Báo Đông Nam Á ca ngợi SVĐ Hàng Đẫy, CĐV từng trầm trồ với 'siêu dự án' 300 triệu USD đạt chuẩn FIFA

SVĐ Hàng Đẫy từng được báo chí Đông Nam Á ca ngợi vì những đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Báo Đông Nam Á ca ngợi SVĐ Hàng Đẫy

Năm 2019, tờ Kumparan của Indonesia đã ca ngợi SVĐ Hàng Đẫy trong bài viết: "SVĐ Hàng Đẫy, nơi giữ ngọn lửa tinh thần của bóng đá Việt Nam". Trong bài viết này, Kumpuran đã nhắc tới những bước tiến của bóng đá Việt Nam kể từ sau VCK U23 châu Á 2018 như vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019. Sau đó, tờ báo của Indonesia nhắc tới SVĐ Mỹ Đình và SVĐ Hàng Đẫy.

"Những thành tích nói trên của bóng đá Việt Nam khiến không khí bóng đá quốc nội trở nên sôi động. SVĐ Mỹ Đình ở thủ đô Hà Nội là một phần không thể thiếu trong sự hồi sinh của bóng đá Việt Nam. Lý do, đó chính là nơi ĐT Việt Nam nếm trải vị ngọt trong hành trình giành được thành công của mình. Sân vận động Mỹ Đình đã trở thành bản sắc của bóng đá Việt Nam cho đến ngày nay", tờ Kumpuran viết.

Báo Đông Nam Á ca ngợi SVĐ Hàng Đẫy, CĐV từng trầm trò với 'siêu dự án' xây mới 300 triệu USD đạt chuẩn FIFA - Ảnh 2.

Tờ Kumparan của Indonesia đã ca ngợi SVĐ Hàng Đẫy trong bài viết: "SVĐ Hàng Đẫy, nơi giữ ngọn lửa tinh thần của bóng đá Việt Nam".

"Tuy nhiên, nhân chứng thầm lặng cho sự trỗi dậy của bóng đá Việt Nam không chỉ có SVĐ Mỹ Đình. Ở Hà Nội còn có một SVĐ khác cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam, đó là sân Hàng Đẫy", Kumpuran viết.

Theo tìm hiểu của tờ Kumpuran, có khoảng 2.000-3.000 CĐV tới SVĐ Hàng Đẫy cổ vũ vào mỗi cuối tuần. "Chừng đó là đủ để khơi dậy sự cuồng nhiệt của CĐV Việt Nam khi xem bóng đá quốc nội", tờ Kumpuran nhận định.

Tác giả bài viết đã thuật lại cảm xúc khi đặt chân tới SVĐ Hàng Đẫy: "Ngay khi bước vào SVĐ Hàng Đẫy, tôi nghĩ ngay tới những SVĐ giàu truyền thống của Indonesia. Dù sức chứa ở đây không quá lớn nhưng chính tại Hàng Đẫy, tinh thần của bóng đá Việt Nam đã được gìn giữ. Khi tôi đến, bầu không khí khá yên tĩnh nhưng tôi tin chắc khi Hà Nội FC thi đấu ở đây, SVĐ sẽ rất đông đúc".

"Khi rời SVĐ Hàng Đẫy, tôi có hy vọng rằng niềm đam mê bóng đá của CĐV địa phương tại đây sẽ được giữ nguyên, giống như tại Indonesia. Và để điều này xảy ra, tất nhiên SVĐ Hàng Đẫy phải được duy trì", tờ Kumpuran viết.

Sân vận động Hàng Đẫy được khánh thành vào năm 1958, thiết kế theo hình lòng chảo với 20 bậc, sức chứa khoảng 22.500 khán giả. Trong hơn 60 năm tồn tại, sân Hàng Đẫy tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn bên cạnh các trận đấu bóng đá.

Trước thời điểm báo Kumpuran đăng tải bài viết về SVĐ Hàng Đẫy thì vào năm 2017, SVĐ này đã được cải tạo, nâng cấp với kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Năm 2018, có thông tin về việc xây mới SVĐ Hàng Đẫy với kinh phí 300 triệu USD theo tiêu chuẩn FIFA. Thời điểm thông tin này được công bố, các CĐV của CLB rất mong đợi. Tuy nhiên cho tới nay dự án này vẫn chưa được khởi động. 

Hiện tại xuất hiện một số thông tin về việc CLB Hà Nội có kế hoạch dọn ra khỏi sân Hàng Đẫy và lấy sân Hà Đông làm sân nhà từ mùa giải 2024/25.

Theo tìm hiểu của Thethaovanhoa.vn thì vẫn chưa có quyết định chính thức cuối cùng về việc đội bóng nào sẽ phải chuyển khỏi sân Hàng Đẫy giữa 3 CLB là Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel.

Sơn Tùng

Link gốc: TTVH