Chào tuần mới: Văn hóa 'check-in'
Đặt biển báo yêu cầu du khách không vào chụp ảnh tại điểm check-in mới nổi trên đèo Mã Pì Lèng - đó là động thái mới nhất của chính quyền địa phương tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), sau khi những bức ảnh về địa điểm này đang liên tục được chia sẻ trên không gian mạng.
Xem những bức ảnh ấy, người ta không khỏi có cảm giác vừa phấn khích, vừa… rợn tóc gáy: Một mặt, góc chụp cho phép "ôm trọn" toàn bộ cảnh hùng vĩ của đèo Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế phía xa. Mặt khác, người được chụp ảnh chỉ ngồi trên một mỏm bê tông nhỏ, không có rào chắn, nhô ra giữa vực sâu hun hút dưới chân…
Dù những kiểm chứng sau đó cho thấy điểm check-in này thật ra chỉ cách mặt sàn (không nằm trong bức ảnh) khoảng 10 mét, rõ ràng việc chụp ảnh tại đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm: Sườn núi rất dốc, còn du khách chụp ảnh phải đi men theo lan can bê tông không rào chắn nếu muốn bước ra đây.
Cần nói thêm, đây chỉ là một điểm check-in tự phát được du khách khám phá rồi tự… vượt tường vào chụp ảnh (chủ nhân ngôi nhà vắng mặt lâu ngày tại địa phương). Và những gì diễn ra gợi tới câu chuyện tương tự về "mỏm đá sống ảo" từng khá nổi tiếng cũng ở khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Cũng gây hấp dẫn bởi vẻ đẹp và cảm giác "rợn người" bên miệng vực, điểm check-in ấy từng được chính quyền địa phường đặt biển báo và dùng rào lại vào giữa năm 2021, sau khi một du khách bị ngã khi chụp ảnh. Thế nhưng, sức hút đặc biệt của nó vẫn tiếp tục khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm để "sống ảo" - điển hình là trường hợp một du khách người Anh tiếp tục gặp tai nạn tại đây vào tháng 3 vừa qua. Có nghĩa, dù lệnh cấm của địa phương là hợp lý trong bối cảnh hiện tại, việc giữ an toàn cho du khách trước hết vẫn phụ thuộc vào ý thức tự thân của mỗi người.
Và nếu nhìn vấn đề một cách bao quát hơn, hãy nhớ về ý tưởng mà nhiều chuyên gia đã nhắc tới trong thời gian qua: Các điểm du lịch - đặc biệt là tại vùng cao phía Bắc - nên dần tính tới việc chủ động quy hoạch và thiết lập những điểm "check-in" cho du khách. Đó có thể là những chòi ngắm cảnh, những sàn nghỉ, thậm chí là những quán cà phê, dịch vụ… được thiết kế thân thiện và hài hòa với môi trường, cho phép du khách ghi lại những bức ảnh lưu niệm đẹp nhất trên hành trình của mình.
Thậm chí, ở một chừng mực nhất định, những điểm "check-in" có quy hoạch này cũng có thể cung cấp những dụng cụ và dịch vụ bảo hộ đủ an toàn, để du khách thực hiện những bức ảnh mang đậm ấn tượng mạo hiểm, mà không cần thiết phải đánh đổi lấy sự an toàn của mình như những gì từng diễn ra tại Hà Giang.
Thực chất, trong những năm qua, một số địa phương cũng đã thực hiện việc kiến tạo những điểm check-in cho khách du lịch tại những vị trí có phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, phần lớn những điểm check-in này thường khá đơn giản về kiến trúc, cũng như dịch vụ đi kèm. Nếu có giải pháp hợp lý và hài hòa để thu hút sự tham gia - cũng như nguồn lực - của tư nhân, không khó để chúng ta chủ động tạo ra những điểm "sống ảo" đủ ấn tượng và an toàn, thay cho sự tự phát như hiện tại.