Chữ và nghĩa: Chiêm bơ bải, mùa phải thì

"Chiêm bơ bải, mùa phải thì" là một câu tục ngữ rất quen thuộc, nói về kinh nghiệm canh tác lúa của nhà nông. Với những người từng sống ở nông thôn, cuộc sống gắn liền với việc trồng lúa nước, thì đây là một trong số những câu tục ngữ phải thuộc nằm lòng.

Chiêm và mùa là 2 khái niệm trong 1 cặp trái nghĩa.

Chiêm là tính từ, chỉ "[lúa hay hoa màu] gieo cấy ở miền Bắc Việt Nam vào đầu mùa lạnh, khô (tháng 10, tháng 11 Âm lịch) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng 5, tháng 6)" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Còn mùa, chỉ "[lúa] gieo cấy vào đầu hay giữa mùa mưa (tháng 5, tháng 6), thu hoạch vào cuối mùa mưa hay đầu mùa khô, mùa lạnh (tháng 10, tháng 11)" (từ điển đã dẫn).

Chữ và nghĩa: Chiêm bơ bải, mùa phải thì - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chúng ta còn gặp các từ "chiêm", "mùa" này trong các áng ca dao, tục ngữ và thơ: "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên" (ca dao); "Năm nay cày cấy vẫn chân thua/ Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa" (Nguyễn Khuyến); "Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn" (Tố Hữu).

***

Câu tục ngữ trên có 6 chữ, chia thành 2 vế, mỗi vế miêu tả một sự tình. Ta thấy, ở vế thứ 1 có một từ lạ: "bơ bải". Từ này hiện không thấy thống kê trong các cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông.

"Bơ bải" không phải từ toàn dân, nó là từ phương ngữ (Trung và Nam), ít dùng. "Bơ bải" có nghĩa "lơ là, không cần quan tâm, không cần đếm xỉa nhiều đến (thời vụ)".

Kể cũng lạ, nhà nông làm lụng, luôn phải "Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày trông đêm" thì mới có khả năng đem lại mùa màng bội thu (có nhiều thóc gạo, hoa màu)" chứ? Nhưng, cách nói trên muốn diễn tả một ngữ nghĩa riêng cho câu tục ngữ (đang xét): "Lúa chiêm thì còn bơ bải được (vì đó là giống lúa vẫn trổ chấp chới) còn lúa mùa thì phải làm đúng thời vụ (vì đó là giống lúa vốn trổ đồng loạt)" (Nguyễn Đức Dương, Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010).

Câu tục ngữ trên làm chúng ta liên tưởng tới một câu tục ngữ khác: "Chiêm chấp chới (cập cợi), mùa đợi nhau". Nghĩa của câu này là: "Lúa chiêm hễ cấy trước là trổ trước (trên cánh đồng, những vạt lúa trổ trước nom "chấp chới" giữa những vạt chưa trổ). Trong khi đó, lúa mùa dù cấy sớm hay muộn lại chờ đến dịp mới đồng loạt trổ cờ (cứ như là đợi nhau cùng trổ đòng vậy).

Dĩ nhiên, lúa trổ trước sẽ theo quy trình làm đòng, phơi màu, vào hạt, chín trước và thu hoạch trước. Trong khi đó, với lúa mùa thì khác hẳn. Lúa mùa cấy sớm (vào tháng 6) mưa thuận gió hòa mấy thì cũng cứ "lớn cầm chừng", đợi cho những thửa lúa cấy muộn (vào tháng 7) phát triển đúng dịp và từ đây, lúa phơi màu, ngậm sữa, đẫy hạt, đỏ đuôi và chín khá thống nhất về thời gian. Ta thấy vào tháng 10 (Âm lịch), lúa chín vàng khắp các cánh đồng.

Vào thời kỳ cuối năm, ai đến Pù Luông (Thanh Hóa) hoặc lên trên vùng cao Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Bát Xát (Lào Cai)… sẽ thấy lúa đồng loạt chín trên những cánh đồng bậc thang, thành những thảm lúa vàng bát ngát, làm nên "bức tranh" thiên nhiên kỳ thú, nom rất đẹp mắt.

Như vậy, "bơ bải" chỉ một thái độ (không phải lo chuyện lúa trổ trước, trổ sau), còn "phải thì" là một điều nhắc nhở (phải lưu ý, cấy sớm hoặc cấy muộn cũng phải đúng "thì", đúng thời kỳ, đúng giai đoạn phát triển). Đây là bài học quan trọng mà nhà nông phải "thấm nhuần và quán triệt" trong việc trông nom đồng áng.

Lúa chiêm "bơ bải" không sao

Lúa mùa phải nhớ đúng vào thời gian

PGS-TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH