Diễn đàn văn hóa: Ngày của bảo tàng

Chúng ta vừa bước sang ngày 18/5 - Ngày Quốc tế Bảo tàng trên toàn thế giới. Khá thú vị, đây cũng là dịp kỷ niệm 45 năm ngày đặc biệt này ra đời, kể từ năm 1978 -  khi Hội đồng Bảo tàng Quôc tế (ICOM) chọn ra một ngày để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của bảo tàng trong xã hội.

Tham gia ICOM từ năm 2012, Việt Nam cũng đã có hơn 10 năm để làm quen với ngày 18/5. Và bước đầu, nhiều Bảo tàng trên cả nước cũng tổ chức  những hoạt động trưng bày, giới thiệu hoặc mở cửa tự do cho du khách trong dịp này.

Nhưng cũng cần thẳng thắn, trong sự so sánh với thế giới, hệ thống bảo tàng của chúng ta vẫn còn khoảng cách lớn. Ngoại trừ một số trường hợp thu hút được sự quan tâm của khách du lịch quốc tế, đa phần bảo tàng tại Việt Nam vẫn chưa tạo được sức hút cần thiết với cộng đồng trong vai trò của một thiết chế văn hóa - lịch sử - giáo dục.

Diễn đàn văn hóa: Ngày của bảo tàng - Ảnh 1.

Các cựu chiến binh tham quan hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Đơn cử, vào các dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ, đó vẫn là lựa chọn thứ yếu so với các điểm đến hấp dẫn khác của mỗi gia đình. Đồng thời, việc ghé thăm bảo tàng của các đối tượng học sinh cũng thường chỉ diễn ra lác đác trong năm, và thường do các tour du lịch phối hợp nhà trường tổ chức.

Sẽ có rất nhiều điều cần làm để khắc phục hiện trạng này, trong đó không thể bỏ qua vấn đề mà nhiều chuyên gia từng đề cập: Nhiều bảo tàng hiện nay vẫn được trưng bày theo tư duy cũ, nặng về tuyên truyền và chạy theo số lượng hiện vật. Trong khi đó, thuộc tính đặc thù về sự tương tác của nó, với cách tổ chức và trưng bày nhẹ nhàng, gần gũi và khách quan để người xem tự cảm nhận và đưa ra suy nghĩ của mình, lại chưa được nhân rộng.

Nhìn lại, những thành công, dù chưa nhiều, trong việc thu hút cộng đồng tại một số bảo tàng trong thời gian qua như các bảo tàng Dân tộc học, Phụ nữ (Hà Nội) hay Chứng tích Chiến tranh (TP.HCM) đều gắn với những yếu tố cơ bản: Nội dung trưng bày được tổ chức khoa học và giàu tính thẩm mỹ, đồng thời có những diễn giải để mở rộng cũng như kết nối chuỗi câu chuyện về hiện vật với nhau. Và xa hơn thế, mỗi cuộc trưng bày ấy lại có tính xã hội cao, để gắn với những câu chuyện thời sự  của cuộc sống, hoặc nằm trong ký ức của cộng đồng.

Đó chắc chắn là những kinh nghiệm cần được áp dụng tại các bảo tàng Việt Nam - nhất là trong bối cảnh ICOM đã lựa chọn chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay là "Bảo tàng - tính bền vững và an sinh", với kỳ vọng các bảo tàng đều có vai trò định hình, tạo ra tương lai bền vững thông qua các chương trình giáo dục, trưng bày, tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH