Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành nhiều quyết định ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở các lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống...

Đó là: Nghệ thuật chèo ở tỉnh Phú Thọ; Mo Mường, tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Ảnh 1.

Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm được tổ chức một cách bài bản, hấp dẫn, trở thành lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh truyền thống. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Cùng với đó còn có Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm, Xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang; Lễ cầu mùa mí (Mí nhung hơi) của người Pà Thẻn, xã Tân lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh.

Tỉnh Vĩnh Long có 2 di sản được công nhận đợt này gồm: Nghệ thuật Hát Bội và Lễ hội Văn Thánh miếu.

Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Ảnh 2.

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Nguồn: Báo Văn hóa

Tỉnh Thái Nguyên có 3 di sản gồm: Hát Ví của người Tày huyện Định Hóa; Nghệ thuật may, thêu trang phục của người dao xã Hợp Tiếp, huyện Đồng Hỷ và Chữ Nôm của người Dao.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc, xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này. Nghề đã hình thành và phát triển trên 100 năm, đến nay, Sa Đéc có trên 350 hộ sản xuất bột, với 2.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất và sản phẩm sau bột. Những sản phẩm sản xuất sau bột như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút, các thực phẩm khác chế biến từ bột đã được tiêu thụ tốt ở trong nước và xuất khẩu.

Quảng Nam có 2 nghề thủ công truyền thống được công nhận. Đó là Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp và Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh, xã Cẩm Thanh, đều ở thành phố Hội An. Trong đó, đan võng ngô đồng vẫn là một nghề độc đáo của Hội An, được thiết kế vào các tour du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng. Người thợ đan võng được mời ra phố đan trình diễn và đi giới thiệu nghề cho công chúng. Còn Nghề làm nhà tre, dừa nước đã tạo công ăn việc làm cho người lao động và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, góp phần thiết thực cho sự bền vững để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng nên việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra còn có các nghề thủ công truyền thống khác được công nhận đợt này như: Nghề dệt của người Thu Lao huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng tỉnh Bình Phước; Nghề làm bánh tráng Tuý Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Thủ đô Hà Nội có 6 di sản được công nhận, gồm: Lễ hội chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; Lễ hội làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; Lễ hội đình Tường Phiêu xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm; Nghề may Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa và Nghề làm xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

TTXVN

Link gốc: TTVH