Kính biệt nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang: 'Bay đi một cọng lá vàng…'

Họa sĩ - NSND Lê Huy Quang đã gửi cõi tạm tuổi 77 (1947-  2023), phiêu du miền mây trắng lúc 21h30 ngày 21/8/2023 (ngày 6/7 năm Quý Mão). 

Có nhiều dịp gặp ông tại các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng..., tôi rất ấn tượng với phong cách trang phục của ông với tông màu đỏ đen, đi guốc mộc, đeo nhẫn bạc, vòng bạc, mái tóc dài lòa xòa như một gã bộ hành, cứ thủng thẳng đi, cứ đam mê viết, cứ lặng lẽ vẽ... theo cách của mình.

Nhà thơ Lê Huy Quang sinh ngày 12/11/1947 trong một gia đình yêu nghệ thuật tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là một nghệ sĩ đa tài, diễn tuồng cổ, hát ví dặm, phường vải; còn mẹ cả đời theo chồng đi cùng các gánh hát.

Từ bé, anh em Lê Huy Quang đã được nuôi dưỡng trong môi trường văn chương nghệ thuật. Vai vua Triệu Khuông Dẫn trong vở tuồng cổ Nữ tướng Đào Tam Xuân do cha đóng đã đi theo ông suốt cả cuộc đời. Hào quang sân khấu, văn chương cứ dẫn dụ, mê đắm chàng trai hợp huyết từ hai vùng đất: Hà Tĩnh quê cha và Nghệ An quê mẹ. Cha mẹ tự hào có ba người con trai: Lê Huy Hòa, Lê Huy Quang, Lê Huy Hạnh đã tiếp nối xuất sắc truyền thống nghệ thuật gia đình và đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

"Nhiều danh xưng trong một"

Cuộc xê dịch từ quê hương ra Hà Nội năm 20 tuổi đã cho Lê Huy Quang có điều kiện được tiếp xúc, nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật để phát triển năng khiếu bản thân. Ông theo học Lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật trường Nghệ thuật Hà Nội (khóa 1966 - 1973). Năm 1982, ông tốt nghiệp Khoa Thiết kế Mỹ thuật Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Được tiếp xúc với giới nghệ sĩ là một điều may mắn. Là người bạn vong niên của họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông được học hỏi rất nhiều phẩm chất nghệ sĩ, về sự kiên trì rèn rũa, lòng đam mê nghệ thuật, niềm tin cuộc sống. Những nghệ sĩ sân khấu như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Học Phi, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Lưu Quang Vũ... có ảnh hưởng rất lớn đến ông.

Kính biệt nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang: 'Bay đi một cọng lá vàng…' - Ảnh 1.

Nhà thơ Lê Huy Quang. Ảnh: Hoàng Kim Đáng

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã trở thành họa sỹ thiết kế mỹ thuật  Nhà hát Tuồng Việt Nam và gắn bó suốt 30 năm có lẻ. Từ những cống hiến xuất sắc, họa sĩ Lê Huy Quang được phong tặng danh hiệu NSND chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật sân khấu.

Nhờ năng khiếu viết, ông có 6 năm làm Thư ký tòa soạn tạp chí Sân khấu (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam); từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Mỹ thuật ứng dụng (Hội Mỹ thuật Việt Nam); từng tham gia Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu (khóa 3). Ngoài sân khấu, duyên văn chương đã đưa ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998. Từ năm 2003, ông là Trưởng ban Nghệ thuật tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Vì thế, nhắc đến tên Lê Huy Quang đầy đủ phải gắn với nhiều danh xưng: Nghệ sĩ Nhân dân, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, nhà thơ, nhà báo. Ông đã từng chia sẻ về sự "ôm đồm", "cộng hưởng" nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật của mình: "Hội họa cho tôi trí tuệ, lý trí. Thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình. Sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, cái đẹp, cùng nhân vật của xã hội. Công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương tiện: bút lông và bút sắt..."

"Hình ảnh nhà thơ Lê Huy Quang hiện ra với mái tóc dài và đi đôi guốc mộc kể cả những ngày giá lạnh của mùa Đông. Và nhà thơ đi guốc mộc rất "nhà quê " ấy lại là một người "phá phách" trong thơ ca từ những năm đầu tiên của đổi mới" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

"Một mình sắm cả đến ba vai chèo"

Với sự đam mê, dấn thân, khám phá, không ngừng sáng tạo, Lê Huy Quang "ra quân" đồng thời các chuyên ngành nghệ thuật với phương châm "phải khác". Với ông, sáng tạo là phẩm chất của văn nghệ sĩ, nhân cách người cầm bút. Sáng tạo không cho phép dễ dãi, tối kỵ cóp người, lặp lại mình: "Phải khác. Mới nên chữ Người".

Với mỹ thuật, Lê Huy Quang có hơn 30 năm gắn bó với sân khấu tuồng. Ông đã từng chia sẻ về tính đặc thù của sân khấu truyền thống, cung đình, bác học "Không gian của sân khấu tuồng là cách điệu, ước lệ, tượng trưng... nghĩa là phải biến cái trống thành cái đầy, biến cái không thành có, biến cái hữu hạn thành vô hạn...". Vì thế, họa sĩ luôn tự làm khó mình với tôn chỉ "phải khác".

Vì "phải khác" mà mỗi vở diễn, ông luôn tư duy, nỗ lực đổi mới, tự đặt cho mình nhu cầu bức thiết, tự đòi hỏi thiết kế mỹ thuật mới. Lê Huy Quang là tác giả thiết kế mỹ thuật của hơn 300 vở diễn, trong đó gần 100 vở tuồng. Có thể kể đến những vở diễn nổi tiếng của Nhà hát Tuồng Việt Nam như: Lý Chiêu Hoàng, Nghêu Sò Ốc Hến, Hoàng hôn đen, Chu Văn An, Thánh Gióng, Ôtenlô, Ơđíp làm vua... Ngoài tuồng, với uy tín chuyên môn, ông được mời thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn của các đơn vị nghệ thuật như: Thạch Sanh (Nhà hát Chèo Hà Nội), Đường trường duyên phận (Nhà hát Chèo Việt Nam), Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế)... Tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp năm 2010, NSND Lê Huy Quang đã đoạt giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho thiết kế mỹ thuật của vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ.

Kính biệt nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang: 'Bay đi một cọng lá vàng…' - Ảnh 3.

Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Huy Quang

Tranh của họa sĩ Lê Huy Quang được các nhà chuyên môn đánh giá: "Qua những tác phẩm hội họa… cũng đủ cho ta nhận ra một bản lĩnh riêng, một mảnh hồn riêng Lê Huy Quang đằm thắm và bình thản trước ồn ào, cởi mở, có khi thái quá của đời sống nghệ thuật hiện nay" (Đặng Trường Lưu).

Đam mê hội họa, ngoài công việc thiết kế sân khấu, Lê Huy Quang vẽ, viết như một nhu cầu tự thân, không chạy theo số lượng, càng không theo phong trào, không đi tìm những hình thức cách tân, biểu hiện cầu kỳ, rắc rối, lạ lẫm; không chỉ nhằm mục đích tổ chức triển lãm. Năm 2000, Lê Huy Quang tổ chức triển lãm cá nhân Hội họa - Đồ họa - Trang trí đầu tiên cũng đồng thời là triển lãm cá nhân duy nhất của ông.

Đến với văn chương, ông là tác giả của những cuốn sách: Tập thơ: Tự bạch (1994), Ta về Hà Nội đi em (2002), Phải khác (2009). Trường ca: Hồ Chí Minh (1990), Tuổi học trò - Tóc quê - Mắt quê (1997), Một thời để nhớ (2004), Hồi ức tuổi 20. Tập kịch: Trái tim mồ côi (2006).  Tiểu luận - phê bình: Nghệ sỹ sân khấu - sân cỏ (2000).  

