Tạ Quang Thắng: 'Nếu không có cái tôi thì phí lắm'
Bấy lâu, ca sĩ Tạ Quang Thắng vẫn chọn đi con đường khá khác biệt so với âm nhạc thị trường. Anh theo đuổi rock và tìm kiếm những ý tưởng thể hiện cái tôi cá nhân. Ca khúc Sơn Tinh - Thủy Tinh là một ví dụ cho âm nhạc mang nét riêng của nam ca sĩ này.
Ca khúc này được Tạ Quang Thắng viết vào cuối năm 2015, hoàn thành đầu năm 2016, với lý do khá riêng là muốn kết hợp cùng với Trần Thắng - guitarist của ban nhạc rock Ngũ Cung. MV Sơn Tinh - Thủy Tinh vừa phát hành cách đây ít lâu. Tạ Quang Thắng có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Phảng phất hồn dân tộc
* Vì sao anh chọn sử dụng tích xưa về Sơn Tinh - Thủy Tinh cho dự án âm nhạc lần này?
- Khi nói chuyện với Trần Thắng về việc kết hợp trong một tác phẩm chung, tôi đã nghĩ là mình phải viết bài hát này theo kiểu đối thoại, để làm bật cá tính âm nhạc của mỗi người. Vàtôi nhớ đến hình ảnh 2 mảng đối lập đến cực đại là Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Từ bé, tích xưa đã được chúng ta thuộc lòng. Qua các dị bản đã từng được ông bà, cha mẹ kể lại và cả những dị bản được học trong sách giáo khoa, tôi phát hiện ra một điều là, trong tất cả các dị bản đó, chúng ta chưa từng thấy Sơn Tinh và Thủy Tinh nói chuyện với nhau. Ta chỉ biết là họ đến từ 2 nơi với tài năng rất khác, xuất hiện là đi tìm lễ vật, rồi sau đó cứ thế giao đấu với nhau hằng năm,tuyệt nhiên chưa từng tranh cãi, đối thoại.
Nhưng chắc chắn phải có chứ? Vì biết bao năm qua, họ năm nào cũng "chiến đấu" với nhau. Đó chính là điều vô cùng thú vị và thách thức, khiến tôi lại càng bị cuốn vào chủ đề này và cố gắng chinh phục cho bằng được.
* Câu chuyện đưa văn hóa Việt Nam vào âm nhạc không còn quá mới, nhưng không phải ai làmcũng thành công. Khi thực hiện dự án, anh có cân nhắc đến yếu tố được/mất, hoặc tính toán làm sao để tác phẩm tiếp cận nhiều khán giả nhất có thể?
- Tôi nói thật, nhưng chắc mọi người sẽ không tin, vì làm gì có nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm mới mà lại không cân nhắc và tính toán đến hiệu ứng khán giả. Nhưng tôi và Trần Thắng thì thật sự không hề nghĩ về điều đó khi thực hiện tác phẩm này.
Chúng tôi vẫn thường nói với nhau là mình thật sự rất may mắn. May vì ngay từ khi bắt đầu làm nghề, mình vẫn luôn là chính mình, làm thứ âm nhạc mình thích, chưa bao giờ đánh mất bản thân. Không thỏa hiệp trong nghệ thuật để hướng tới số đông khán giả, nhưng vẫn được công chúng yêu nhạc ghi nhận và yêu mến.
Chúng tôi từng biểu diễn Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lần lại biểu diễn Chuyện người đánh cá mà tôi sáng tác... khi ban tổ chức yêu cầu cả hai diễn chung. Nhưng đấy chưa phải là những gì chúng tôi tâm đắc, vì tác phẩm chưa đo ni đóng giày, nên chưa nêu bật được cá tính âm nhạc của cả hai. Chúng tôi nảy ra suy nghĩ hợp tác chung từ lúc đó.
Điều khiến chúng tôi thấy thôi thúc nhất, là khi vào thăm một nhạc sĩ lớn tuổi ở bệnh viện. Khi nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ ấy vẫn cầm theo bản nhạc và hát cho chúng tôi nghe, còn dặn là khi khỏi bệnh về nhà, sẽ nhờ chúng tôi tới cùng sản xuất.
Khi ra về, tôi và Trần Thắng hứa với nhau là khi còn trẻ, còn nhiều năng lượng và sức sáng tạo thì nhất định phải làm và làm hết sức với những gì mình có, không toan tính gì khác ngoài việc thỏa mãn cái tôi của mình với âm nhạc, để sau này về già, mình không tiếc nuối bất kỳ điều gì.
Chúng tôi bắt đầu dự án với những lý do như thế, nên việc tính toán thiệt hơn về hiệu ứng khán giả là không hề có. Chúng tôi biết khán giả thích gì, nhưng nếu để chiều theo thị hiếu, hoặc muốn tiếp cận với số đông thì chắc chắn, ca khúc này không được sản xuất.
* Vậy điều anh muốn gửi gắm qua dự án mới này là gì và liệu trong tương lai, TạQuang Thắng có tiếp tục cho ra mắt những tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam?
