Diễn đàn 365: 'Bổ khuyết' cho điện Kính Thiên
Những thông tin nối nhau về điện Kính Thiên trong thời gian qua đang khiến câu chuyện quanh di tích này được chú ý trong những ngày cuối năm.
Cụ thể, sau cuộc trưng bày mô hình (phỏng dựng) điện Kính Thiên của Viện nghiên cứu Kinh thành vào giữa tháng 12, di tích này cũng trở thành chủ điểm thảo luận trong tọa đàm báo cáo kết quả khai quật thường niên tại Hoàng thành Thăng Long cuối tuần qua. Tại đây, toàn bộ kết quả khai quật - nghiên cứu điện kính Thiên trong 12 năm qua đã được nhìn nhận lại.
Nhìn tổng thể, kể từ năm 2011, giới khoa học đã tập trung nguồn lực khai quật tổng cộng khoảng 10.000m2 tại khu vực điện Kính Thiên và định hình được một phần cơ bản kiến trúc và đặc điểm của di tích. Riêng trong năm 2023 này, các hố khai quật khảo cổ được tổ chức đã tiến khá gần tới vị trí thềm rồng điện Kính Thiên - kiến trúc duy nhất còn được giữ lại của công trình này - và thu nhận thêm một số thông tin quan trọng.
Những kết luận cơ bản vào thời điểm này cho thấy điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng có quy mô 9 gian, diện tích gần 1.500m2, bao quanh bởi sân Đại triều, đường Ngự đạo, hệ thống tường vây và các hành lang che mưa nắng. Đây sẽ là nền tảng cơ bản để việc xác định kiến trúc của điện Kính Thiên tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp tục khai quật khảo cổ, cũng như tham chiếu tư liệu kiến trúc cung đình trong và ngoài nước.
Đáng nói, việc kiến trúc điện Kính Thiên dần lộ diện- với các giá trị thuyết phục và chân xác - cũng cho phép các ý tưởng quanh việc phục dựng công trình này dần trở nên rõ ràng, thống nhất hơn so với 10 năm trước. Bởi trên thực tế, không gian này hiện đang có sự tồn tại một số kiến trúc quân sự thời Pháp - vốn từng có tên trong hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thế giới cho Hoàng thành Thăng Long trước đây. Hiện tại, ý tưởng hạ giải hoặc di dời những công trình này để "nhường chỗ" cho việc phục dựng điện Kính Thiên đã nhận được sự đồng thuận cơ bản của giới nghiên cứu, cũng như bước đầu thuyết phục được phía UNESCO.
***
Theo ước tính của các chuyên gia, việc nghiên cứu và nắm bắt các thông tin về điện Kính Thiên đã đi được một nửa quãng đường. Quãng đường còn lại tất nhiên là quá trình tiếp tục nghiên cứu và bổ sung những gì còn thiếu, trước khi chúng ta bắt tay vào kế hoạch phục dựng công trình này.
Nhưng cũng phải nói thêm, việc "bổ khuyết" cho điện Kính Thiên không thể chỉ dừng ở lại ở kiến trúc bên ngoài. Như lời PGS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), trong trường hợp được phục dựng, Kính Thiên không thể chỉ là một tòa chính điện… trống rỗng theo mọi nghĩa. Nó cần được bổ sung thêm những công năng cụ thể, với việc phục dựng các sinh hoạt cung đình, các lễ hội truyền thống hay hình thức di sản văn hóa phi vật thể.
Thực tế, vài năm qua, từ kết quả nghiên cứu khoa học, một số các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... từng gắn với Hoàng thành Thăng Long trong lịch sử đã bước đầu được tái hiện. Chẳng hạn, đó là các lễ ban quạt trong ngày Tết Đoan ngọ, lễ dựng nêu và cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp, lễ tiến Ngự lịch vào thời điểm giáp Tết, lễ Tiến Xuân ngưu (dâng trâu lên nhà vua trong dịp Xuân). Xa hơn, ý tưởng phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu - vốn dĩ rất nổi tiếng trong lịch sử - cũng từng được đặt ra nhiều năm trước.
Tất nhiên, không phải hoạt động nào diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long trong lịch sử cũng có thể đưa vào không gian tương lai của khu vực gắn với điện Kính Thiên sau này. Và ngược lại, những nghiên cứu trong tương lai cũng hoàn toàn có thể mở ra những ý tưởng mới để phục dựng, trưng bày hoặc diễn giải một số hoạt động văn hóa gắn với điện Kính Thiên. Nhưng rõ ràng, đó sẽ là một con đường dài cần được tiếp tục, trước và cả sau khi công trình được phục dựng.
Bởi nói như nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Viết Chức, nếu sau khi được phục dựng, điện Kính Thiên vẫn chỉ thu hút được sự quan tâm của… giới chuyên gia thì rõ ràng chúng ta vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình.