'Chuyện kể của một đại sứ' (Nguyễn Chiến Thắng): Một ký ức ngoại giao mang chiều sâu văn hóa
Chuyện kể của một đại sứ (NXB Hội Nhà văn, Liên Việt) là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng vừa được ra mắt tại Hà Nội ngày 28/6. Đây là cuốn sách tác giả ghi lại những câu chuyện mà ông gặp và ghi nhớ trong suốt những năm tháng làm đại sứ đại sứ Việt Nam tại Pháp, Algeria, Campuchia.
1. Trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng được biết đến với bút danh Thăng Sắc qua nhiều tiểu thuyết như: Ngụ cư; Chú Tư, con là ai; Láng giềng; Đi trong lốc xoáy; Những ngày không em v.v… Trong đó, có không ít những tiểu thuyết được ông viết từ những phận người, phận đời mà ông đã gặp, đã chứng kiến trong suốt quãng đời làm công tác ngoại giao của mình.
Văn chương của ông dễ dàng lấy nước mắt từ người đọc bởi sự nhân hậu của câu chuyện, của cuộc đời, nhưng cũng giàu chất hài hước, sâu cay. Ông viết về sự tha hóa của con người, một cách đau đớn, dằn vặt, nuối tiếc, nhưng bằng một giọng văn nhân hậu, một lối tư duy nhân văn.
Để rồi với Chuyện kể của một đại sứ, dẫu chọn thể tài ký nhưng Nguyễn Chiến Thắng vẫn giữ phong cách, giọng văn, lối tư duy, tình cảm của nhà văn với cuộc đời, với con người. Qua lăng kính của một nhà văn, dù có viết về ai, ở đâu, với những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thể chế chính trị, người đọc vẫn có thể chạm tới những nhân vật một cách tự nhiên và hồn hậu.
Đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: "Nếu chỉ là một nhà ngoại giao thông thường kể những câu chuyện của mình đã vô cùng hấp dẫn. Nhưng ở Nguyễn Chiến Thắng, nhà ngoại giao ấy lại cộng thêm cách nhìn, cảm xúc, tư duy và ngôn từ của một nhà văn càng làm cho những câu chuyện được kể trở nên khác biệt, và được mở rộng. Nó mở ra những tầng lớp khác mà người đọc có thể chìm vào từng tầng lớp ấy để suy ngẫm. Đó là một cách kể đầy tinh tế, đầy kín đáo của một nhà ngoại giao nhưng cũng đầy cảm hứng của một nhà văn".
Bởi thế, quả không sai khi nói Chuyện kể của một đại sứ đích thị là "những trang sách của một nhà văn làm đại sứ". Thực tế, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng cũng không ít lần nhận được câu hỏi là đại sứ - nhà văn tại sao không viết về ngoại giao?
Theo ông, viết về ngoại giao thường là những công trình nghiên cứu, tổng kết, còn những trang sách ngoại giao có yếu tố văn chương thì còn ít. Chuyện kể của một đại sứ là cách thử nghiệm đưa ít nhiều yếu tố văn học vào những câu chuyện ngoại giao, làm "mềm" tâm thế của người đón nhận, và cũng là để tác giả có thể cùng độc giả nghiền ngẫm và trao gửi thêm chút xúc cảm đồng điệu.
"Đọc cuốn sách, chúng ta thấy yếu tố quan trọng nhất làm nên một nghệ thuật ngoại giao vẫn là trái tim của con người đến với con người. Bởi thế, đây là một cuốn sách chân thực, tinh tế, hấp dẫn, mang chiều sâu văn hóa" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Chọn thể tài ký nhưng tác giả Nguyễn Chiến Thắng cho biết: "Chuyện kể của một đại sứ không phải là hồi ký, không phải tự truyện, không có đánh giá hoặc dính dáng tới những báo cáo sơ kết, tổng kết các hoạt động đối ngoại của cơ quan. Đây chỉ là ghi chép những mẩu ký ức một thời làm việc, nay đã nghỉ hưu trích ra đem in, mong được chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân, cũng là để bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới những người và những nơi tôi đã may mắn được công tác với cương vị một đại sứ".
Dẫu tác giả chỉ tự nhận là "những mẩu ký ức một thời làm việc", song Chuyện kể của một đại sứ lại mang sức nặng của những câu chuyện ngoại giao mà bấy lâu nay ít người chọn viết.
"Nếu không đọc cuốn sách này, chúng ta không có cơ hội để biết một phần đời sống đang diễn ra đầy hấp dẫn, quan trọng và ý nghĩa trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam và những diễn biến trên thế giới. Và chỉ khi qua lời kể của đại sứ, chúng ta mới thấu hiểu được" -nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói - "Có những câu chuyện được nhà văn Nguyễn Chiến Thắng kể rất bình dị, nhưng đầy tinh tế và luôn luôn ẩn chứa sau đó "một bức rèm". Đôi khi người đọc phải tự vén bức rèm đó để hiểu ra đằng sau là cái gì".
