Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN (kỳ 1): Minh Lộc - nhịp sống sôi động và chất lửa trong ảnh
Một vinh dự - và cũng là niềm tự hào đặc biệt: Trong đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 (dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới đây), có tới 7 trường hợp trong lĩnh vực nhiếp ảnh là những gương mặt đã từng làm việc và cống hiến cho Thông tấn xã Việt Nam bằng những tác phẩm của mình. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài viết về những nhiếp ảnh gia này.
1. Sinh năm 1937, Minh Lộc (Nguyễn Hữu Lộc) vốn là thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, được Việt Nam Thông tấn xã tiếp nhận và đào tạo thành phóng viên ảnh của Phân xã Nhiếp ảnh. Ông được phân công chụp ảnh lĩnh vực công nghiệp trên miền Bắc Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu cầm máy, ông đã có nhiều ảnh đẹp rất sống động về công nghiệp Hà Nội và than Quảng Ninh.
Chiến tranh ập đến, ông càng gắn bó hơn với vùng mỏ. Dường như số phận Minh Lộc đã hòa chung với số phận những người thợ mỏ. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng xuống lò, cùng ra trận địa, sống chết với công nhân mỏ. Ông là đứa con miền Nam trên đất Bắc, biền biệt không có tin tức cha mẹ, anh em ruột thịt ở trời Nam.Nhưng, tình thương yêu của người vợ Hà Nội, của Phân xã Nhiếp ảnh, đặc biệt tình cảm, cuộc sống của những người thợ mỏ đã đem lại cho ông một gia đình mới ấm áp.
Những năm ấy, Minh Lộc cũng như các phóng viên ảnh khác của Phân xã Nhiếp ảnh đều hướng ống kính vào thực tế chiến sự đang diễn ra trong lĩnh vực mình theo dõi. Cuộc sống của người công nhân ngày ấy gắn liền với khẩu hiệu "Vừa sản xuất, vừa chiến đấu". Nam nữ công nhân đều tập luyện quân sự trở thành tự vệ nhà máy, tự vệ xí nghiệp, được cầm súng bên mình. Ở Hà Nội, họ xây dựng các ụ pháo cao xạ tầm thấp trên đê, bên hồ, ao, và cả trên nóc sàn các nhà cao tầng. Ở Quảng Ninh, ụ súng được đặt ngay trên đồi cao, trên các đỉnh dốc của giếng than. Họ trực chiến suốt ngày đêm kết hợp với pháo cao xạ tầm cao, tên lửa, không quân hiệp đồng tác chiến.
Ảnh của Minh Lộc về cảnh sắc vùng mỏ và những người thợ mỏ cầm súng có nét khác biệt với ảnh của những nhà nhiếp ảnh cùng thời về đề tài này. Chất sống động phóng khoáng, con người và cảnh vật hừng hực sức sống trong từng bức ảnh… là điểm nổi trội của ông. Có thể nói, cá tính và vùng mỏ đã tạo ra chất ảnh Minh Lộc và phong cách riêng Minh Lộc. Những thành công ban đầu ấy đã giúp ông thâm nhập nhanh vào nhiều lĩnh khác, đặc biệt là nhiếp ảnh thời chiến.
2. Là một phóng viên yêu nghề xông xáo, táo bạo, Minh Lộc đã chụp được nhiều cảnh tự vệ công nhân Hà Nội, Quảng Ninh trực chiến, nhiều cuộc nổ súng bắn máy bay Mỹ trong lửa khói ác liệt. Năm 1970, 1971, ông có những chuyến đi Quảng Bình rất thành công. Chất lửa sôi sục trong ảnh ở Quảng Bình là tiếp tục những gì đã có từ Quảng Ninh, Hà Nội, và nó được tiếp tục thể hiện trong ảnh Hà Nội, Hải Phòng chiến thắng B52 Mỹ năm 1972.
Trong trận "Điên Biên Phủ trên không" ấy, Minh Lộc có ảnh ghi lại cảnh xác máy bay B52 Mỹ phơi mình trong hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà, rồi ảnh về tội ác của Mỹ ở Khâm Thiên, ở ga Hàng Cỏ v.v… Đó là những ảnh được Minh Lộc lao tới "chộp"nhanh, "chộp" trước nhiều tay máy ở Hà Nội.
