Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay

Tết là những ngày mở đầu cho năm mới và được coi là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khép lại những việc đã qua để chờ đón những điều tốt đẹp trước thềm Xuân mới. 

Dù Tết chỉ gói trong ba ngày nhưng thực tế để chờ đón những ngày này, người ta phải chuẩn bị từ rất sớm, sôi động nhất từ ngày 23 tháng Chạp (Lễ cúng ông Công, ông Táo) và kết thúc vào mùng 7 tháng Giêng. Tết xưa Hà Nội với nhiều phong tục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ngày nay, dù đời sống đã phát triển, người Hà Nội vẫn lưu truyền những nét đẹp đó.

* Lễ chùa, nét đẹp những ngày đầu năm mới

Gửi ước nguyện vào những ngày đầu năm mới là những điều ai cũng hướng tới. Sau những nghi thức cúng tổ tiên tại nhà, người ta thường đi lễ đền, chùa trong những ngày đầu năm để cầu mong cho gia đình được bình an, mạnh khỏe, mọi việc hanh thông, thuận lợi. Bao năm nay vẫn vậy, lễ chùa trong những ngày đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Người ta đến chùa vãn cảnh để tìm sự tịnh tâm, để gửi ước nguyện đến các chư Phật phù hộ cho mình và những người thân trong gia đình.

Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay - Ảnh 1.

Nhiều người dân đến đền Ngọc Sơn ngay sau thời khắc đón năm mới Giáp Thìn. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Ngay sau Giao thừa, nhiều người sau khi hoàn tất lễ trừ tịch (cúng Giao thừa) đã đi chùa cầu may để đón linh khí tốt lành khi đất trời chuyển giao sang năm mới. Thời điểm này, các đền, chùa đều mở cửa cho người dân đến hành lễ, dù ngày thường đến cuối giờ chiều không còn đón khách. Đặc biệt, lượng người lễ đền, chùa vào thời điểm Giao thừa rất đông, từ người già đến thanh niên và cả trẻ nhỏ theo bố mẹ đến lễ. Các ngày sau đó lượng người đến chùa luôn tất nập, đông vui, mặc trang phục đẹp, vừa lễ chùa, vừa ghi lại những bức hình trong những ngày đầu năm. Một số đền, chùa lớn tại Hà Nội như: Chùa Quán Sứ, Hòe Nhai, Trấn Quốc, Tảo Sách, Vạn Niên, Kim Liên, Tổ đình Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ, Tứ trấn Thăng Long… luôn là điểm tâm linh thu hút đông khách thập phương. Nhiều tuyến đường dẫn tới các chùa lớn còn trong tình trạng nghẽn xe do lượng người đổ về rất đông những ngày đầu năm.

Theo Trưởng Tiểu Ban Quản lý Phủ Tây Hồ Trương Tín Hồi, Phủ Tây Hồ luôn là điểm tâm linh thu hút đông người dân Hà Nội và khách các tỉnh đến lễ đầu năm. Chính bởi vậy, Tiểu Ban Quản lý luôn phối hợp với các ngành chức năng phường Quảng An, quận Tây Hồ bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân thực hiện văn minh nơi thờ tự. Nhìn chung, công tác tổ chức và quản lý hoạt động tại Phủ đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và hạn chế tối đa các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại đây.

* Chơi hoa ngày Tết, thú chơi tao nhã 

Hà Nội vốn nổi tiếng về các thú chơi tao nhã, trong đó chơi hoa Tết là phong tục không thể thiếu trong mỗi nếp nhà và nó trở thành nét đẹp văn hóa mỗi khi Tết đến, Xuân về. Nhiều người cho rằng, thú vui thanh tao ấy không chỉ đơn thuần là thưởng thức cái hương sắc của thiên nhiên mà còn dùng vẻ đẹp ấy để bộc lộ nhân sinh quan, gửi gắm những ước muốn tốt đẹp vào một năm mới sắp đến. Mỗi loài hoa mang một đặc trưng riêng, song đều có chung một ý nghĩa biểu trưng cho sự may mắn, sung túc, bình an, hạnh phúc.

Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay - Ảnh 2.

Bởi vậy, cho dù mỗi gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau nhưng với người Hà Nội, không phải vì quá khó khăn mà ngày Tết thiếu đi bình hoa, chậu cảnh. Nếu đời sống khá giả có thể là những cây đào, cây mai, cây quất, chậu lan lớn, gia đình không được khá giả có thể là những cây hoa, cành hoa nhỏ hơn. Chơi hoa ngày Tết sẽ làm cho không khí trong gia đình thêm phần vui tươi, bởi hoa chính là biểu tượng, là hơi thở của mùa Xuân.

Bên cạnh những loài hoa và cây đặc trưng của ngày Tết như, đào, mai, quất, thược dược, lay ơn…, có một loài hoa tao nhã, đòi hỏi người chơi phải công phu, tỉ mẩn, đó là hoa thủy tiên. Một bát thuỷ tiên đẹp phải hội tụ đủ các yếu tố: Rễ trắng dài giống như hàm én, bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng, lá màu xanh ngọc, hoa phải 3 tầng tượng trưng cho ba nhân tố thiên - địa - nhân. Theo Nghệ nhân chơi hoa thủy tiên Phạm Hồng Phương, vào đúng đêm Giao thừa, bát hoa của người nào có một "nụ nở hàm tiếu" (nở hé ra) được cho là mọi sự tốt lành, nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình trong năm tới.

Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay - Ảnh 3.