Ông Thiều cũng nhấn mạnh thêm: "Trong sách, xuyên suốt tất cả những câu chuyện có thể là chính trị, ngoại giao, hay là một bí ẩn không thể nói ra trong hoạt động đối ngoại nhưng điều quan trọng nhất là ở đó xuất hiện những vỉa tầng văn hóa của mỗi nơi mà tác giả đi qua, mỗi nhân vật ông gặp. Tất cả được mở ra trên tinh thần của văn hóa, của con người. Và, cuối cùng tình yêu thương đã trùm phủ lên tất cả. Đọc cuốn sách, chúng ta thấy yếu tố quan trọng nhất làm nên một nghệ thuật ngoại giao vẫn là trái tim của con người đến với con người. Bởi thế, đây là một cuốn sách chân thực, tinh tế, hấp dẫn, mang chiều sâu văn hóa".
3. Qua hơn 300 trang, Chuyện kể của một đại sứ dù là sách của một người làm chính trị nhưng cũng đầy ắp những sắc màu, không gian văn hóa, những chân dung đáng kính, đáng mến, đáng ngưỡng mộ… Trong đó, nổi bật trên mỗi trang viết là cái nhìn nhân hậu, ấm áp, giàu tình người của một nhà văn.
Theo nhà văn Di Li, Chuyện kể của một đại sứ là cuốn sách tràn ngập lòng nhân ái và sự biết ơn. Tác giả viết về những người lãnh đạo, những nhân viên cấp dưới, những người thầy, những người đã giúp đỡ mình bằng cả tấm lòng. Trang sách nào cũng đong đầy sự tích cực. Đáng nói hơn, tinh thần nhân ái của Nguyễn Chiến Thắng còn được thể hiện ở những câu chuyện ông viết về bà con Việt kiều.
"Lần đầu tiên tôi thấy những câu chuyện viết về Việt kiều như vậy. Nhắc đến Việt kiều, chúng ta vẫn thường nghĩ đến sự sang trọng, sự giàu có nhưng Việt kiều ở Campuchia mà tác giả đề cập trong sách hoàn toàn khác" - nhà văn Di Li dẫn chứng - "Đó là khi tác giả viết về bà Lền và bà Loan trong một xóm nghèo ven sông Mekong ở Campuchia. Độc giả có thể rơi nước mắt khi mà tác giả viết rằng bà Loan thì hơn bà Lền là có một đứa cháu ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Trong khi, bà Lền thậm chí khi đặt câu hỏi thì chỉ biết trả lời 3 không".
"Tôi hỏi có biết Tết đến rồi không, bà nói không. Tôi hỏi dưới mình, quê bà ở đâu, bà bảo lâu ngày không nhớ nữa. Lại hỏi con cháu họ hàng có ai, lại trả lời không còn ai. Thế là 3 không. Tôi sợ, không dám hỏi thêm từ sáng đến giờ có cái gì ăn không, sợ vì biết câu trả lời cũng lại là không, sợ bởi vì chưa hỏi đã muốn khóc, muốn mà không dám khóc, thể diện nào mà khóc ở chỗ này!" (trích Chuyện kể của một đại sứ).
Và còn nhiều hơn những câu chuyện đầy tính nhân văn như thế được tìm thấy trong Chuyện kể của một đại sứ của tác giả Nguyễn Chiến Thắng. Đáng nói, đó là những câu chuyện thường khó gặp ở những tác phẩm thể loại ký, chưa kể lại viết về những câu chuyện ngoại giao vốn cần đến sự chừng mực nhất định. Nhưng tác giả Nguyễn Chiến Thắng đã chọn một thái độ riêng cho cuốn sách ghi lại ký ức một thời làm ngoại giao của mình. Như nhà văn Đỗ Bích Thúy khẳng định: "Thái độ viết ấy là của một người làm ngoại giao, hẳn là thế, nhưng bên trong nhà ngoại giao ấy còn có một nhà văn với tâm hồn ấm áp và những rung cảm tinh tế, sâu sắc".
Vài nét về nhà văn Nguyễn Chiến Thắng
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Algeria, Pháp, Campuchia. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bút danh Thăng Sắc.
Một số tác phẩm đã in: Những ngày không em (tiểu thuyết, NXB Phụ nữ, đã chuyển thành phim truyền hình Nụ tầm xuân, đạo diễn Bạch Diệp); Chớp mắt cùng số phận (tập truyện ngắn, NXB Văn học, đã chuyển thành phim truyện cùng tên, đạo diễn Ngọc Linh); Chú Tư, con là ai (tiểu thuyết, NXB Lao động, Giải thưởng Văn học sông Mekong 2010); Đi trong lốc xoáy (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn); Ngụ cư (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn); Láng giềng (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn).