Đọc 'Địa lý hành chính và tập quán của người Việt': Góc tiếp cận lạ về làng quê Bắc Bộ xưa
Dựa trên những di cảo của học giả Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975), ấn phẩm Địa lý hành chính và tập quán của người Việt đã mở một hướng tiếp cận độc đáo về những vấn đề của các đơn vị hành chính, đời sống cư dân, sự phân cấp phân quyền trong xã hội xưa ở vùng quê Bắc Bộ.
1. Được NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành, sách gồm 2 phần trọng yếu. Trong đó, ở phần thứ nhất, GS Nguyễn Văn Huyên tập trung đi sâu vào lịch sử phân chia các đơn vị hành chính trong tỉnh Bắc Ninh. Phần này được dịch từ bản thảo cuốn Bức tranh địa lý hành chính của một tỉnh Việt Nam xưa: Tỉnh Bắc Ninh (hay Kinh Bắc) do ông viết bằng tiếng Pháp. Phần thứ 2 là tổng hợp những di cảo về đời sống, phong tục, thiết chế của người dân tại tổng Dương Liễu (xưa thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội). Kèm theo đó là một số phụ lục liên quan tới việc tổ chức thi cử, cách đặt tên trong dòng tộc nhà Nguyễn…
Thực tế, học giả Nguyễn Văn Huyên đã để lại không ít công trình nghiên cứu liên quan tới vùng đất Kinh Bắc với kết luận: "Tỉnh Bắc Ninh hiện thời với các khu vực gồm các phủ Thuận Thành, Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình, Tiên Du là cái nôi của dân tộc Việt để từ đó tỏa đi…". Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, con trai của học giả, kết luận này đã dẫn lối cho cha ông tìm hiểu sâu hơn về Bắc Ninh, từ đó từng bước khám phá về nơi được xem là cái nôi văn minh của dân tộc Việt Nam.
Như lời PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, sinh thời, cha ông luôn khao khát đi tìm cội nguồn lịch sử Việt Nam qua sự phản chiếu từ những bằng chứng về dân tộc học. Ở đó, 1 trong những bằng chứng quan trọng nhất với Nguyễn Văn Huyên là tục thờ các vị thành hoàng làng.
Với học giả này, tục thờ thành hoàng làng gần như không thay đổi trong lịch sử, bởi nó gắn với sự hình thành làng xã. Và, việc nghiên cứu lớp lang các vị thành hoàng ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, có thể hiểu được sự hình thành làng xã ở một vùng đất vào thuở sơ khai. Đó là lý do để trong cuốn sách, tác giả dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu vấn đề thành hoàng làng tại cả xứ Kinh Bắc, lẫn xứ Đoài - một vùng đất cổ cũng rất giàu truyền thống văn hóa.
2. Tại xứ Đoài, Nguyễn Văn Huyên tập trung nghiên cứu 5 làng của tổng Dương Liễu, gồm Yên Sở, Quế Dương, Dương Liễu, Mậu Hòa, Cát Ngòi. 2 trong 3 bài nghiên cứu về Dương Liễu in trong sách là những bài viết trong ấn phẩm này, có 2 bài lần đầu tiên được công bố. Đó là bản thảo của những buổi thuyết trình của ông tại Bảo tàng Louis Finot khoảng năm 1944, 1945. Các buổi thuyết trình này mang tính chất như những thông báo kết quả nghiên cứu mới nhất của ông lúc bấy giờ.
Trước đó, vào những năm 1938, 1939, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã tổ chức một cuộc điều tra rộng lớn về thành hoàng làng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và sau đó là cuộc vận động sưu tầm hương ước.
Học giả Nguyễn Văn Huyên là người chịu trách nhiệm xử lý và báo cáo kết quả cuộc điều tra này. Cùng với việc thống kê, phân tích các tài liệu được các chức sắc ở các làng quê kê khai, ông cũng dành nhiều thời gian trực tiếp nghiên cứu bi ký, văn bản còn lưu lại, điền dã tại các làng thuộc tổng ấy.
Nét đặc sắc trong những nghiên cứu của ông tại cuốn sách gắn với việc giúp người đọc hiểu về đời sống làng xã theo chiều sâu, từ lịch sử đến đương đại. Điển hình, trong sách, tính liên kết trong cộng đồng làng xã tại Dương Liễu được chỉ ra: Nó đến từ việc cùng thờ phụng một vị thành hoàng là Lý Phục Man - danh tướng thời Lý Nam Đế. Vì thế, dẫu trong đời sống sinh hoạt còn tồn tại không ít mâu thuẫn, nhưng đời sống tâm linh tại đây lại gắn kết một cách chặt chẽ. Các nghi lễ, phong tục liên quan tới thờ cúng được các làng thỏa thuận thống nhất với nhau và tuân thủ rất nghiêm túc.
Ở hướng ngược lại, ngoài Lý Phục Man, mỗi một làng lại thờ riêng những vị thành hoàng khác, từ đó hình thành thêm những tập quán riêng. Nên đôi khi, mâu thuẫn sẽ phát sinh từ những cá tính riêng biệt đó.
Ngoài ra, những căng thẳng giữa một số làng còn đến từ nguyên do vị trí địa lý nằm bên bờ sông Đáy của tổng Dương Liễu. Với các bãi phù sa phong phú tại đây, người dân lập làng, khai thác cá, kiếm kế sinh nhai và cũng từng có vụ kiện năm 1796 liên quan tới việc xử quyền đánh cá trên đầm Giá tại khu vực này.
Thậm chí, trong nội bộ một làng xã cũng tồn tại sự phức tạp trong việc phân biệt đẳng cấp. Qua điền dã, Nguyễn Văn Huyên phát hiện việc xã hội đương thời phân chia con người thành 4 giai cấp khác biệt (sĩ - nông - công - thương) là rất chung chung và mơ hồ. Thực tế, khi đi vào làng xã, sự phân chia ấy không có giá trị quá lớn.Thay vào đó, những đẳng cấp của thể chế làng xã thường căn cứ vào vị thế của mỗi người, nhất là các thành viên trong một phe giáp (thậm chí là các độ tuổi của các thành viên trong một giáp). Thứ bậc này quyết định đến vị trí ngồi trong đình làng - điều khiến cho những người đàn ông dễ nảy sinh sự tranh giành với nhau.
Như chia sẻ từ gia đình, bản viết tay được tìm thấy của học giả Nguyễn Văn Huyên về tổng Dương Liễu dường như chưa đầy đủ vì bị thất lạc những trang cuối cùng. Bởi thế, cuối sách, độc giả có thể hơi hẫng hụt khi sách thiếu phần kết luận như những công trình nghiên cứu thường thấy khác.
Nhưng với những gì để lại, vẫn có thể khẳng định: Từ một địa phương cụ thể, học giả này đã có những khắc họa khá rõ nét và đầy đủ về bức tranh sinh hoạt làng quê Bắc Bộ xưa.
Cuốn sách của học giả Nguyễn Văn Huyên đặt ra nhiều vấn đề như: Các làng trong một tổng nhờ đâu lại cố kết với nhau; Vai trò của phụ nữ và đàn ông; Tổ chức giáp: Thể chế đẳng cấp trong cộng đồng làng…