Giáo sư Phan Huy Lê: Nhà sử học tiên phong, người thầy mẫu mực, một nhân cách lớn
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng, được đào tạo, rèn luyện dưới chế độ mới, Giáo sư Phan Huy Lê (23/2/1934-23/2/2024) đã trở thành một nhà sử học cách mạng chân chính. Suốt cuộc đời ông tận tâm tận lực phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Với trí tuệ uyên bác và lòng nhiệt huyết cống hiến không mệt mỏi, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc cho ngành khoa học nước nhà.
Hạt giống cách mạng từ dòng họ khoa bảng
Làng Thu Hoạch, nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là một vùng quê văn hiến, giàu truyền thống hiếu học, cần cù, yêu nước và cách mạng. Đây cũng là quê hương của Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, một nhà khoa học xuất sắc, có nhiều đóng góp lớn cho nền sử học nước nhà, một người thầy mẫu mực, ưu tú.
Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934. Cả hai dòng họ nội, ngoại của Giáo sư đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hoá lớn như Phan Huy Cận (1722-1789), Phan Huy Ích (1751-1822), Phan Huy Chú (1782-1840), Cao Xuân Dục (1842-1923), Cao Xuân Huy (1900-1983)… Thân sinh ông là Phan Huy Tùng (1878-1939), Tiến sĩ Nho học khoa Quý Sửu đời vua Duy Tân (năm 1913), từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, nhân hậu.
Giáo sư Phan Huy Lê đã sống trọn những năm tháng tuổi thơ tại quê hương, thừa hưởng truyền thống trọng nghĩa và hiếu học từ hai gia đình đã định hình cá tính và nhân cách trước khi ông hoà nhập vào cuộc sống xã hội. Nếu bản thân ông thuộc về thế hệ trải qua thời kỳ gian nan của lịch sử Việt Nam hiện đại, thì tầm nhìn của ông đã vượt ra ngoài giới hạn đó, giúp ông giữ vững được cái nhìn khách quan trên con đường nghiên cứu lịch sử nước nhà.
Năm 1952, khi 18 tuổi, ông rời quê hương, theo học lớp dự bị đại học ở Thanh Hoá. Tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. Ban đầu, Phan Huy Lê vốn ham mê khoa học tự nhiên và dự định chọn Toán-Lý cho tương lai nghề nghiệp của mình. Nhưng dường như số phận đã có sự an bài. Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh là những người đầu tiên nhận ra những phẩm chất quý giá ở Phan Huy Lê và hướng ông vào học ban Sử-Địa trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong điều kiện học tập khó khăn, ông đã tự đặt ra những nguyên tắc học tập, làm việc và kiên trì thực hiện. Với sự thông minh, hiểu biết, cách làm việc cẩn thận, khoa học, ngay khi còn là sinh viên, ông đã được các thầy tin cậy giao làm trợ lý giảng dạy. Năm 1956, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa: Toán-Lý, Hoá-Sinh, Văn và Sử, Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp Cử nhân Sử-Địa đã được nhận ngay vào bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại thuộc khoa Sử. Dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo sư Đào Duy Anh, ông vừa chính thức đứng lớp, vừa được giao viết bài giảng như một chuyên gia thực thụ. Có lẽ vì thế mà chỉ sau hai năm, khi Giáo sư Đào Duy Anh rời trường chuyển công tác về Viện Sử học, chàng thanh niên Phan Huy Lê mới 24 tuổi đời đã vững vàng trong trọng trách của một Chủ nhiệm bộ môn, đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.
