Tinh thần thể thao ở sự cống hiến

Hồi năm ngoái, khi Cống hiến, một sự kiện đã qua 17 mùa trao giải dành cho âm nhạc, mở rộng lĩnh vực bầu chọn sang thể thao, được đánh giá là một cuộc phiêu lưu giàu ý nghĩa của các nhà tổ chức – báo Thể thao & Văn hoá, TTXVN.

1. Người viết bài đã tham gia nhiều năm  ở cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam, giải thưởng dành cho các cầu thủ, và từ quan sát cá nhân thì thấy hầu như năm nào cũng có những tranh cãi về việc "ai xứng đáng hơn ai". Cũng bằng trải nghiệm của mình, người viết khẳng định những cầu thủ từng chiến thắng ở Quả bóng Vàng Việt Nam đều xứng đáng cả.

Có không ít danh hiệu được trao năm này, thì vài năm sau đã vướng vào những sự cố không tốt khiến dư luận phải đặt vấn đề: họ có xứng đáng không. Nhưng khi chúng ta có một độ trễ nhất định về thời gian, thì sẽ thấy có những người vượt qua được các sai lầm của mình và tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Có người không "tì vết" gì nhưng lại lui về "ở ẩn", sống đời sống bình thường. Thế nên, để đánh giá một cá nhân, điều quan trọng nhất không phải là họ xuất sắc đến mức độ nào mà là những cống hiến của họ ở môn chơi của mình nói riêng và với nền thể thao Việt Nam nói chung. Còn tranh cãi xứng đáng hay không, thì bất kỳ cuộc bầu chọn nào cũng có cả.

Có lẽ vì vậy mà Cống hiến mở rộng sang lĩnh vực thể thao. Thành thật mà nói, ở Việt Nam không có nhiều giải thưởng tôn vinh các VĐV. Nếu chúng ta nhìn bảng thành tích của 2 kỳ SEA Games gần nhất, sẽ thấy có hàng trăm, thậm chỉ cả ngàn VĐV ở hàng chục môn thể thao đã giành huy chương về cho đất nước.

Mỗi tấm huy chương mang theo một câu chuyện riêng về nỗ lực để giành chiến thắng. Những người không có huy chương, cũng có những chiến thắng của riêng họ trong cuộc hành trình xây dựng vị thế cho môn chơi của mình.

Tựu trung lại, họ đều cống hiến thanh xuân, sức lực và những giấc mơ của mình cho thể thao Việt Nam. Tôn vinh chính là cách trao cho họ thêm động lực để cống hiến.

2. Trong Top 3 các đề cử của  giải Cống hiến thể thao 2024 có một sự kiện thú vị đó là việc các cô gái bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên vào Top 4 châu Á. Họ không thật sự có một danh hiệu nào trong năm 2023, kiểu như chiếc HCV của đội nữ cầu mây 4 người tại ASIAD 19 hay của đội tiếp sức 4x400 nữ tại giải điền kinh châu Á, nhưng câu chuyện của các "cô gái chân dài" của bóng đá chuyền Việt Nam có nhiều điều thú vị.

Tinh thần thể thao ở sự cống hiến  - Ảnh 1.

Một pha tấn công trên lưới của Thanh Thuý (3) trước hàng rào chắn của đội tuyển bóng chuyền nữ Hàn Quốc tại Asiad 2022. Ảnh: Hoàng Linh

Điểm nổi bật của đội tuyển nữ bóng chuyền  Việt Nam đó là 2 chiến thắng liên tiếp ở 2 giải đấu chính thức tầm châu lục trước Hàn Quốc, một trong 5 đội bóng hàng đầu châu Á. Gần giống như môn bóng đá nữ, có những điều gần như không thể thay đổi về trình độ, thứ hạng trong môn bóng chuyền.

Tiêu biểu như việc các cô gái Việt Nam toàn thua trong… 11 trận chung kết SEA Games khi gặp Thái Lan. Thất bại là một thứ "thuốc độc", vì nếu cứ liên tục thua trước đối thủ mạnh hơn thì dễ dẫn đến thái độ tiêu cực, thoái lui, thua trước khi thi đấu.

Hơn 2 thập niên ở trong hoàn cảnh như vậy, nhưng bóng chuyền nữ Việt Nam đã thực hiện 2 cuộc ngược dòng ngoạn mục trước một đối thủ mạnh hơn mình như Hàn Quốc, đó là một cố gắng ghê gớm.

Nếu những ai từng xem bóng chuyền nữ, cũng sẽ nhận ra một chi tiết: các "cô gái chân dài" có nhiều lựa chọn tốt hơn cho tuổi trẻ của mình nhờ những lợi điểm về thể hình so với bạn bè.

Khá nhiều VĐV nữ bóng chuyền đã chuyển sang làm người mẫu, là ví dụ. Thế nên, nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của các nữ VĐV bóng chuyền, khi có nhiều chọn lựa trong cuộc sống, đồng thời biết được những khó khăn trong việc thay đổi đẳng cấp của bóng chuyền Việt Nam, thì việc họ chấp nhận dành cả thanh xuân để chơi bóng chuyền, đó chính là tinh thần cống hiến rõ ràng nhất.

Năm ngoái, hạng mục "Sự kiện của năm" cho mùa trao giải đầu tiên của Cống hiến thể thao là dành cho đội tuyển nữ Việt Nam với việc giành quyền dự World Cup. Thật trùng hợp, 3 đề cử năm nay cũng đều thuộc về các tập thể nữ ở các môn bóng chuyền, cầu lông và điền kinh.

Điều này thể hiện rất rõ ràng tinh thần cống hiến mà giải thưởng hướng đến. Trong một hoàn cảnh cụ thể của thể thao Việt Nam, khi yếu tố chuyên nghiệp chưa cao, khi nguồn ngân sách hoạt động còn hạn chế và vẫn còn đó không ít định kiến xã hội đối với những cô gái theo nghiệp "quần đùi, áo số" … thì chính đam mê, khao khát cống hiến mới giúp họ theo đuổi sự nghiệp lâu dài. Chỉ riêng điều đó, cũng đã xứng đáng được tôn vinh.

3. Nếu năm ngoái, 2 trong số 3 hạng mục Cống hiến vinh danh tập thể và cá nhân trong môn bóng đá, thì Top 3 đề cử năm 2024 lại không có sự hiện diện của môn thể thao số 1 này. Đó là bất ngờ, nhưng hợp lý.

Công bằng mà nói bóng đá Việt Nam năm 2023 không nổi trội trên mọi phương diện. Khắt khe hơn, thì đây là năm ghi nhận bước lùi của bóng đá. Trực quan thì có sự kiện tiền vệ Quang Hải trở lại V-League sau khi không thể được ra sân thường xuyên trong chuyến xuất ngoại được kỳ vọng rất nhiều ở Pháp.

Hai đội tuyển nữ và nam đều dừng bước tại vòng bảng World Cup và Asian Cup, những đấu trường để chúng ta tìm kiếm vị thế, đẳng cấp mới. Các đội U không vượt qua chính mình ở các giải châu lục, thứ hạng FIFA sa sút và những lo lắng cho tương lai từ các cuộc chuyển giao trên ghế HLV trưởng các đội tuyển.

Không thể khẳng định vội vàng là bóng đá Việt Nam đang thất bại, nhưng thực tế cho thấy dường như những nỗ lực của chúng ta vẫn chưa đủ cho tham vọng vươn tầm. Việc Hoàng Đức lần thứ 2 đoạt Quả bóng Vàng dù anh không giữ được chỗ đứng trên đội tuyển, hay thủ môn Trần Thị Kim Thanh vượt qua Huỳnh Như để thắng Quả bóng Vàng nữ dù đã qua tuổi 30, là các dấu hiệu của sự chững lại rất rõ ràng.

Thiếu hụt lực lượng kế thừa chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng là bóng đá Việt Nam vẫn chưa đạt được sự ổn định dài hạn, một tầm nhìn quyết liệt hơn trong việc tạo ra một không khí bóng đá mạnh mẽ, giàu sức sống hơn.

Thế nên, sự vắng mặt của bóng đá ở Top 3 đề cử Cống hiến cũng là một sự ghi nhận khách quan, một khoảng lặng để nhìn lại nhiều vấn đề cần khắc phục cho cuộc hành trình dài hơi hơn. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến về phía trước, hoàn thiện mình hơn, cống hiến nhiều hơn cho giấc mơ và cho sự kỳ vọng của người hâm mộ. 

Những chiến thắng sắp đến ở các môn thể thao khác tại giải Cống hiến 2024 được kỳ vọng sẽ là cú hích để bóng đá Việt Nam tìm lại những phẩm chất chiến thắng của mình. 


Long Khang

Link gốc: TTVH