Đồ gốm cổ kể gì cho hậu thế?
Hội thảo khoa học Khảo cổ học nghi lễ và tôn giáo diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong tuần qua đã nhấn mạnh vai trò của đồ gốm trong lĩnh vực khảo cổ học, với tính chất của một nguồn thông tin đáng tin cậy về đời sống vật chất, tinh thần của các xã hội trong quá khứ.
Đáng nói, những nghiên cứu từ trước tới nay cho thấy ngay từ khi xuất hiện, đồ gốm đã đảm đương một số chức năng nhất định trong xã hội.
Những cách phân loại
Cụ thể, dựa vào chức năng sử dụng của đồ gốm, TS Nguyễn Anh Thư, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, phân chia đồ gốm ở nước ta làm 5 loại chính: Đồ gốm gia dụng, đồ gốm nghi lễ, vật liệu kiến trúc, công cụ sản xuất, đồ gốm phục vụ mai táng.
Trên thực tế, bà Thư phát hiện, chức năng của đồ gốm không hoàn toàn cố định. Tùy thuộc vào thời điểm và môi trường khác nhau, đồ gốm sẽ đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Đồ gốm nghi lễ đôi khi vẫn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường nhật của cư dân - hoặc ngược lại, một số đồ gốm gia dụng vẫn được sử dụng như một vật biểu trưng trong một số nghi lễ tôn giáo hoặc thờ cúng. Song, do chịu ảnh hưởng của các quy định chặt chẽ trong các nghi thức thờ cúng, có thể nhận thấy, những đồ gốm này về loại hình và chất liệu có tính ổn định và thống nhất, nên có nhiều nét khác biệt so với đồ gốm gia dụng, đồ dùng trong sinh hoạt thường nhật.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại có cách phân chia đồ gốm thành 3 loại. Loại thứ nhất với số lượng lớn phổ biến nhất là các loại hình gốm sử dụng hàng ngày phục vụ đời sống như bát, đĩa, ấm, chén, âu, liễn, bình, hũ… Loại thứ 2 là các sản phẩm đồ gốm dùng làm đồ thờ cúng sử dụng trong cung đình cho tới những không gian thờ tự trong dân gian. Loại hình đồ thờ này tập trung vào loại hình chính là chân đèn, chân nến, lư hương, bình hương... Chất lượng của loại sản phẩm này thường loại hàng thượng phẩm với thiết kế và sản xuất đặc biệt. Loại thứ 3 là đồ gốm trang trí kiến trúc bao gồm các loại gạch, ngói, con giống, tượng rồng, phượng, nghê…
Theo giới nghiên cứu, trong suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên, trên nền tảng truyền thống làm gốm lâu đời từ thời tiền - sơ sử, người Việt đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật sản xuất gốm sứ Trung Hoa và tạo ra một phong cách gốm độc lập, trong đó truyền thống gốm Đông Sơn được nâng cao, chọn lọc cho phù hợp với nhu cầu và thị thiếu thời đại. Dần dà, hàng loạt trung tâm sản xuất gốm có quy mô lớn đã ra đời ở khắp miền Bắc, tập trung ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Trong đó, phải kể đến 4 trung tâm gốm lớn bao gồm Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Hùng Thắng (Hải Dương).
Minh văn trên gốm cổ Bát Tràng, Phù Lãng
Các dòng men nâu, men lam, men trắng ngà… xuất hiện nhiều trên các sản phẩm gốm Bát Tràng với kích thước lớn, hoa văn tinh xảo. Đặc biệt, có những đồ gốm có minh văn (phần chữ được khắc, in trên sản phẩm" cho biết nhiều thông tin về tác giả, người đặt hàng và tên ngôi chùa, quán.
Thông tin từ minh văn trên nhiều đồ gốm Bát Tràng từ thế kỷ 16 đến 18 cho biết, người đặt hàng trải dài từ hàng ngũ quan chức cao cấp như phò mã, công chúa… cho đến tầng lớp bình dân. Thậm chí, không chỉ là tầng lớp cao trong xã hội, ông Chiến còn thống kê được, người đặt hàng gốm trải ra trên một vùng rộng lớn bao gồm nhiều phủ, huyện vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Gia Lâm (Hà Nội), Thiên Thi, Đông An, Văn Giang (Hải Dương), Đông Ngàn (Bắc Ninh), Nghi Dương (Hải Phòng), Nam Trực (Nam Định), Thần Khê (Thái Bình), Phụng Hóa (Ninh Bình)…
Hoặc, nhiều đồ gốm còn ghi rõ được đặt làm để cung tiến vào chùa, đình, quán như chùa Bối Khê (Hà Tây), Đại Bi (Thái Bình), Thanh Quang (Nam Định), đình Mai Phúc (Hà Nội), Liên Châu (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Quán Linh Tiên (Hà Nội)… Tổng số những nghệ nhân gốm đã lưu danh trên các sản phẩm chế tác trong 3 thế kỷ kể trên được ghi nhận đến hơn 30 người. Đặc biệt, gia đình nghệ nhân gốm Đỗ Phủ đã thấy trên hàng chục sản phẩm chân đèn, lư hương bao gồm họ tên ông và vợ là Nguyễn Thị Bản, con trai Đỗ Xuân Vi, con gái Đỗ Thị Tuân và con dâu Lê Thị Ngọc…
Minh văn trên gốm Phù Lãng từ thế kỷ 17 đến 20 bắt gặp nhiều nhất là chữ Thọ kiểu triện chữ nhật và triện tròn, có cả lối song thọ trên đỉnh thở. Cùng với đó, trên gốm Phù Lãng còn xuất hiện các dòng minh văn 4 chữ như: Thượng đẳng tối linh, Thánh cung vạn tuế… Đây đều là các minh chứng xác nhận loại hàng gốm được người dân đặt làm phục vụ cho thờ phụng trong các đình, đền của các làng, xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, góp phần chứng minh một thời kỳ phát triển đỉnh cao của đình làng Bắc Bộ dưới thời Lê Trung Hưng.
Gốm Hùng Thắng và "dấu ấn" của nghệ nhân
Trên các tác phẩm đồ gốm Hùng Thắng của ông Đặng Huyền Thông chế tác, minh văn cho biết thông tin đầy đủ của tác giả, tên thật là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, (nay là xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Sinh thời, ông là thợ gốm, thương nhân thời Mạc, và từng thi đỗ tam trường.
Những thông tin về tác giả Đặng Huyền Thông không chỉ thấy trên nhiều đồ gốm mà còn trên tấm bia chùa An Đinh (Hải Dương) do chính ông soạn lời.
Minh văn trên nhiều tác phẩm gốm của ông, bên cạnh việc cho biết các thông tin về ngày tháng tạo tác sản phẩm cụ thể theo lịch trăng và niên hiệu nhà vua đương thời, còn cho thấy thời gian làm gốm của ông tập trung trong khoảng 12 năm từ 1580 đến 1592. Cũng qua minh văn còn cho biết nhiều chân đèn và lư hương của ông được đặt làm để cung tiến cho các ngôi chùa Phật giáo, quán Đạo giáo ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nghiên cứu về các dòng gốm men của 4 trung tâm trên đây, ông Chiến nhận thấy những đồ gốm dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng không có sự phân biệt rạch ròi giữa Phật giáo và Đạo giáo. Các trung tâm gốm trên đây, dù thời gian hình thành và phát triển khác nhau, dù có tráng men hay không tráng men, nhưng đã phản ánh những nét tương đồng về loại hình, về đề tài trang trí đã góp phần chứng minh truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.
Độc đáo gốm cổ Thổ Hà
Minh văn chữ Thọ trên gốm Thổ Hà cũng có nét tương đồng với Phù Lãng, kiểu chữ Thọ triện chữ nhật và triện tròn xuất hiện nhiều trên lư hương. Cũng trên lư hương, còn bắt gặp 2 chữ Thọ và Sơn, có thể viết tắt của câu cầu chúc Phúc như Đông Hải, Thọ tỷ Nam Sơn. Chữ Vạn thể hiện trong các băng trang trí nền gấm chữ Vạn, trên thân hay dải quai của lư hương, hay trổ thủng xung quanh tháp thờ nhiều tầng. Nhiều chiếc lư hương Thổ Hà thể hiện 2 chữ Thổ công theo kiểu chữ triện nổi. Đây là vị thần đất được thờ cúng rất rộng rãi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh rõ mục đích sản xuất phục vụ việc thờ phụng các ngôiđền, miếu.
Điểm khác biệt nhất của đồ gốm Thổ Hà là việc loại gốm không tráng men, tiếp nối truyền thống gốm thời tiền sử, nhưng nung ở nhiệt độ cao mà tạo ra sành với nhiều sắc độ màu đen, màu nâu, màu cánh gián, màu đỏ gạch,…