Soi tỏ lịch sử trong cái nhìn đa chiều, hiện đại
Dấn thân vào nghề Sử, Giáo sư Phan Huy Lê càng ngày càng nhận thấy lịch sử Việt Nam ẩn chứa biết bao điều cần khám phá và lý giải một cách khoa học, mà con đường để đi đến chân lý lịch sử là con đường phức tạp, quanh co, không một chút giản đơn. Giáo sư Phan Huy Lê quan niệm kinh tế-xã hội là cơ sở nền tảng lịch sử. Nước ta là một nước nông nghiệp, nên nghiên cứu kinh tế-xã hội Việt Nam truyền thống không thể không bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Điều này giải thích vì sao những ấn phẩm đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (xuất bản năm 1959); Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVIII trở về trước (1959)… Tất cả đều hoàn thành khi ông mới 25 tuổi. Trong 5 năm đầu bước vào nghề, ông đã có 5 công trình lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội, đến nay vẫn là những công trình khảo cứu có giá trị khoa học và thời sự đối với bất kỳ ai khi nghiên cứu về lịch sử ruộng đất và kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Khi Giáo sư Phan Huy Lê vừa mới tạo lập được vị trí của mình trong nghiên cứu về kinh tế-xã hội, thì cũng là lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tự ý thức trách nhiệm công dân phải tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc, ông chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những trận đánh lớn trong lịch sử, mà đến nay, nhắc đến Giáo sư Phan Huy Lê, người ta nghĩ ngay đến một chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam, với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, góp phần nâng tầm những chiến công chung của đất nước.
Để thực hiện nghiên cứu, ông đã tổ chức hàng loạt chuyến điều tra khảo sát thực địa tại các vùng chiến trận. Những cuộc điều tra này không chỉ phát hiện nhiều nguồn sử liệu có giá trị, làm sáng tỏ một cách cụ thể và đa diện các sự kiện lịch sử vốn được ghi chép hết sức cô đọng trong sử cũ, mà còn mở ra một phương hướng nghiên cứu và đào tạo hiện đại: nghiên cứu thực chứng, kết hợp sử liệu và điền dã, gắn chặt nghiên cứu khoa học với nhu cầu của đời sống thực tiễn. Những công trình: Khởi nghĩa Lam Sơn (viết chung với Phan Đại Doãn, 1965); Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (1973); Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (chủ biên, 1976); Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (viết chung với Phan Đại Doãn và Nguyễn Quang Ngọc, 1988)… được hoàn thành sau các chuyến điền dã trong điều kiện chiến tranh đã trở thành những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu của đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài chống ngoại xâm và lịch sử chiến tranh, nghệ thuật quân sự, đi sâu nghiên cứu các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ truyền thống yêu nước đến đặc điểm của con người, văn hóa Việt Nam. Trong khoảng 15 năm (1975-1989), ông viết đến 24 công trình lớn, chưa kể hàng chục bài báo và tham luận về đề tài này.
Một trong những nghiên cứu có giá trị của Giáo sư là công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”. Đây là công trình duy nhất thuộc lĩnh vực sử học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần V năm 2017. Công trình bao gồm 9 chương, tập hợp nhiều bài báo, nhiều nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê trong thời gian 10 năm kể từ 1998 (cả trong nước và ngoài nước). Điểm đặc biệt nhất ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến và toàn diện, mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam.
Là một nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê luôn nhấn mạnh vai trò của sử liệu và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử. Với ông, sử liệu là chất liệu quan trọng nhất của công trình sử học, nên trong quá trình nghiên cứu bao giờ ông cũng mở rộng khai thác triệt để các nguồn sử liệu và tìm cách mọi cách để có thể trở về với tư liệu nguyên gốc. Ông là người đã đem bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản từ Paris về Việt Nam và viết bài khảo cứu văn bản “Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả, văn bản, tác phẩm” (1983). Trong tiếp cận trực tiếp đối tượng, ông nêu thành nguyên tắc tiếp cận toàn bộ, toàn diện, đa tuyến về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Trân trọng và đề cao kinh nghiệm viết sử truyền thống, nhưng ông lại chính là người dẫn đầu hiện đại hoá và cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới, nhất là phương pháp đa ngành, liên ngành. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của địa bạ, châu bản, gia phả… và vai trò của điều tra khảo sát thực địa. Các công trình tiêu biểu trong lĩnh vực này là các bộ Địa bạ Hà Đông (viết chung nhiều tác giả, 1995), Địa bạ Thái Bình (chủ biên, 1997), Địa bạ cổ Hà Nội (chủ biên, tập 1, 2005; tập 2, 2008), Châu bản triều Nguyễn và Châu bản năm Minh Mệnh 6-7 (1825-1826) (1998)… Ngoài ra, ông còn viết nhiều công trình về phân kỳ lịch sử và phương pháp luận sử học như Vấn đề phân chia các thời kỳ và giai đoạn lịch sử (viết chung nhiều tác giả, 1968), Một số vấn đề phương pháp luận sử học (1976), Phương pháp tổng hợp trong nghiên cứu lịch sử địa phương(1979), Tính khách quan trung thực của khoa học lịch sử (1995)…
