Đạo diễn Nguyễn Lương Hằng: 'Tôi muốn làm những tác phẩm mang dấu ấn Việt Nam'
Phim ngắn tâm lý hài hước Supermarket Affairs (Chuyện tình siêu thị) của Nguyễn Lương Hằng đã tham gia khoảng 20 liên hoan phim ngắn lớn nhỏ khác nhau trên thế giới và tạo được nhiều ấn tượng đối với công chúng.
Nguyễn Lương Hằng đến từ TP.HCM, thích khám phá bản sắc người phụ nữ Việt Nam cũng như nỗi buồn và mối quan hệ của họ với gia đình trong phim.
Phim ngắn đầu tay The Story Of Us (2014) của cô được trình chiếu tại Liên hoan phim Focus on Asia Fukuoka (2016). Cô từng là nhà sản xuất cho phim Thưa mẹ con đi (2019) của Trịnh Đình Lê Minh. Hiện cô đang nhận học bổng Fulbright để theo học về sản xuất phim tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ).
Chúng tôi có trao đổi ngắn với Nguyễn Lương Hằng.
* Ý tưởng phim "Chuyện tình siêu thị" đến với chị từ đâu?
- Khi sang Mỹ để lấy bằng thạc sĩ điện ảnh, dù tiếng Anh của tôi có thể giao tiếp tốt, trước đó cũng từng học tại Southeast Asian Film Lab (LHP Singapore), Locarno Open Doors Lab và EAVE Ties That Bind… nhưng cảm giác cô đơn, nhớ nhà, là không thể tránh khỏi.
Trong lúc nhớ thức ăn Việt, tôi có đến các khu chợ châu Á trên đất Mỹ để tìm nguyên liệu về nấu nướng. Tại đó, hàng hóa chất đống nhiều chủng loại, gia vị không khác lắm với những gì mình có ở nhà, nhưng cảm giác lạc lõng vẫn không vơi đi.
Thêm nữa, trải nghiệm cá nhân của tôi khi vượt qua những khó khăn để vẫn gần gũi với mẹ tôi sau khi cha tôi mất, khiến tôi nảy ý liên tưởng không biết nếu mẹ lạc đến đất này, sẽ như thế nào. Những hình ảnh, cảm xúc đó, sau này còn được bổ sung thêm những mẩu chuyện thực của những người bạn nhập cư vào Mỹ quanh tôi, giúp câu chuyện dần dần thành hình. Có thể nói câu chuyện này mang tính cá nhân sâu sắc.
* Vậy từ lúc mới có ý tưởng đến lúc hoàn tất kịch bản phim, có thay đổi nhiều không?
- Tôi chỉnh từ 4 đến 5 lần, trong đó có 2 lần sửa lớn. Bản cuối vẫn giữ ý tưởng chính, nhưng tình tiết có chỉnh sửa bớt để vừa hợp lý, vừa phải có ngôn ngữ điện ảnh cần thiết.
* Trở ngại lớn của chị khi đạo diễn phim này trên đất Mỹ là gì?
- Cái thuận lợi nhất cũng chính là điều trở ngại nhất, đó là đạo diễn một kịch bản do chính mình viết. Tôi đã cố đào sâu quan hệ 2 mẹ con, cũng như quan hệ giữa 2 phụ nữ với cùng một người đàn ông xa lạ, nhằm thuyết phục khán giả tin vào câu chuyện mình kể. Phải phát huy mọi vốn sống lâu nay để hiểu hơn về các mối quan hệ với nhau.
Làm phim ở Mỹ, tuy người Việt là một cộng đồng lớn ở đây, nhưng muốn tìm được diễn viên gốc Việt có thể đảm đương các vai chínhlà rất khó. Tôi đã mất khá nhiều thời gian cho việc này, cuối cùng cũng tìm được cô Nguyễn Thị Minh Ngọc ở ngay Austin, Texas, riêng Quyên Ngô vai người con gái thì phải mời từ Los Angeles sang.
Bối cảnh chính của phim là một siêu thị. Cho đoàn phim vào quay mấy ngày chắc chắn ảnh hưởng doanh thu của họ rồi, đó là chưa kể đoàn quay vào thời điểm cận Tết, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn là nỗi ám ảnh khắp nơi. Cuối cùng, đoàn phải tách quay 2 đợt, cuối 2021 và đầu 2022, ở 2 khu chợ khác nhau, 1 quay nội và 1 quay ngoại.
* Với những phim ngắn đầu tay đã quay trong và ngoài nước, đã giữ vai trò sản xuất cho phim điện ảnh "Thưa mẹ con đi". Chị có chuẩn bị cho một tác phẩm dài hơi khi về nước không?
- Nhờ làm sản xuất phim đầu tay của anh Trịnh Đình Lê Minh, tôi học được cách đạo diễn đi sâu sát rồi tìm cách khơi gợi cảm xúc cho diễn viên, từ những người trẻ như Lãnh Thanh, Võ Điền Gia Huy, đến kỳ cựu như cô Lê Thiện, Hồng Đào... Với các diễn viên của mình, tôi phải tìm ra đúng tần số của họ và phải tìm ra nhiều cách khác nhau để truyền tải ý mình đến họ. Khi niềm tin đã được xác lập, bản thân họ cũng cộng hưởng bổ sung nhiều sáng tạo thú vị, thì khán giả dễ tán thưởng và ngưỡng mộ cách diễn viên tung hứng. Dĩ nhiên, đạo diễn phải nhìn ra tổng thể từ trước và trung thành với tổng thể đó khi dựng mới mong tác phẩm được trọn vẹn và nhất quán.
Tôi muốn làm những tác phẩm mang dấu ấn Việt Nam; và các nhà làm phim trẻ khác cũng làm được như vậy. Tôi hy vọng sống được với nghề của mình, đó là điều quan trọng. Tôi hay đùa với bạn bè làm phim rằng nếu có ai đó phải bán nhà để làm phim thì họ vẫn may mắn là có nhà để bán!
Dầu vậy, tôi tự thấy trong các phim mà tôi muốn làm ít nhiều có sự tương đồng với ý thích của khán giả, nên hy vọng trong tương lai không phải đi đến sự thỏa hiệp nào quá lớn. Nếu được cơ hội làm những dự án vẫn nằm trong vùng mình muốn làm mà lại giao thoa phù hợp với tình cảm của khán giả thì hay biết mấy.
* Vậy dự định sắp tới của chị là gì?
- Trong tương lai, đề tài tôi chọn có lẽ ít nhiều sẽ có sự tương đồng với phim Chuyện tình siêu thị, nhưng sẽ khai thác theo chiều hướng khác. Chủ đề chắc vẫn là về gia đình và phụ nữ qua các thế hệ khác nhau, đối diện sự mất mát khi phải tiễn đưa người thân, cách hòa giải sự bất khả cảm thông giữa các thế hệ…
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.