Bên cạnh thiết kế sân khấu, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, họa sĩ Lê Huy Quang thể hiện bút lực dồi dào ở vai trò nhà biên kịch sân khấu. Hiện ông là tác giả của hơn 20 kịch bản sân khấu, trong đó có nhiều kịch bản về chiến tranh và người lính như: Khoảng trống vô hình, Trái tim mồ côi, Họ vẫn là người lính, Nước mắt trên dòng Thạch Hãn, Khoan dung, Thiên đường hay tù ngục, Phía trước là niềm tin

Thơ Lê Huy Quang nỗ lực cách tân, bộc lộ cá tính, phong cách. Nhà thơ có nhiều câu thơ lạ: "Anh lang thang em/ Anh xanh xao em/ Anh mi ni em...", "Tôi thỏa thuê ngắm nhìn em hợp pháp"..., tinh nghịch và bụi bặm khiến có nhiều ý kiến bình luận.

Xa quê từ năm tròn tuổi 20, Lê Huy Quang vẫn thao thiết nhớ về quê với đặc trưng ám ảnh gió Lào, cát trắng: "Thấm khô cát sau đêm mưa/ bất ngờ lên xanh những miền quả chín/ gió Lào gai gai nóng" (Quê cha). Xua đi cái nóng hầm hập là sự mát mềm của những cơn mưa quê: "Tôi vẫn đi hoài mặc gió lắt lay/ Nhớ mưa Vinh buồn lên từng giọt trắng/ Mưa Vinh sao nhiều vị đắng" và tình yêu cháy bỏng "Thương quê mưa nghèo đong đầy mắt cay".

Tập thơ Phải khác gồm 108 bài thơ được tập hợp trong suốt 40 năm (1968 - 2008) sáng tác của ôngBài thơ được đặt nhan đề cho tập thơ đã thẳng thắn bày tỏ quan niệm về cuộc sống, trách nhiệm với nghệ thuật: 

Nghe như gió chuyển sang mùa

Giọng nói bạn bè đã pha màu đố kỵ

Bay đi một cọng lá vàng

Tất cả mọi người đều tiến lên hối hả

Riêng ai lùi lại một mình

Tất cả mọi người đều reo lên hỉ xả

Riêng ai ngơ ngác lặng câm…

Bài thơ Về đi thôi có là cách tổ chức một dòng thơ hơn một câu suốt toàn bài thơ lục bát:

Về đi thôi. Gió. Đừng chờ, Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau.

Về đi. Thôi gió. Bay mau, Chẳng còn em. Vẫn một màu. Phố xưa.

Về đi thôi. Gió đừng mơ, Xa bàn tay ấy. Bất ngờ nỗi đau.

Về đi. Thôi gió. Chớ sầu, Ngày mai xa lắm. Còn đâu sợi buồn.

Về đi thôi gió. Mưa tuôn, Tóc nhòa bóng nước cội nguồn là em.

Về đi. Thôi gió. Là đêm, Hương hoa sữa. Những êm đềm thời gian.

Về đi thôi gió nồng nàn, Heo may gợn. Thoáng đầy tràn trong nhau.

Lê Huy Quang còn có nhiều câu thơ ấn tượng "Anh xin em làm một khung tranh/ đóng mặt em lên tường anh khóa cửa/ mình em ngồi đó/ riêng em anh nhìn" (Những khúc hát em).

NSND Lê Huy Quang đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật: Hơn 20 Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn sân khấu toàn quốc. Năm 1995, ông đạt giải thưởng của Bộ Quốc Phòng về sân khấu, cùng với nhiều giải thưởng, huy chương vàng, bạc về hội họa, đồ họa và thiết kế sân khấu. Năm 2002, nhà thơ Lê Huy Quang đạt giải C tập thơ Ta về Hà Nội đi em của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Link gốc: TTVH