Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia

Mới đây, nhà sưu tập cổ vật nổi tiếng, chủ nhân của 3 Bảo vật Quốc gia – doanh nhân Nguyễn Văn Kính đã trình các cơ quan hữu quan xem xét một bảo vật mới: Thạp đồng Kính Hoa 2.

Không phải ai cũng có thể sở hữu Bảo vật Quốc gia, dù có rất nhiều tiền

Ông Nguyễn Văn Kính là người đầu tiên trong cả nước sở hữu Bảo vật Quốc gia, dù thực sự ông không phải là dân chơi đồ cổ, và cũng không sưu tầm đồ cổ. Các bảo vật đến với ông một cách rất tình cờ. Trước những di sản mà tổ tiên ta để lại, ông cảm thấy là phải có trách nhiệm lưu giữ. Do biết nhiều giáo sư chuyên ngành nên ông đã được cố vấn rất nhiều về mặt chuyên môn. Kế đó là may mắn. Từ một món đầu ông sở hữu, bảo vật đến với ông ngày một nhiều và ông biết rằng đó là những di sản rất quý hiếm.

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Văn Kính, người đầu tiên trong cả nước sở hữu Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Trong một bài trả lời phỏng vấn chúng tôi gần đây, ông chia sẻ: "Nếu mình không lưu giữ thì bảo vật sẽ bị "chảy máu" ra nước ngoài. Và với tình cảm cũng như trách nhiệm của con dân nước Việt, tôi mua bảo vật để lưu giữ cho đời sau, vĩnh viễn không ra khỏi biên giới nước ta. Để bảo vật ở lại với chính nơi đã sản sinh ra nó. Vì cái tâm với tổ tiên, đất nước, lại đúng vào lúc mình dư dả một chút. Tôi may mắn là tư nhân đầu tiên sở hữu Bảo vật Quốc gia, là trống đồng Kính Hoa 1. Và sau đấy còn một vài món nữa, như Bảo vật Quốc gia thạp đồng Kính Hoa 1 và Bảo vật Quốc gia Trống đồng Kính Hoa 2. Vừa may mắn, vừa cơ duyên, và có lẽ còn là một sứ mệnh mà tổ tiên trao truyền. Mục đích của tôi không phải là buôn bán, cũng không phải để khoe khoang, mà lưu giữ lại, giữ gìn những di sản của tổ tiên để lại cho con cháu. Tôi đã làm một nơi lưu giữ và trưng bày những Bảo vật Quốc gia này để tôn vinh nền văn minh của tổ tiên chúng ta, để con cháu và người đời sau thưởng lãm và hiểu về đất nước mình. Và cũng để cho thế giới cùng chiêm ngưỡng.

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 2.

Kích thước to lớn và gần như còn nguyên vẹn của Thạp đồng Kính Hoa 2. Ảnh: Bá Ngọc

Thực ra không phải ai cũng có thể sở hữu Bảo vật Quốc gia, dù anh có rất nhiều tiền. Tôi có cảm giác về mặt tinh thần, đây là một sứ mệnh mà mình được trao truyền. Còn một vài món nữa thì theo các giáo sư chuyên ngành, nó có giá trị văn hóa lịch sử cực kỳ lớn, thậm chí còn bằng và hơn những món đã được công nhận. Có những món cho đến giờ này không tìm được cái nào tốt hơn. Đó là những di sản tinh hoa, tôi muốn dùng từ là "thâm nghiêm" và "tinh túy". Tôi nghĩ những thứ không thể để cho đem ra khỏi Việt Nam được thì chúng ta nên làm Bảo vật Quốc gia, không để "chảy máu".

Nếu sau này con cháu tôi không tiếp tục lưu giữ được nữa thì phải hiến lại cho Nhà nước, chứ không được mua bán, trao đổi".

Mới đây, ông Nguyễn Văn Kính đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét bảo vật Thạp đồng Kính Hoa 2.

Thạp đồng - xứng danh biểu tượng văn hóa của người Việt

Thạp đồng là một hiện vật độc đáo, đậm bản sắc của văn hóa Đông Sơn. Chức năng chính của thạp là đồ đựng. Trong một số trường hợp, thạp được sử dụng như quan tài để đựng tro cốt người chết.

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 3.

Nắp Thạp đồng Kính Hoa 2. Ảnh: Bá Ngọc

Thạp đồng là di vật quý, độc đáo của văn hóa Đông Sơn, một trong những những đồ sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày của người xưa, ẩn chứa nhiều giá trị vật chất và tinh thần trên nhiều phương diện. Thạp đồng có thể so sánh với những chiếc trống đồng về kích thước, hoa văn trang trí cùng những giá trị về tinh thần, tín ngưỡng của người Đông Sơn xưa giữ lại mãi về sau. Nếu như trống đồng Đông Sơn được phát hiện nhiều ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, thì những thạp đồng hiện biết, phần lớn phát hiện ở Việt Nam. Thạp thường tập trung ở các lưu vực các sông lớn như sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Cho đến nay, ở Việt Nam, đã thống kê được trên 280 thạp đồng. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, khi nhiều thạp đồng còn nằm trong các sưu tập tư nhân, dưới lòng đất và những thạp nhỏ "minh khí" chôn theo người chết chưa nằm trong con số thống kê này. Trong khi ấy, mới chỉ có 26 thạp đồng được tìm thấy ở nam Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những chiếc thạp ấy là sản phẩm của Văn hóa Đông Sơn được trao đổi đến vùng đất ấy lúc đương thời.

Theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Hà Văn Phùng, tính đến 2005, tại Việt Nam đã phát hiện 235 chiếc thạp đồng, gồm loại đồ dùng sinh hoạt (đồ đựng), phục vụ lễ nghi và đồ minh khí. Căn cứ vào cấu trúc thạp và vành miệng, có thể phân thạp Đông Sơn thành 2 loại cơ bản: thạp không nắp và thạp có nắp. Trong đó, thạp không nắp có số lượng lên đến 205 chiếc (chiếm 88,74%), trong khi đó thạp có nắp chỉ có 26 chiếc (chiếm 11,25%). Loại không có nắp thường có hoa văn giản đơn, chủ yếu là các hoa văn hình học. Loại có nắp, hoa văn trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ với những hình tả cảnh sinh hoạt, thuyền chiến, động vật... Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm đều có nhiều bài báo phát hiện thạp đồng tại các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Với tư liệu hiện biết, thì ở Việt Nam, tính đến năm 2021, tất cả chỉ có 31 chiếc thạp Đông Sơn có nắp đã được phát hiện, nghiên cứu và công bố. Căn cứ trên những tiêu chí phân loại thạp đồng, thạp đồng Kính Hoa 2 được xếp vào loại hình thạp Đông Sơn có nắp, và là chiếc thứ 33 thuộc loại hình này.

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 4.

Hoa văn tuyệt mỹ trên thân Thạp đồng Kính Hoa 2. Ảnh: Bá Ngọc

Thạp đồng Đông Sơn có nắp đã hiếm quý như vậy, nhưng được trang trí đẹp, sắc nét và tinh xảo như thạp đồng Kính Hoa 2 thi lại càng hiếm hơn. Các họa sĩ, nghệ sĩ đúc đồng thời Đông Son đã "bắt" những hình họa đúc, khắc trên thạp vốn khô cứng, tĩnh tại nhưng luôn chuyển động theo vũ trụ quan của họ. Lấy mặt trời trên nắp làm tâm, thuyền, người, động vật ở dưới thân thạp vận hành theo vòng tròn đồng tâm khép kín và tất cả khối hình cùng chuyển động nhịp nhàng, đều đặn. Đó chính là vũ trụ thiêng liêng của người Đông Sơn mà ngày nay, nghệ thuật đương đại vẫn kế thừa như một hằng số của truyền thống.

Thạp đồng Đông Sơn và cùng với chúng là trống đồng Đông Sơn xứng danh là biểu tượng văn hóa của người Việt, của dân tộc Việt Nam. Đó là cặp đôi đối trọng với Đỉnh - Lịch của Trung Nguyên.

Dẫu biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng bằng mắt thường cũng đã có thể thấy rằng, Thạp đồng Kính Hoa 2 có kích cỡ lớn và giá trị còn hơn cả Thạp đồng Kính Hoa 1 đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 5.

Thạp Kính Hoa 2 có niên đại khoảng 2.300 – 2.400 năm

Giám định chiếc Thạp đồng Kính Hoa 2, Giáo sư khảo cổ học Trịnh Sinh nhận định:

Thạp đồng Kính Hoa 2 còn nguyên vẹn, gồm có hai phần: thân thạp và nắp thạp. Thân có hình gần trụ tròn, có gờ để đậy nắp. Phần nắp thạp cong tròn, thoải dần từ trong ra ngoài.

Kích thước phần thân thạp: Chiều cao 47,6cm; đường kính miệng: 41,1cm; đường kính chân đế: 38,4cm; độ dày: 0,3cm; quai hình chữ U cao: 10,5cm và rộng: 7,3cm; quai hình mui thuyền cao: 2.1cm.

Kích thước phần nắp thạp: Đường kính: 41,4cm; chiều cao: 1,9cm; tượng chim dài: 4,5cm; tượng chim rộng (đo phần cánh): 2,6cm.

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 6.

Thạp còn tương đối nguyên vẹn, phần đáy thạp bị dập khoảng 20cm ở phần giáp thân, có dấu vết gắn lại. Màu sắc thạp gỉ xanh.

Thạp có 2 quai nằm đối xứng nhau ở 2 bên thân. Quai ngoài hình chữ U có hoa văn xoáy ốc. Quai trong nhỏ và có hình mui thuyền. Trên thân thạp có 2 đường chỉ đúc nằm đối xứng nhau qua trục thân thạp.