Những ngày cận Tết, khắp các phố phường Hà Nội đâu cũng thấy những chợ hoa, những dãy phố bày bán hoa. Không chỉ có 83 chợ hoa Xuân phục vụ Tết nguyên đán Giáp Thìn tổ chức theo kế hoạch của thành phố, mà có cả hàng trăm chợ hoa tự hình thành trên khắp các phố do thói quen mua sắm của người dân. Lớn nhất có thể kể đến khu vực bán hoa tại chợ hoa Quảng An, chợ hoa đường Âu Cơ, Lạc Long Quân, khu vực chợ Bưởi - Hoàng Hoa Thám, Hàng Lược… Hàng trăm loài hoa khoe sắc, người mua, người bán tấp nập, ai cũng rạng rỡ, tươi vui bởi họ đều trao và nhận những sắc Xuân để Tết thêm phần tươi đẹp.

* Phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm

Người Việt xưa có quan niệm: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" để chỉ sự hiếu nghĩa trong đạo làm con, làm trò trong những ngày đầu năm. Trước kia, sáng mùng một Tết còn gọi là ngày chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Khi chúc Tết, người lớn thường mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới đựng trong bao lì xì đỏ. Tục lì xì này có từ rất lâu, người xưa tin rằng ánh sáng và tiếng leng keng của đồng tiền mới sẽ xua đuổi tà ma, bảo vệ con trẻ lớn lên khỏe mạnh. Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất và lấy may từ những ngày đầu năm mới.

Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay - Ảnh 4.

Phong tục mừng tuổi cho trẻ em. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu về người Việt và làng xã người Việt cho biết, dịp Tết, "thần sắc" xóm làng, ngõ phố được thay đổi, không khí phấn khởi, nét mặt ai cũng hân hoan thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp trong năm mới. Những ngày Tết, cha con, anh em quây quần bên mâm cơm, xóm làng quây quần cùng nhau chúc Tết. Tết là sự tri ân, con cái tri ân bố mẹ, các cháu tri ân ông bà, trò tri ân thày thông qua việc chúc Tết, mừng tuổi nhau.

Những lời chúc Tết đều hướng đến điều tốt đẹp, gửi theo ước nguyện may mắn, mạnh khỏe, bình an cùng vô vàn các điều tốt lành khác, qua đó mang lại niềm vui, kỳ vọng cho người chúc và người được nhận lời chúc. Nhất là ngày Tết là những ngày mở đầu cho một năm mới tràn đầy những kỳ vọng. Vì thế, những lời chúc Tết càng trở nên quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình.

Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay - Ảnh 5.

Phố Tràng Tiền - Hà Nội trong sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn. Ảnh: TTXVN phát

Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập Chuyên khảo nghiên cứu Việt Nam của Nhà xuất bản Thế giới cũng cho rằng, ý nghĩa của lời chúc Tết là biểu hiện tình cảm, ước vọng của mọi người khi năm cũ chưa thực hiện được, mong làm được trong năm mới. Đó cũng là động lực để mọi người hướng tới, nếu ở tuổi không còn làm việc, trong năm mới ước sức khỏe tốt, không bệnh tật, người trẻ ước vọng kinh tế tốt hơn, trong gia đình thì hòa thuận…

Ngày nay, chúc Tết vẫn là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội. Tuy không cứng nhắc việc chúc Tết theo quan niệm "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thày" bởi thời gian linh hoạt theo điều kiện mỗi người, mỗi gia đình nhưng việc giữ lễ nghĩa với ông bà, cha mẹ, thày cô vẫn được mọi người coi trọng.

* Coi trọng đạo học trong tục xin chữ đầu năm

Xin chữ và cho chữ vốn là nét văn hóa đẹp của người Hà Nội dịp đầu năm, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, mong ước thành đạt trong năm mới. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xưa kia, người ta sẽ đến gặp những người có sự tu dưỡng về văn từ, nhất là những nhà khoa bảng để xin nghĩa sau đó mới đem cái nghĩa đó đến nhờ người hay chữ viết hộ. Khi muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc đến nhà thầy đồ) học vị tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng.

Những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.

Dù cuộc sống hiện nay chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa hiện đại, song phong tục xin chữ đầu năm vẫn được người Hà Nội gìn giữ. Những dịp đầu năm mới, ở nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội hay các không gian văn hóa, các điểm vui chơi đều có những ông đồ cho chữ và rất nhiều người đến xin chữ. Người cho chữ nắn nót thảo những con chữ trên giấy đỏ, người xin chữ kính cẩn chờ đợi và phấn khởi nhận lại.

Phong vị Tết Hà Nội xưa và nay - Ảnh 6.

Xin chữ thư pháp đầu năm. Ảnh: TTXVN phát

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Thuyết, Câu lạc bộ Thư họa UNESCO thành phố Hà Nội là một người gắn bó với thư pháp từ lâu. Cứ mỗi dịp đầu Xuân, ông thường cho chữ những người đến xin chữ thông qua các bức thư pháp, vừa mang ý nghĩa tốt đẹp, vừa mang tính thẩm mỹ. Ông cho biết, hiện nay rất nhiều người coi trọng đạo học nên thường xin chữ về treo lấy may mắn.

Hàng năm, Hội chữ Xuân Hà Nội thường diễn ra tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phục vụ nhu cầu cho chữ và xin chữ của người dân. Các ông đồ tham gia hội chữ mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành. Hội chữ Xuân được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm tôn vinh truyền thông tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập, vươn lên của thế hệ trẻ và góp phần từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ cũng như công chúng Thủ đô.

Đinh Thuận/TTXVN

Link gốc: TTVH