Nhận diện thực trạng, đề xuất giải pháp thực hiện tốt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược.
Sáng 27/9 tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn".
Tham gia Hội thảo có gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong việc cụ thể hóa các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng về văn hóa; góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, giúp các các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược đạt yêu cầu đề ra. Qua đó, đúc rút và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực hoàn thiện chính sách văn hóa.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Q. Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật Hoàng Hà cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến lĩnh vực văn hóa trong sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển văn hóa, ngày 12.11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 1909/QĐ-Ttg, với mục tiêu chung nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế.
Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Chiến lược cũng đề ra 8 mục tiêu cụ thể; 11 nhiệm vụ và giải pháp lớn với các chương trình, đề án văn hóa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả yêu cầu đề ra. Ông Hoàng Hà nhấn mạnh, trong thời gian qua, triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, lĩnh vực văn hóa đã được cả hệ thống chính trị tập trung xây dựng, nâng cao rõ rệt cả về nhận thức và hành động.
Các địa phương đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa; nhiều di sản văn hóa được ghi danh, xếp hạng, tu bổ gắn kết với phát triển du lịch; các thiết chế văn hóa được tăng cường; công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng; tinh thần nhân ái, nghĩa đồng bào, những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người Việt Nam trong dịch bệnh, khó khăn được lan tỏa, nhân lên…
Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025) với nhiều chương trình, đề án nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa.
Sau gần 2 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, về nhận thức, nguồn lực, chính sách, đào tạo… Những vấn đề đặt ra của văn hóa và phát triển hiện nay đang đòi hỏi cần phải được phân tích, giải quyết thấu đáo trên cơ sở mối tương quan, biện chứng với phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Hoàng Hà, nhằm tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa, về những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, từ đó đúc rút, và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, cũng như đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn".
Hội thảo nhận được 35 tham luận với nội dung phong phú, có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn, tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ở Trung ương và địa phương. Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn; bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thời gian qua. Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Các tham luận đề cập đến nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh vực nổi bật như: Chính sách, thể chế; Di sản văn hóa; Văn hóa cơ sở; Thư viện; Truyền thông; Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Văn học; Giao lưu văn hóa; Du lịch văn hóa…
Với những góc nhìn sát thực, các tham luận đã phân tích, nhận định, đề xuất giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa, có thể kể đến một số tham luận tiêu biểu như: Đầu tư công- quản trị tư: Tư duy mới gỡ khó cho văn hoá; Khơi thông nguồn lực, hoàn thiện chính sách để văn hoá phát triển bền vững; Di sản văn hoá Việt Nam- Thành tựu và suy ngẫm; Một số vấn đề về quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới; Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá; Một số vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh…