Nhà báo Nam Kha: 'Nhìn thấy mình trong nhiều độc giả hôm nay'
Trong Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, có bài Thứ Bảy xanh của nhà báo Nam Kha (cũng là họa sĩ trình bày của báo Mực tím, báo Khăn quàng đỏ). Đây cũng là điều mới mẻ của sách giáo khoa, khi xuất hiện nhiều tác phẩm gần gũi với đời sống, thiết thực khi cung cấp những kỹ năng sống cho học sinh.
Nam Kha là tác giả quen thuộc với những bài viết về kỹ năng sống trên báo Khăn quàng đỏ, Mực tím. Anh là tác giả của nhiều đầu sách về kỹ năng dành cho lứa tuổi học sinh như Tuổi dậy thì ti tỉ chuyện, Tuyệt đỉnh bí kíp teen truyền, Sống xanh không khó, Bắn tim bí kíp chuẩn teen...
* Là tác giả có nhiều đầu sách kỹ năng được yêu thích, anh nghĩ dòng sách này có tầm quan trọng gì với thiếu nhi?
- Sách kỹ năng là một dòng sách đóng vai trò rất quan trọng với các bạn nhỏ. Vì trong thời đại 4.0 hiện nay, tuy có rất nhiều thông tin được cập nhật, nhưng lại thiếu đi sự chọn lọc những điều cần thiết và kiểm chứng mức độ chính xác thông tin cho người đọc. Điều này khiến các bạn thiếu nhi dễ rơi vào tình huống đọc nhiều, xem nhiều, thậm chí là bị "choáng ngợp" thông tin, nhưng lại học chưa trúng, biết chưa đúng và chưa đủ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Từ đó, bên cạnh những dòng sách văn chương giúp bồi đắp tinh thần, dòng sách truyện tranh đọc để giải trí sau giờ học… thì dòng sách kỹ năng cũng là một người bạn đồng hành đáng tin cậy để các bạn có thể trau dồi thêm những bài học hay, thú vị, nhất là trang bị cho mình cách tư duy, phản biện và hành động sao cho phù hợp trong nhiều tình huống khác nhau. Điều này sẽ góp phần hình thành nên nhân cách của các bạn nhỏ, giúp bạn tự tin trở thành công dân toàn cầu.
Sách kỹ năng hiện nay được phân theo nhiều chủ đề, phù hợp với nhiều lứa tuổi và đối tượng đọc khác nhau. Chẳng hạn với sách kỹ năng dành cho học sinh cấp 1 - 2, thông tin thường ngắn gọn, rõ ràng, được trình bày dưới dạng truyện tranh, nhật ký để hấp dẫn bạn đọc hơn. Còn với sách kỹ năng dành cho học sinh cấp 3 trở lên thì kết hợp đồ họa, giúp phần thông tin trở nên bắt mắt, sinh động hơn, không còn quá khô cứng nữa.
Những thông tin trong sách đã được tác giả tự trải nghiệm và đúc kết, có sự đóng góp và kiểm chứng từ các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực, được nhà xuất bản biên tập tỉ mỉ… nhằm đem đến những thông tin đúng - trúng - hay nhất cho độc giả.
Đặc biệt, dòng sách kỹ năng cũng đã được các tác giả đầu tư, viết theo định hướng mới, không còn rập khuôn, giáo điều, mà thay vào đó là những gợi ý mang tính chất gợi mở để mỗi bạn đọc có thể tự chọn cho mình phương án tốt nhất.
* "Thứ Bảy xanh"- viết về tái chế, bảo vệ môi trường, được anh viết trong hoàn cảnh nào?
- Tôi viết sau những lần đi thực tế tại các trường học để thu thập tư liệu, viết báo cho độc giả nhí và tuổi mới lớn. Theo tôi, việc tái chế chai nhựa đựng nước thành những bình hoa trang trí lớp học là một ý tưởng rất sáng tạo, thân thiện với môi trường và đặc biệt là dễ làm của các bạn học sinh.
Qua tác phẩm này, tôi muốn góp phần nhân rộng mô hình hay và hữu ích này đến nhiều bạn khác để chúng ta cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường sống, điểm tô màu xanh cho không gian học tập.Đồng thời, mỗi cá nhân cũng được rèn luyện sự khéo léo và kỹ năng sáng tạo, làm việc nhóm.
* Từng đi giao lưu nhiều trường học, kỷ niệm nào với độc giả mà anh nhớ mãi?
- Nhớ mãi có lẽ là hình ảnh một bạn học sinh ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, tuy bị gãy chân, nhưng vẫn chống nạng đến tham dự buổi giao lưu cuốn sách Sống xanh không khó, do các bạn trong CLB môi trường của trường tự tổ chức. Điều này làm tôi rưng rưng xúc động, vì không ngờ mình lại có được sự yêu mến, tình cảm quý giá của độc giả nhiều đến như vậy.
