Ấn Độ du ký (kỳ 6): Hành hương đến Dharamshala
Xuống sân bay Delhi, tôi gặp một đoàn người Việt đông đảo hành hương đến Dharamshala. Biết tôi đang lớ ngớ giữa đường đi lối lại loằng ngoằng, một cô trong đoàn nhiệt tình chỉ dẫn, giúp làm thủ tục nhập cảnh.
1. Những năm gần đây nhiều người Việt Nam đến Ấn Độ, Nepal với nhu cầu được viếng thăm, hành lễ tại những địa danh gắn liền với cuộc đời Đức Phật, như ở Bodh Gaya (nơi Đức Phật thành đạo - thường gọi là Bồ Đề đạo tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển - nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên), Kushinagar (nơi Đức Phật nhập niết bàn)…
Hâm mộ và nhiệt tình hành hương như vậy, nhưng không ít người Việt vẫn ngỡ Ấn Độ là nơi đang có đạo Phật thịnh hành. Thậm chí có người còn lầm tưởng những đền đài, cách thức thờ phụng theo đạo Hindu - Ấn Độ giáo ở Chăm Pa xưa kia, hoặc quần thể đền đài ở Angkor Wat - Campuchia đều là đền đài, thờ phụng thuộc đạo Phật.
Nhưng trên thực tế, dù đạo Phật ra đời ở vương quốc Magadha - thuộc bang Bihar ngày nay, thì sau rất nhiều biến thiên lịch sử phức tạp, hiện tại đạo Phật không phải là tôn giáo chính ở Ấn Độ.
Theo điều tra dân số năm 2011, Ấn Độ có hơn 1,4 tỷ người, trong đó tín đồ theo đạo Phật là 0,7%, theo đạo Hindu là 79,8%, theo đạo Hồi là 14,2%, theo đạo Kitô là 2,3%, theo đạo Sikh là 1,7%, theo đạo Jaina là 0,4%... Và vì thế, đôi lần nghe ai đó bảo hành hương sang đất Phật ở Dharamshala, tôi không nói gì, phần vì phải giải thích dài dòng, phần vì tôi biết với nhiều người Việt, khi đã có niềm tin tâm linh thì thông tin xác thực về sự kiện trở thành thứ yếu.
Thế nên, trước khi tới Dharamshala (bang Himachal Pradesh) tôi không có tâm thế hành hương về đất Phật, mà đến với một địa chỉ du lịch gắn với Phật giáo Tây Tạng.
2. Từ sân bay nội địa ở Delhi đến Dharamshala trên chiếc máy bay nhỏ dài, nhìn xuống phía dưới lúc đầu thấy cây cối, đường xá, ruộng đồng, khu công nghiệp,… dần dần chỉ thấy màu xanh của rừng, núi đồi trập trùng.
Xuống sân bay, không khí mát mẻ, trong lành, dễ chịu. Sau đó là hơn 10 cây số đường lên dốc ngoằn ngoèo, "cua tay áo" tiếp "cua tay áo". Đường hẹp, rất nhiều đoạn một bên là ta-luy, một bên là vực sâu (có rào chắn bảo hiểm), mà xe vẫn phóng vèo vèo. Vài trăm mét lại thấy một hai ô-tô ngược chiều bất thình lình nhô đầu chỗ khúc cua. Tôi giật mình thon thót, nhìn sang vẫn thấy tài xế thản nhiên đánh tay lái như chuyện thường ngày ở huyện.
Về sau, tôi không chỉ khâm phục tài nghệ của cánh lái xe vùng này, mà còn khâm phục cách thức họ xử lý khi tắc đường, hoặc đường quá hẹp, hai xe không thể đi ngược chiều, thì một xe chủ động lùi lại nhường đường cho xe kia đi trước.
Mà ở vùng này không chỉ có đường hẹp, lên xuống dốc liên tục, nhiều cua gấp,… mà ô-tô nhiều vô kể, hầu như nơi nào có người sinh sống là có ô-tô đang đỗ bên đường. Nếu không nhường nhịn để cùng giải quyết là sẽ hưởng chung cảnh tắc đường, còn như ở Việt Nam, thì tài xế dễ cáu sườn rồi chửi bới, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay như chơi.
