Nhớ thời còn 'đi ăn mải'
Vùng trung du Đại Từ, Thái Nguyên, nơi tôi lớn lên, có cụm từ đọng lại trong trí nhớ là "đi ăn mải". Nhưng cụm từ đó bây giờ mất hẳn. Nó mất vì những việc cần đến cụm từ đó không tồn tại, hoặc còn thì rất ít, tận vùng sâu vùng xa, nên cũng chẳng mấy người dùng.
Cụm từ "đi ăn mải" từ khi tôi biết đến nay đã trên 70 năm.
Lúc ấy về nông thôn thường gặp câu hỏi "- Hôm nay bố mày đi đâu?". "- Dạ, hôm nay bố con "đi ăn mải" bà Tám". Thế là hiểu ngay là đi giúp việc cho nhà bà Tám.
Ngày xưa chưa xa ấy, có việc khi giúp nhau trong làng trong xóm không lấy công. Làm xong hết ngày chỉ ăn bữa cơm với chủ nhà rồi ra về. Tất nhiên bữa cơm đó có thêm chút cá thịt chứ không phải cơm chay. Giúp như thế gọi là "đi ăn mải". Nói "đi ăn mải" thì hiểu đi làm những việc như thế, chứ không phải làm thuê, làm mướn.
"Ăn mải" gồm những việc thông thường làm trong nhà như san nền, buộc dứng trát vách, buộc rui mè, lợp mái, kể cả việc làm bếp nấu nướng nếu làm được. Nói chung những việc không cần quá khéo tay, chỉ cần sức và biết việc, quen với nhiều người. Nhà quê gọi đó là trăm thứ việc không tên, thấy gì giúp nấy, không ai sai bảo. Đến bữa cùng ăn xong, hết ngày là xong...
"Ăn mải" là tục lệ rất hay. Đó là tình làng nghĩa xóm, một giá trị văn hóa đi ra từ nghèo đói, dựa vào nhau, giúp nhau tồn tại. Nông thôn gắn bó với nhau, bảo vệ nhau trên những việc rất cụ thể chứ đâu đã có phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở" như sau này.
Thời ấy mọi người đều nghèo. Nếu gọi giàu chỉ là hơn nhau vài con trâu con lợn, phá hoang được nhiều đất vườn đất ruộng thôi. Tóm lại của cải hơn nhau một tí, cũng chẳng cướp của ai mà như các cụ nói, phải "chẻ xác ra làm mới có ăn".
Cũng vì thế mà không mấy khi có chuyện tị nạnh, hờn ghen ngứa ghẻ bôi xấu nhau. Làng xóm nghèo nhưng thân thiện, con người sống với nhau rất lành. Chỉ khi xã hội biến động rồi kinh tế thị trường mới xảy ra kỳ thị, lườm nguýt, xung đột.
Cụm từ "đổi công" cũng mới xuất hiện vào lúc sắp thành lập hợp tác xã khoảng những năm 60 thế kỷ trước. "Đổi công" là giúp nhau có điều kiện trao đổi, cũng là bước tiến bộ. Anh giúp tôi buổi cày, tôi trả lại anh hôm khác buổi bừa, hoặc buổi cấy, thời giờ như nhau dù công việc khác. Khác với "đổi công", "đi ăn mải" trước đó thì vô tư, giúp đủ thứ việc, khỏe làm việc nặng, yếu làm việc nhẹ, miễn là có tấm lòng giúp nhau.
"Ăn mải", cụm từ thân thương đó ngày nay đã mãi mãi ra đi. Nó xuất hiện từ sự bần hàn nương tựa nhau. Nhưng khi xã hội giàu có lên thì nó biến mất. Riêng với tôi, "đi ăn mải" là ngày lao động vui nhất, đoàn kết nhất, nghĩa tình nhất.