Độc giả cũng là một phần chất liệu để tôi viết báo, viết sách. Bởi vì muốn chinh phục được độc giả thì mình phải sống cùng một nhịp sống, thở cùng một nhịp thở với họ để phản ánh một cách chân thực, đa dạng đời sống. Chứ không phải ngồi một chỗ rồi tự suy diễn, tự viết ra những điều mình nghĩ là hay, nhưng thật sự lại chưa trúng điều độc giả cần. Có như vậy, chính độc giả mới dễ nhìn thấy bản thân trong từng bài viết, câu chữ của mình, từ đó tạo sự gắn kết mật thiết.
Dùng từ "mắc nợ" thì có vẻ hơi nặng nề, nhưng tôi nghĩ là mình đang đồng hành cùng độc giả tuổi nhỏ và tuổi mới lớn. Vì bản thân mình đã từng đi qua quãng thời gian này, cũng có những lần vấp ngã vì sự ngây ngô, thiếu hiểu biết.Cũng có lúc cảm thấy cô đơn khi ba mẹ, thầy cô không hiểu mình, bạn bè không ai giúp đỡ, loay hoay với rất nhiều suy nghĩ mà không biết giãi bày cùng ai… Nên công việc viết sách, viết báo là cầu nối để tôi có thể trở thành người bạn nhỏ của nhiều bạn học sinh. Bản thân tôi cũng được sống lại quãng thanh xuân tươi đẹp khi nhìn thấy mình trong nhiều độc giả hôm nay.
* Là 1 trong số ít nhà báo được mời cộng tác viết sách giáo khoa, anh có gặp khó khăn gì không?
- May mắn là bên cạnh việc viết báo, tôi cũng đã xuất bản được nhiều tựa sách kỹ năng dành cho học sinh và giới trẻnên việc viết bài cho sách giáo khoa không có gì khó.
Chỉ khó là với đối tượng là học sinh lớp 3, mình phải viết sao cho câu văn gãy gọn, khúc chiết, đọc dễ hiểu, nhưng vẫn đảm bảo được tính văn chương, đủ khơi gợi tư duy, hình ảnh cho các bạn nhỏ. Bài viết trong sách giáo khoa tuy ngắn, nếu so với một bài báo thông thường, nhưng tôi đã viết đi viết lại nhiều lần, mỗi lần là một phiên bản khác nhau, để có sự so sánh, đối chiếu và chọn ra phiên bản tốt nhất.
* Là nhà báo, họa sĩ trình bày và tác giả dòng sách kỹ năng sống, anh hứng thú ở công việc nào hơn?
- Ở cả 3 công việc, tôi đều có được sự hứng thú riêng. Việc viết báo giúp tôi cập nhật thông tin và làm mới mình mỗi ngày, nắm bắt nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi hiện nay. Việc viết sách, nhất là dòng sách kỹ năng giúp tôi có thời gian lắng mình lại, chắt lọc những gì tinh túy nhất để gửi đến độc giả. Khi đã đủ nội dung, phần cốt lõi bên trong, thì tự khắc mình sẽ có thêm ý tưởng để trình bày nó thành cuốn sách, trang báo sao cho hấp dẫn nhất.
Ông bà mình hay nói "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng với tôi thì phần hình thức bên ngoài cũng quan trọng không kém. Vì hình thức trình bày là cánh cửa dẫn dắt người đọc đến với nội dung. Nếu nội dung có viết hay đến mấy mà hình thức bên ngoài không đủ hấp dẫn thì cũng khó có thể thu hút, giữ chân độc giả ở lại.
Việc tự thiết kế, trình bày sách báo cũng giúp tôi chủ động hơn và có nhiều phương án lựa chọn để sáng tạo nội dung sao cho phù hợp. Có như vậy sản phẩm của mình mới hoàn thiện một cách chỉn chu, tạo nét độc đáo riêng, để ghi dấu ấn trong lòng độc giả.
Chẳng hạn cuốn Sống xanh không khó, bên cạnh các trang nội dung, tôi còn thiết kế thêm các trang nhật ký với những gợi ý hành động phù hợp để bạn đọc có thể tự rèn luyện thói quen sống xanh cho mình. Hoặc cuốn Bắn tim bí kíp chuẩn teen, những nội dung mang tính khoa học về tâm sinh lý tuổi mới lớn được trình bày dưới dạng đồ họa, với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, thông tin cô đọng, rất dễ hiểu và dễ nhớ… Điều này giúp cho các cuốn sách ký tên Nam Kha có sự khác biệt rõ rệt trên thị trường sách, dễ được độc giả chú ý, nhận ra.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Cuốn sách sắp in về người lính trẻ
"Tôi vừa hoàn thành xong một bản thảo nói về hình ảnh người lính trẻ tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở châu Phi. Đây là một đề tài khá khó, vì trước hết mình phải tìm được nhân vật phù hợp với đối tượng độc giả trẻ, sau đó tích cực liên lạc, trao đổi xuyên biên giới để có được những tư liệu hay, hấp dẫn, độc đáo về thông tin cũng như hình ảnh… rồi mới có thể viết thành cuốn sách hoàn chỉnh.
Qua cuốn sách này, ngoài việc động viên các bạn trẻ tích cực thực hiện nghĩa vụ của mình với đất nước, tôi còn mong muốn gửi gắm thông điệp sống tích cực, tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng hy sinh để góp phần làm rạng danh nước Việt Nam trên bản đồ thế giới" - Nam Kha.