Sơn Nam - 15 năm hạt bụi nghiêng mình… xa cố hương
Sáng 13/8, tại Hội quán Văn nghệ sĩ (81 Trần Quốc Thảo, TP.HCM) đã diễn ra buổi trò chuyện về cuộc đời và văn nghiệp nhà văn Sơn Nam, nhân dịp ra mắt hai tác phẩm mới. Tập Đi và ghi nhớ là những bài viết của Sơn Nam từng in trên tạp chí Xưa & Nay; tập Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ là những bài viết của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp viết về ông.
1. Sinh thời, nhà văn Sơn Nam được yêu mệnh gọi là "ông già Nam bộ". Đất Nam bộ của Sơn Nam hoang sơ màu thần thoại, với những tích xưa, những dòng lịch sử đã tạo nên sức hấp dẫn của vùng đất phương Nam này. Sơn Nam lần hồi theo dấu chân lưu dân đi mở đất, ghi lại các phong tục, hồi tưởng lại một nơi chốn.
Tập Đi và ghi nhớ nói lên được hai đặc điểm trong phong cách viết của Sơn Nam, chú trọng vào sự điền dã, "cận nhân tình", như các bài Đám cưới thời xưa, thời nay, Cá tính dân Sài Gòn qua địa lý, Mâm cơm Tết Nam bộ… Từ một đám cưới, từ một mâm cơm luận ra được nết người, nết đất của một vùng trù mật, của một đời sống tinh thần phong phú hơn nhiều so với vài nét của đa phần công chúng phác họa đơn thuần bằng mấy từ "thuần hậu", "cần cù".
Sơn Nam luôn chú trọng vào sự điền dã. "Phải sống trong bầu không khí miền biên giới Châu Đốc, Long Xuyên để tưởng tượng khung cảnh hồi sáu bảy mươi năm về trước" - trích Một hình thức ca dao miệt Hậu Giang.
Còn đây là một đoạn trong bài Thực chất và biến dạng của các món ăn Nam bộ: "Tùy địa phương, lựa loại cá nào rẻ nhất mà mua, như cá tra sông rạch thiên nhiên hoặc cá lóc ở đồng ruộng, nước ruộng có chút ít phèn, ngon đặc biệt là cá ở rừng tràm. Cá lóc to con quá, thịt có thớ, không ngon; ngược lại, cá còn non thịt ăn nhão. Cá tra, cá bông lau, lựa con không quá lớn. Cá ba sa có 3 lớp mỡ sa ở bụng, mỡ nhiều nhưng ăn không ngán như mỡ heo".
Sơn Nam thường chi li như thế, cái chi li chỉ có được khi người viết chú tâm quan sát cả những chuyện tưởng là vụn vặt thường ngày, vậy mà cũng khám pha rất nhiều điều thú vị. Chi li mà hấp dẫn, đọc lên mà ngỡ mâm cơm canh chua cá kho tộ đang bày trước mặt, tưởng tượng cái mùi hương thoảng qua.
Cái thú đọc Sơn Nam đôi khi không phải tìm một thông tin, nhặt nhạnh một giai thoại, mà để tận hưởng cái thi vị của sự cà kê rề rà, như thể cuộc đời chưa xoáy đảo điên cuồng và quá vãng vẫn còn ngự trị nơi đây, trên một thời bình yên đến độ người ta còn có thể nhẩn nha đọc một quyển sách nói về cách một món ăn dân dã được chế biến như khi ông viết về món Giang Nam dã hạc từ nguyên liệu đến cách ăn…
2. Có lẽ vì thế mà văn nghiệp đồ sộ, hàng chục đầu sách nói chuyện từ những anh hùng chọc trời khuấy nước đến hòn đá, gốc cây. Vạn sự trong mắt Sơn Nam đều quan trọng, cuốn hút, làm ông say mê, đều cảm thấy một sự ràng rịt.
Chính vì tình cảm ấy, mà dù nửa đời luân lạc, ông nhận được tình yêu thương từ gia đình, bè bạn, nhất là qua lời kể của con gái nhà văn - cô Đào Thúy Hằng, mới thấy hết cái tình nghĩa của vị khách văn chương lãng du trong miền Nam bộ.
Trên "bước giang hồ" ấy ông hạnh ngộ những mối giao tình, những tình bạn vong niên với Lý Lan, Võ Đắc Danh, Ngô Khắc Tài, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Lam Điền… những bằng hữu, gom góp những kỷ niệm với Sơn Nam đã hình thành tập sách Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ.
Tập sách gom các góc nhìn, các giai thoại theo thời gian nhuốm màu huyền ảo trong tác phẩm Sơn Nam, rồi ông cũng trở thành huyền thoại của hè phố, của những nẻo phù sa, của kênh rạch, của đất miền Tây mênh mông đủ lớn và đủ chân thành để chứa đựng những điều bình thường mà thú vị.
Chỉ có đôi khi trong huyền thoại Sơn Nam lẫn chút nét buồn của kẻ tha phương, không có áo gấm về làng, như trong dòng hoài niệm Lý Lan: "Hai mươi lăm năm trước, tôi theo ông đi ngang chỗ này, ông chỉ vào ngọn rạch mịt mùng nói "quê nội trong đó". Tôi hỏi ông có muốn ghé qua nhà không. Ông im lặng để mặc cho chiếc vỏ lãi chạy tới, rồi nói khẽ: "Không có tiền về làm gì?"."
Tuy khó khăn, nhưng Sơn Nam lúc nào cũng sẵn một lòng hào sảng, "kiến nghĩa bất vi vô dũng giả". Trong hồi ức của nhà văn Ngô Khắc Tài, có lần "ông già Nam bộ" lấy tiền đãi giáo viên một bữa, lúc ông ghé qua khu tập thể và thấy hoàn cảnh khó khăn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập NXB Trẻ, một nhà xuất bản của Mỹ đã ngỏ lời muốn dịch và xuất bản Hương rừng Cà Mau bằng tiếng Anh. Một văn nghiệp như thế, kể ra là đáng ao ước với nhiều người cầm bút. Dù cuộc đời Sơn Nam, nói như cô Đào Thúy Hằng là "tha phương cầu thực", nhưng tình văn chương, tình bạn đọc hôm nay thì vẫn giống còn nhà văn Sơn Nam hiện diện ở đây.
Nghĩa tình với quê hương còn nhận ra qua hai câu thơ của Sơn Nam, mà chính ông thường ngâm nga: "Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê". Mới đó mà hạt bụi đã 15 năm nghiêng mình… xa cố hương.
Quỹ Sơn Nam
Nhân dịp ra mắt 2 cuốn sách, Quỹ Sơn Nam đã trao tặng 24 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các em nhỏ là con nuôi và con đỡ đầu của đồn biên phòng Lũng Cú.