- Đầu tiên, chúng tôi muốn thể hiện cái tôi của mình trong âm nhạc. Nghệ sĩ mà, nếu không có cái tôi và nét riêng thì phí lắm.
Tiếp sau, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các anh em bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là các em trẻ tuổi mới vào nghề. Nếu các bạn, các em thấy chúng tôi hết mình trong âm nhạc mà không toan tính thiệt hơn, biết đâu các bạn, các em cũng sẽ có thêm chút động lực làm nghề. Nghệ sĩ mà ganh đua nhau về nghề nghiệp thì sẽ rất tốt. Cũng giống như Messi và Ronaldo vậy.
Cuối cùng, tôi hy vọng rằng qua các tác phẩm âm nhạc của mình, tình yêu dành cho dân tộc và đất nước Việt Nam sẽ được lan tỏa trong cộng đồng yêu nhạc.
Tôi luôn nghĩ rằng, dù mình chơi nhạc gì, hình thức thể hiện ra sao, thì mình vẫn luôn phải nhớ mình là người Việt Nam, tự hào với điều đó và luôn cố gắng để các tác phẩm của mình phảng phất hồn dân tộc, kể được các câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam.
Chỉ vì tình yêu âm nhạc
* Theo quan sát của anh, nhạc rock Việt đang như thế nào giữa thị trường âm nhạc khá sôiđộng hiện tại?
- Tôi thấy rock hiện không phải là dòng nhạc thịnh hành, nhưng không vì thế mà tôi có gì trăn trở cả. Dòng nhạc nào thì cũng có lúc rất thịnh hành và được đại đa số công chúng quan tâm, nhưng sau khi hết một chu kỳ vận động, thì sẽ có một dòng nhạc khác thế chỗ.
Ta từng chứng kiến trong lịch sử âm nhạc thế giới những năm 1930-1940 là nhạc jazz, rồi sau đó là blues, những năm 1970-1980 là thời của rock, rồi 1990-2000 là thời của boyband, girlband, sau đó đến R&B, rap, hip-hop… Ngay cả ở Việt Nam mình cũng thế, có thời điểm nhà nhà nghe bolero, sau rồi dần giảm sức hút,nhưng không vì vậy mà nó mất đi hoặc lụi tàn.
Thể loại nào thì cũng sẽ có lượng công chúng của riêng mình. Nghệ sĩ cũng vậy. Có người đi theo xu hướng, có người chỉ làm kiểu nhạc mình thích. Mỗi người mỗi lựa chọn. Như cuộc sống muôn màu, nếu ai cũng giống nhau thì chán lắm, nhất là nghệ thuật, phải phong phú mới hay.
* Điều gì khiến anh tự tin, vui và hạnh phúc dù lối đi không dễ tiếp cận đại đa số khán giả?
- Tôi vui nhất vì luôn là chính mình. Tôi luôn chân thật với cảm xúc và con người mình trong từng bài hát, từng nốt nhạc và từng câu đàn. Tôi chưa bao giờ phải thỏa hiệp bớt cá tính của mình để thích nghi với số đông. Nhưng may mắn là tôi vẫn có được một lượng khán giả riêng, chính vì thế mà tôi mới có thể tồn tại và làm nghề gần 20 năm nay.
Tôi luôn thấy mình rất may mắn, vì nhìn sang bạn bè, anh em đồng nghiệp, có rất nhiều người tài năng và nhiệt huyết, nhưng họ lại chưa chạm được vào cái duyên với nghề.Nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề đi làm công việc khác, hoặc buộc phải thỏa hiệp làm những điều mình không thích để có thể bám trụ với nghề, hoặc là có những bước phát triển rực rỡ hơn.
Tôi sợ nhất là đánh mất mình, nên luôn tự dặn bản thân dù có thế nào cũng luôn phải nhớ mình là ai và mình bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật là vì điều gì. Tôi đến vì tình yêu âm nhạc, nên chỉ cần không quên điều đó là sẽ không bao giờ đánh mất chính mình.
* Theo anh, nếu đặt âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh đang từng bước ra thếgiới, thì liệu chúng ta có cần một câu chuyện khác, hoặc một thứ âm nhạc phổ quát hơn?
- Tôi nghĩ là bản thân âm nhạc đã là một thứ ngôn ngữ rồi. Đấy chính là lý do mà nghệ sĩ ở các quốc gia khác nhau có thể chơi cùng một dàn nhạc, mà không gặp phải khó khăn gì quá lớn cả.
Khi càng bước ra thế giới, chúng ta càng cần có sự khác biệt và màu sắc riêng của dân tộc mình. Mỗi quốc gia cần giới thiệu những nét riêng trong âm nhạc của mình để vừa giao lưu, vừa thể hiện bản sắc. Nếu không kể được câu chuyện của dân tộc mình bằng âm nhạc thì khi ra thế giới, chúng ta biết làm gì đây?
Cái hay của văn hóa và nghệ thuật là sự đa dạng. Sự đa dạng xuất phát từ nơi người nghệ sĩ sáng tạo, trình diễn. Đấy là lý do mà càng bước ra thế giới, ta càng phải nhớ mình là người Việt Nam.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.