Quanh thân thạp có 6 hàng con kê hình vuông, cách đều nhau. Dấu vết của các con kê này còn rõ nét.

Đáng chú ý trên thân và nắp thạp được trang trí nhiều hoa văn đẹp, tính từ trên xuống dưới:

Trên thân thạp được trang trí từ trên xuống dưới như sau:

- Vành 1, 7, 8, 10, 11, 16: chấm dải

- Vành 2, 6, 12, 15: tam giác nhọn, liền đáy

- Vành 3, 5, 13, 14: vòng tròn chấm giữa tiếp tuyến

- Vành 4: hoa văn hình đàn chim bồ nông đang đứng, mỏ dài, một số con được trang trí hình mắt là vòng tròn chấm giữa, có con có hình 2 mắt ở một bên thân là nghệ thuật siêu thực, cách điệu trong đồ hoạ.

- Vành 9 là vành hoa văn chủ đạo, rộng nhất miêu tả 4 chiếc thuyền: Đây là những hoa văn đẹp nhất, còn sắc nét. Thuyền cong, trang trí hoa văn gạch ngắn song song và ngôi sao có từ 5 đến 7 tia sáng nhọn. Trên thuyền có 4 - 5 người hoá trang đang chèo, có người đứng cầm cả cung và tên, người cầm giáo, người ngồi đánh trống da. Ngoài thuyền có hình trang trí con sam đuôi dài, hình chim đứng, chim bay rất đẹp. Đặc biệt có loài chim đứng giống với loài công hơn là loài chim bồ nông. Các hình thuyền lại được trang trí trong các ô gần hình chữ nhật được ngăn cách bởi các cột hoa văn hình học.

Trên nắp thạp được trang trí từ trong ra ngoài như sau:

- Ở giữa là ngôi sao 16 cánh hơi lồi, giữa các cánh sao còn có hoa văn hình lông công xen giữa các băng hoa văn gạch ngắn và chấm dải

- Vành 1, 2, 6 là hoa văn chấm dải

- Vành 3, 5 là tam giác liền đáy

- Vành 4 là hoa văn dích dắc

Thạp đồng Kính Hoa 2 - xứng tầm Bảo vật Quốc gia - Ảnh 7.

Đặc biệt, trên nắp thạp còn trang trí 6 tượng chim (một con bị gãy chỉ còn dấu vết. Chim có mỏ dài có thể là bồ nông, có mặt nổi có chấm giữa, lông chim được thể hiện là những đường gạch ngắn.

Nắp thạp có đôi chỗ bị nứt đã gắn lại.

Các hoa văn trang trí đều là hoa văn hình học của văn hoá Đông Sơn. Đặc biệt, vành hoa văn 9 miêu tả hình 4 chiếc thuyền là hoa văn hiện thực, có hình người chèo thuyền, mái chèo, chim, người cầm cung, giáo trên thuyền. Chúng tôi đã khoan 1 lấy mẫu ở vị trí chân thạp và đã phân tích thành phần hoá học (Công ty Hitachi High Tech phân tích, nhân viên phân tích là Lê Thanh Bình, cho kết quả Cu: 46,78%; Sn: 24, 20%; Pb: 17,38% và một số tạp chất. Tổng số nguyên tố phân tích là 14 mẫu). Đây là hợp kim đồng của văn hoá Đông Sơn cũng là minh chứng cho việc người Đông Sơn đúc. Đây là chiếc thạp đồng thuộc văn hoá Đông Sơn tương đối nguyên vẹn, có niên đại vào khoảng 2.400 - 2.300 năm cách đây.

Giáo sư Trịnh Sinh cho rằng, hiện nay, ngoài hệ thống bảo tàng nhà nước sở hữu những đồ cổ được tiếp quản từ những cơ sở trước đây để lại như Trường Viễn Đông bác cổ, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hay những bảo vật mà triều Nguyễn để lại (ấn, kiếm, kim sách, đồ ngự dụng…), các cuộc khai quật khảo cổ của Nhà nước thu thập được, thì còn một số khá lớn cổ vật nằm trong các sưu tập cổ vật tư nhân.

Với chính sách cởi mở của Nhà nước, cho phép tư nhân được thành lập bảo tàng tư nhân hay sở hữu các sưu tập cổ vật tư nhân, đã có một luồng gió mới trong việc làm "sống" lại các cổ vật, đưa cổ vật gần gũi với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Có những cổ vật tuyệt mỹ lại hàm chứa bao câu chuyện lịch sử cha ông, nâng cao lòng tự hào truyền thống dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà qua các đợt xếp hạng Bảo vật Quốc gia, chúng ta đã chọn được các Bảo vật Quốc gia rất xứng đáng của các sưu tập tư nhân.

Nguyễn Huy Minh

Link gốc: TTVH