Đừng để mẹ thành bà già ốm yếu muốn sống không được, muốn chết cũng không xong. Nếu làm thế, các con mới là đại bất hiếu.
Dù mẹ mắc phải bệnh nặng thế nào, mẹ cũng không muốn làm phẫu thuật, lắp ống thở...
Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi.
Mẹ không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống, không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã...
Mẹ muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản vì cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ....".
Năm 2020, Quỳnh Dao tuyên bố chia tay mạng xã hội sau ba năm sử dụng vì nhận ra, những năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội khiến Facebook trở thành "gánh nặng cuộc sống", làm bà trở nên mệt mỏi.
Ở tuổi 84, nữ văn sĩ sống một mình, mong muốn dành những ngày tháng cuối đời thật bình dị, yên ả và dồn tâm huyết cho việc sáng tác.
Tác giả Hoàn Châu cách cách từng chia sẻ: "Cuộc sống hiện tại của tôi giống như dòng suối yên ả, uốn khúc, chảy lững lờ và đầy tự do".