Đối với Giáo sư Phan Huy Lê, trách nhiệm lớn nhất của người nghiên cứu Sử, không chỉ là làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử cụ thể, mà phải có ý thức trách nhiệm tổng kết, khái quát những vấn đề quan yếu nhất của lịch sử đất nước. Ông quan niệm lịch sử Việt Nam là lịch sử của toàn dân, của tất cả 54 tộc người chung sống trên đất Việt Nam, nên bên cạnh các bộ thông sử, các nghiên cứu tổng quan, ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử địa phương, lịch sử các dòng họ và những nhân vật cụ thể. Ông theo dõi tiến trình lịch sử đất nước từ các quy luật vận động chung cho đến những hiện tượng cá biệt có tính ngẫu nhiên của lịch sử. Chính tư liệu địa phương và tư liệu dòng họ là nguồn thông tin bổ sung quan trọng, giúp ông và các nhà nghiên cứu làm sáng rõ và sinh động hơn bức tranh lịch sử nước nhà. Ông là người chủ trì Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam và đã viết 92 công trình về các nhân vật lịch sử và dòng họ, chiếm tỷ lệ cao nhất (22,5%) trong các mảng đề tài lớn ông đã hoàn thành. Các nghiên cứu lịch sử địa phương là 59 công trình (chiếm 14,6%). Có thể kể ra các công trình tiêu biểu như Nguyễn Trãi (1380-1442): anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa (1981), Lê Lợi (1385-1433) sự nghiệp cứu nước và dựng nước (1984), Quang Trung Nguyễn Huệ: thiên tài và sự nghiệp (1992), Lê Thánh Tông trong sự nghiêp xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt thế kỷ XV (1992)… Kẻ Giá, một làng chiến đấu truyền thống tiêu biểu và người anh hùng Lý Phục Man (1985), Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay (1985), Nam Bộ: không gian – tiếp cận – thành tựu (2011), Lịch sử Thăng Long Hà Nội 2 tập (2012).
Niềm tự hào của sử học nước nhà
Nhìn lại những di sản của cố Giáo sư Phan Huy Lê mới thấy, thật hiếm có học giả nào để lại khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế. Tầm uyên bác trong các công trình Sử học của Giáo sư Phan Huy Lê bắt nguồn từ trách nhiệm cao cả của một người Thầy, vì theo ông, dạy đại học là dạy kết quả nghiên cứu của chính mình. Trong gần nửa thế kỷ, ngoài việc giảng dạy chính ở khoa Lịch sử, ông còn dạy cho nhiều lớp ở các trường Đại học lớn trong và ngoài nước, như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)… Hàng nghìn học trò được ông đào tạo đã thành đạt và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, quản lý. Ông cũng là một trong những chuyên gia đầu tiên của nền giáo dục mới Việt Nam tham gia giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn và phản biện nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế, trong đó có 17 học trò trực tiếp của ông đã bảo vệ thành công các luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học.
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo Sử học, ông còn được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Việt Nam học và Đông Phương học. Ông đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển do ông sáng lập và dẫn dắt đã từng bước vươn lên đảm đương sứ mệnh của một Viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước. Tròn một phần tư thế kỷ, vừa là nhà thiết kế, vừa là nhà thi công, ông đã tạo dựng cho Việt Nam một nền Việt Nam học liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế.
Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1973, 2012). Với những cống hiến xuất sắc cho khoa học, ông cũng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010). Ông là người đầu tiên của ngành Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011).
Nhớ về Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín cho biết: “Giáo sư Phan Huy Lê là một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam, ông là một con người có tinh thần làm việc rất cẩn thận, tác phong nghiên cứu rất khoa học, ông luôn cố gắng ở mức cao nhất để đạt tính hoàn thiện của một vấn đề sử học mà giáo sư đang quan tâm, giải quyết”.
Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sư phạm, nhà khoa học mang tầm vóc quốc gia và có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Tên tuổi, tài năng và nhân cách của ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của các thế hệ học trò, cũng như đồng nghiệp cả trong và ngoài nước.