Chào tuần mới: 'Chuẩn hóa' kỳ nghỉ lễ
Có quá sớm không, khi mà trong những tuần lễ đầu tiên của tháng Tư, chúng ta đã vội bàn về kỳ nghỉ lễ ở tận… cuối tháng này?
Câu trả lời là không. Thực tế, vài ngày qua, đề xuất của Bộ LĐ,TB&XH về việc kéo dài kỳ nghỉ của người lao động trong dịp lễ 30/4 - 1/5 lên 5 ngày (bằng cách hoán đổi ngày nghỉ) đang là chủ đề khá "nóng" trên mặt báo và mạng xã hội.
Cụ thể, năm nay, các ngày lễ 30/4 - 1/5 rơi vào thứ Ba và thứ Tư, còn ngày thứ Hai 29/4 vẫn là ngày làm việc bình thường. Trong trường hợp ngày thứ Hai này được hoán đổi thành ngày nghỉ (thường là thứ Bảy của một tuần khác), người lao động sẽ có kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, bao gồm cả dịp cuối tuần trước đó.
Khá nhanh, đề xuất của Bộ LĐ,TB&XH lập tức nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận từ cộng đồng. Và sau khi Bộ Nội vụ vừa có văn bản nhất trí với phương án này, nhiều khả năng nó sẽ được triển khai trên thực tế.
Không lạ, khi chúng ta luôn có xu hướng muốn "nối dài" kỳ nghỉ - khi mà bên cạnh cái Tết Nguyên đán hàng năm, 2 kỳ nghỉ lớn vào các dịp 30/4 - 1/5 và Quốc khách 2/9 vẫn luôn được trông đợi như một cột mốc để "xả hơi" và tái tạo sức lao động trong một năm làm việc.
***
"Nghỉ cho ra nghỉ", đó là tâm lý chung của tất cả cộng đồng. Thay cho việc nghỉ 2 ngày cuối tuần, đi làm một ngày rồi lại nghỉ tiếp 2 ngày lễ, ai cũng sẽ muốn đi làm bù ở một ngày khác, để rồi hưởng thụ đầy đủ một kỳ nghỉ kéo dài 4 - 5 ngày.
Dường như vì tâm lý ấy, sau Tết, chúng ta vẫn thường mở lịch và nhìn vào tháng Tư với sự ngóng chờ: Sẽ thật thú vị nếu dịp 30/4 - 1/5 rơi vào đầu hoặc cuối tuần, để kỳ nghỉ được kéo dài 4 ngày trọn vẹn. Còn nếu không, ta sẽ lại có chút khấp khởi chờ đợi mong nó được điều chỉnh bằng cách "vay" ngày nghỉ từ những dịp cuối tuần khác.
Và, đằng sau sự trông ngóng ấy còn là nhiều câu chuyện về sự chờ đợi hệ thống dịch vụ - khi mà mỗi kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 vẫn luôn là dịp kích cầu cho thị trường du lịch. Rồi, bản thân các doanh nghiệp hẳn cũng muốn có một lịch nghỉ lễ cố định từ đầu năm để điều chỉnh hoạt động sản xuất, giao dịch của mình.
Nhìn lại, cho tới giữa thập niên 1990, người lao động Việt Nam vẫn chỉ có một ngày nghỉ duy nhất vào Chủ nhật hàng tuần, còn kỳ nghỉ vào cuối tháng Tư cũng chỉ có một Ngày Quốc tế lao động 1/5. Theo thời gian, những ngày nghỉ được mở rộng dần, như một bước đi tất yếu gắn với sự phát triển của an sinh xã hội.
Dù vậy, quỹ ngày nghỉ lễ tại Việt Nam (hiện là 12 ngày), còn đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Và, chắc chắn trong tương lai, nó sẽ tiếp tục được thay đổi, khi xu hướng tăng số lượng và kéo dài thời gian nghỉ lễ luôn xuất hiện ở các quốc gia phát triển.
Trong khi chờ điều kiện kinh tế xã hội đủ đáp ứng nhu cầu ấy, rõ ràng việc linh hoạt điều chỉnh để "nối dài" những kỳ nghỉ lễ lớn như dịp 30/4 - 1/5 là hoàn toàn hợp lý. Thậm chí, như mong muốn quanh kỳ nghỉ Tết, những kỳ nghỉ lễ giữa năm có lẽ cũng đã đến lúc cần được "chuẩn hóa" và xây dựng công thức cố định. Công thức ấy vừa cần đảm bảo số ngày được nghỉ theo luật, vừa quy định các phương án hoán đổi ngày nghỉ - ngày làm việc để có thể "kéo dài" chuỗi nghỉ lễ một cách hợp lý nhất qua việc kết nối với các kỳ nghỉ cuối tuần liền kề.
Để khi đó, từ đầu năm, chỉ cần nhìn vào lịch, chúng ta đã có thể biết kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay sẽ kéo dài mấy ngày (cũng như sẽ phải đi làm bù vào những ngày nào) và chủ động lên kế hoạch chuẩn bị.