Những năm 1950 trở về trước, Dharamsala là nơi cư trú nhiều đời của người Ấn Độ, chủ yếu theo đạo Hindu. Từ khi Dalai Lama XIV cùng tín đồ đến đây, vùng Thượng Dharamsala với gần 10 nghìn người Tây Tạng cư ngụ được xây dựng thành một trung tâm Phật giáo Tây Tạng. Với đầy đủ trường học các cấp, các thiết chế tôn giáo như Tu viện Namgyal, Mật học viện Gyuto, Tu viện Kirti… Ở đây có hệ thống lưu trữ khá quy mô, chi tiết về lịch sử, văn hóa của người Tạng như Bảo tàng Tây Tạng, Thư viện Tây Tạng, Norbulingka - Viện bảo tồn văn hóa Tạng, TIPA - Học viện âm nhạc và sân khấu, Mentseekhang - Viện Tạng y…
Ở Thượng Dharamsala đến đâu cũng gặp các lama (sư nam), ani (sư nữ) trong trang phục tu hành màu huyết dụ, một mình hoặc từng tốp đi trên những con đường dốc, vẻ trầm tư hoặc nụ cười rạng rỡ khiến không thể không liên tưởng đến đức tin và niềm vui sống của họ. Hằng năm, tín đồ Phật giáo khắp thế giới đến đây, sau ngày đại dịch Covid-19 tạm yên, khách hành hương tăng vọt.
Cũng như đến mọi đền, chùa khác ở Ấn Độ, khách viếng thăm ngôi chùa, tu viện,… ở Dharamsala đều được yêu cầu nghiêm túc về trang phục. Khiến tôi nhớ mấy anh chị "tây ba-lô" váy ngắn, quần đùi may-ô phải đứng ngoài, rồi từ cổng an ninh thẫn thờ nhìn vào Đền hoa Sen, Taj Mahal…
Thăm Viện bảo tồn văn hóa Tạng, tôi hiểu thêm nhiều điều về vùng đất huyền bí từng đọc qua các sách dịch của một số tác giả phương Tây như Đường mây qua xứ tuyết. Cũng tại đây, được trực tiếp xem nghệ nhân làm tượng đồng, khắc gỗ, in lụa… Được xem vẽ tranh thangka, loại tranh vẽ treo ở tự viện, hoặc nơi thờ Phật ở gia đình. (Xem một số tranh thangka, tôi liên tưởng tới những bức tranh thờ của người Dao tại Việt Nam).
Thú vị hơn, ở đây có Bảo tàng búp-bê Losel, được giới thiệu là nơi trưng bày bộ sưu tập búp-bê do các nhà tu hành tại Tu viện Drepung Loseling làm bằng tay từ nhiều loại vật liệu như đất sét, dây, sợi, giấy,… với các trang phục làm từ cotton, vải, gấm, lụa.
Thăm Viện Tạng y, tôi kinh ngạc về rất nhiều vị thuốc người Tây Tạng bào chế và sử dụng, trong đó các vị thuốc được bào chế từ đá, từ kim loại như vàng, bạc. Và kinh ngạc hơn khi đứng trước cuốn sách y học biên soạn từ thế kỷ 13, trong đó giới thiệu triết học Phật giáo, quan niệm của Phật giáo về y học, lý thuyết và hướng dẫn thực hành chữa trị.
Cho đến nay, tôi chưa bao giờ bắt mạch kê đơn, chỉ vì bị cuốn sách dài cỡ 60cm, rộng cỡ 20cm, dày cỡ 20cm đó cuốn hút mà tôi đã vén tay áo ngồi chỉnh tề để thầy thuốc Tây Tạng bắt mạch. Chưa biết các gói thuốc mang về sẽ hiệu quả thế nào, nhưng quả thật tôi sửng sốt khi bắt mạch xong, thầy thuốc chỉ ra đúng đến 95% các hiện tượng sức khỏe mà tôi đang có.
3. Nằm ở độ cao 1.600 mét so với mặt nước biển, Thượng Dharamsala mát mẻ quanh năm. Xung quanh các cơ sở tôn giáo, trường học, bảo tàng đều xanh rờn cây cối, hoa lá. Mùa Đông sắp đến, cùng thuộc dãy Himalaya, song từ đây có thể nhìn rõ những đỉnh núi xanh rì đứng bên những đỉnh núi cao hơn phủ đầy tuyết trắng, óng ánh dưới ánh mặt trời.
Núi xanh, núi trắng, mây bay và bầu trời xanh thẳm, hàng nghìn năm rồi không biết bao nhiêu thế hệ tu hành nhà Phật đã tìm đến những nơi như thế này để thức tỉnh, vượt qua sự vô minh, giác ngộ chân lý của Đức Phật để có thể giáo hóa chúng sinh về những điều họ đã chứng ngộ.
Viết đến đây, tôi nhớ đến điều Dalai Lama XIV từng nói: "Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người", và "Giúp đỡ tha nhân là cần thiết, không chỉ trong thời khóa cầu nguyện của ta, mà phải trong đời sống thường nhật. Khi ta nhận chân rằng chúng ta không thể giúp người khác thì điều tối thiểu ta có thể làm là dừng ngay các hành động tổn thương họ".
(Còn nữa)