Chào tuần mới: Về quê ăn Tết!
Chúng ta vừa được chứng kiến một cảnh tượng quen thuộc vào dịp giáp Tết. 2 ngày cuối tuần vừa qua, những dòng người đang liên tục đổ về bến tàu bến xe, ken chặt trên những cửa ngõ ra khỏi thành phố, rồi cứ thế tuôn dài mãi trên những trục đường.
Mà đó mới chỉ là 2 ngày cuối tuần. Vài hôm nữa, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ tối 28 âm, dòng người ấy sẽ còn đông hơn gấp bội, với sự có mặt của học sinh, sinh viên và những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Cùng nhau, họ đang bắt đầu hành trình về quê ăn Tết…
Dòng chảy "về quê ăn Tết" ấy vẫn diễn ra đều đặn từ hàng chục năm qua, để rồi liên tục dần lớn theo thời gian. Bởi, xã hội càng phát triển, sức hút từ các đô thị càng lớn thì càng có nhiều người không có dịp được làm việc hoặc học tập trên quê mình.
Có nhiều lý do để người ta phải xa quê. Người phải tính chuyện mưu sinh. Người vì ước mơ, hoài bão khi chọn học hành ở nơi xa xứ. Người vì cơ hội cho công việc... Thế nhưng, vào dịp cuối năm, khi câu hỏi "đi đâu trong kỳ nghỉ Tết" đặt ra, chắc chắn 4 chữ "về quê ăn Tết" vẫn thường trực hiện ra trong suy nghĩ của họ, như một lựa chọn cơ bản và quan trọng nhất.
Có thể bây giờ, nhu cầu đi chơi và nghỉ dưỡng trong dịp Tết đang dần lan tỏa. Nhưng, nếu đi du lịch ngày Tết không chỉ dành cho lớp trẻ năng động thì đồng thời, về quê ăn Tết cũng không phải chỉ có những người nệ cổ ở tuổi trung niên.
Chắc chắn trong tương lai, ở cuộc "bỏ phiếu" tự thân của mỗi người dịp cuối năm, việc đi chơi vẫn khó có thể lấn át xu hướng về quê ăn Tết của cộng đồng. Bởi, đơn giản, Tết cổ truyền Việt Nam luôn được mặc định là cái Tết của đoàn viên - sum họp.
Và, phía sau lựa chọn ấy còn là cách mỗi người tự tìm lại những cảm xúc đã có về Tết từ khi còn nhỏ, cũng như về không gian thân quen gắn với mọi hoài niệm của mình. Xa càng lâu, cuộc trở về ấy càng có thêm những ẩn số nhuốm màu thời gian đang chờ phía trước.
Ngày Tết, xa quê thì về quê, xa nhà thì về nhà. Đơn giản là vậy! Dù cảnh chật chội, ùn tắc cuối năm có làm khổ những người trong cuộc đến thế nào, thì ga tàu, bến xe hay những cửa ngõ ra khỏi thành phố vẫn chính là hình ảnh để chúng ta hiểu cái Tết đang đến gần với sự rộn ràng, hối hả ra sao.
Và cũng chẳng lạ, khi có nhà văn nói rằng trong suốt một năm, giáp Tết là khoảng thời gian kỳ diệu để đánh thức sự lãng quên ở mỗi con người. Khi ấy, nỗi nhớ thương trong chúng ta bỗng dâng cao hơn hẳn mọi ngày khác.
Chẳng phải ngẫu nhiên, mấy ngày qua, trong cảnh "hồi hương" vội vã cuối năm, mấy câu thơ của tác giả trẻ Hồ Dương Mộng Tuyền lại được chia sẻ trên không gian mạng nhiều đến vậy: "Con đi qua trăm bể/ Mơ một triệu mùa Xuân/ Cuối cùng nơi muốn đến/ Lại là nơi đã từng".