Minh Lộc hăm hở và lạc quan. Tôi không bao giờ quên những bông hoa đồng tiền của các cô gái làng Ngọc Hà tặng ông, khi ông đến chụp ảnh xác máy bay B52 ở hồ Hữu Tiệp. Những bông hoa tươi mơn mởn với những cánh hoa như tia mặt trời xinh xinh ấy được cắm vào chiếc cốc thủy tinh uống nước đặt trên bàn làm việc tầng 4, nhà 18 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Một cảm giác vui vui lan tỏa xua tan những đổ nát, chết chóc mà cánh phóng viên chúng tôi từng gặp. Tối đến, lọ hoa được rinh lên tủ sấy máy ảnh, nhường chỗ cho ông và tôi nằm trực chiến, đợi lệnh xuất phát. Đấy là những năm tháng "giường bàn, chiếu báo, gối bản tin" của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã.
3. Trong cụm tác phẩm ảnh Phụ nữ miền Bắc chống Mỹ cứu nước của Minh Lộc được Giải thưởng Nhà nước lần này, cái riêng, cái phong cách Minh Lộc cũng bộc lộ rõ nét. Chất "ảnh động", khẩn trương, sôi sục không khí thời chiến được bung ra mạnh mẽ. Chúng ta hãy ngắm lại từng tấm ảnh của tác giả:
1) Ngày 18/12/1972, Mỹ ném bom ga Hà Nội.
2) Nữ tự vệ trực chiến sẵn sàng chiến đấu.
3) Nữ tự vệ xí nghiệp bánh kẹo trực chiến trên nóc phố Hà Nội.
5) Nữ tự vệ săn máy bay tầm thấp bắn trả máy bay Mỹ trên bầu trời Quảng Bình.
6) Đơn vị Nữ tự vệ bắn trả máy bay Mỹ xâm phạm Quảng Bình.
7) Tiếng hát át tiếng bom- Thanh niên xung phong Hà Tĩnh.
8) Đơn vị Thanh niên xung phong Hà Nội tăng cường phía Nam.
Ở bức ảnh đầu, Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đổ nát, khói bom chưa tan, các chiến sĩ áo trắng đã có mặt tại hiện trường. Ở đây, bức ảnh này là cái nền, là bối cảnh cho cụm tác phẩm. Đó là một toàn cảnh ngổn ngang gạch đá, xi măng, sắt thép tan hoang, nhìn vào nhức nhối đến tức mắt, đau đớn và căm giận. Đồng thời, Minh Lộc có ngay hình ảnh các cô gái xinh xắn, khỏe mạnh, kiên nghị bên ụ pháo ở Hà Nội và Quảng Bình quyết tâm diệt thù làm chúng ta nguôi ngoai. Ông tập hợp hình ảnh "Phụ nữ cầm súng" thể hiện nét đặc trưng của cuộc chiến tranh nhân dân.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vết thương chiến tranh đã được hàn gắn, Ga Hàng Cỏ đã xây dựng lại như xưa. Những cô gái tự vệ năm ấy người còn, người mất. Nhưng trong ảnh Minh Lộc, đáng yêu sao, họ vẫn xinh xẻo, tươi tắn, yêu đời, vẫn sôi sục chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của mình, hạnh phúc cho mình và cho dân tộc mình. Minh Lộc đã lưu giữ được những khoảnh khắc hào hùng tuyệt đẹp của những người phụ nữ Việt Nam, và họ còn đấy, trẻ mãi tuổi 20 với non sông đất nước.
"Tôi không bao giờ quên những bông hoa đồng tiền của các cô gái làng Ngọc Hà tặng ông, khi ông đến chụp ảnh xác máy bay B52 ở hồ Hữu Tiệp. Những bông hoa tươi mơn mởn với những cánh hoa như tia mặt trời xinh xinh ấy được cắm vào chiếc cốc thủy tinh uống nước đặt trên bàn làm viêc tầng 4, nhà 18 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Một cảm giác vui vui lan tỏa xua tan những đổ nát, chết chóc mà cánh phóng viên chúng tôi từng gặp…" - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.