Bạo loạn làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nước Pháp

Pháp ngày 5/7/2023 tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt trên toàn bộ đất nước. Tìm cách giải quyết làn sóng bạo lực bùng phát ở "đất nước hình lục lăng" đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017.

* Thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD

Mặc dù tuyên bố tình trạng bạo loạn đã chấm dứt nhưng Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cũng khẳng định cơ quan này vẫn đang duy trì mức độ cảnh giác cao.

Làn sóng bạo loạn đã kéo dài suốt 1 tuần qua tại nhiều thành phố của Pháp, bùng phát sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi vì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe trong khi tham gia giao thông ở ngoại ô phía Tây thủ đô Paris hôm 27/6/2023. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 5.900 phương tiện đã bị đốt; hơn 1.100 tòa nhà (công cộng và tư nhân) đã bị cháy hoặc phá hoại, trong đó có gần 250 trường học, 150 bưu điện, 370 chi nhánh ngân hàng, chưa kể các trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, nhà cộng đồng... Bộ Nội vụ cũng đã ghi nhận có ít nhất 270 vụ tấn công vào các đồn cảnh sát, lữ đoàn hiến binh, trong đó riêng ở vùng Ile-de-France, có đến 36 đồn cảnh sát và 18 tòa thị chính bị đốt phá.

Nhà chức trách Pháp đã phải triển khai 45.000 nhân viên an ninh trên khắp cả nước để ứng phó với các cuộc biểu tình bạo lực. Kể từ ngày 30/6, cảnh sát Pháp đã bắt gần 4.000 người, bao gồm hơn 1.200 trẻ vị thành niên. Biểu tình đã khiến Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc.

Bạo loạn đi qua, nỗi đau nhìn lại - Ảnh 1.

Người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát tại Caen, Pháp, ngày 30/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê ban đầu của Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, ít nhất 1.000 doanh nghiệp chịu thiệt hại, trong đó có đến gần 440 cửa hàng thuốc lá, hơn 200 siêu thị, 60 cửa hàng đồ thể thao, 10 trung tâm thương mại. Ước tính thiệt hại ban đầu do các cuộc bạo loạn gây ra đã lên đến hơn 1 tỷ euro (1,08 tỷ USD), chưa kể thiệt hại đối với ngành du lịch khi hàng loạt khách hàng hủy dịch vụ. Bạo loạn cũng làm hình ảnh nước Pháp xấu đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tình hình không được cải thiện, hình ảnh nước Pháp sẽ xấu hơn và có thể ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa Hè 2024 tổ chức tại Paris.

Tìm cách giải quyết làn sóng bạo lực bùng phát ở "đất nước hình lục lăng" đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017. Do những vụ bạo động bùng phát, ngày 1/7/2023, Tổng thống Macron đã phải hủy chuyến thăm cấp Nhà nước đến Đức. Đây là lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay Pháp phải hủy chuyến thăm cấp cao nhất. Tổng thống Macron cũng xác nhận ông đã gặp các thị trưởng của 220 thành phố chịu thiệt hại do làn sóng bạo loạn. Nguồn tin từ giới chức Pháp tiết lộ Tổng thống Macron hy vọng sớm bắt đầu "quá trình làm rõ vụ việc để tìm hiểu lý do sâu xa dẫn đến những sự kiện này".

Bạo loạn đi qua, nỗi đau nhìn lại - Ảnh 2.

Cửa sổ nhà hát bị vỡ trong cuộc biểu tình tại Roubaix, Pháp, ngày 30/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

* "Làm xấu" nước Pháp

Theo đánh giá của giới quan sát, tình trạng bạo loạn kể trên đã làm xấu đi hình ảnh của Pháp, trong bối cảnh nước này từ đầu năm 2023 đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình, đình công quy mô lớn chống cải cách chính sách hưu trí. Đa số người Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ. Kế hoạch này đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, cũng như tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ. Các cuộc đình công đã khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông công cộng, trường học cũng như giao hàng của nhà máy lọc dầu ở Pháp.

Giải thích về lý do bạo lực bùng phát không giảm từ đầu năm đến nay, hầu hết các lực lượng an ninh nội bộ đều chỉ ra vai trò của các nền tảng truyền thông trực tuyến, ứng dụng Telegram và trên hết là Snapchat, phổ biến nhất với giới trẻ, có hơn 20 triệu người dùng trong hoạt động hằng ngày ở Pháp. Tổng thống Macron và Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti đã kêu gọi các bậc phụ huynh và các công ty mạng xã hội hỗ trợ nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực này.

Bạo loạn đi qua, nỗi đau nhìn lại - Ảnh 3.

Người biểu tình đốt phá trên đường phố ở Bordeaux, Tây Nam nước Pháp ngày 29/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giáo sư sử học Michel Pigenet, bạo lực trong biểu tình vốn không phải là một truyền thống đặc trưng của người Pháp. Ông nhận thấy bạo lực trong biểu tình cứ tiếp tục tăng, ngày càng nguy hiểm kể từ năm 2000. Các nhà nghiên cứu ở Pháp cũng nhận ra nguồn gốc của bạo lực là do những nhóm người quậy phá (đa số là những người nhập cư, bất mãn, thất nghiệp, sống ở những khu ngoại ô nghèo, lười lao động). Những thành phần này sẽ nhanh chóng xuất hiện ở các cuộc biểu tình hoặc nơi tụ tập đông người, nhằm lợi dụng cơ hội để đốt phá, cướp bóc, giao chiến với cảnh sát. Ngoài những cá nhân riêng lẻ, họ còn lập ra những nhóm cực đoan (nhiều khi có sự giật dây của các đảng phái cực hữu lẫn cực tả), sẵn sàng quậy phá bất chấp nhằm mục đích duy nhất là gây bất ổn, chống phá chính phủ.

Làn sóng đình công và biểu tình bạo lực diễn ra trong bối cảnh Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - đang phải vật lộn với các tác động của giá năng lượng tăng cao, vốn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại toàn cầu. Ngân hàng trung ương Pháp tháng 12/2022 dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm xuống còn 0,3% trong năm 2023 so với mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022. Tờ The Times nêu rõ, kinh tế Pháp hiện có khoản nợ công là 112% GDP - một trong những mức cao nhất của các nước Liên minh châu Âu (EU), cao hơn cả Anh và Đức. Gánh nặng lương hưu hiện nay đang chiếm 14% sản lượng kinh tế, và do đó quỹ lương hưu cứ thâm thụt liên tục hằng năm.

Minh Trà (Tổng hợp)/ TTXVN

Link gốc: TTVH