Đọc 'Người Việt nói tiếng Việt': Mỗi ngày sống là một ngày điền dã
Cho dù mục lục sách Người Việt nói tiếng Việt của Nguyễn Quang Thọ nối nhau hơn 500 thành ngữ, tục ngữ, và dưới tiêu đề còn phụ đề "Sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa" thì người viết bài này vẫn cho rằng, nếu đọc Người Việt nói tiếng Việt chỉ như là giải mã một chuyện luận khoa học ngôn ngữ thì đọc chưa kĩ, chưa hết! Đó còn là một tác phẩm văn chương. Những trang văn được "sợi chỉ" thành ngữ, tục ngữ ngữ xâu chuỗi lại, đóng thành sách.
1. Cầm sách này, người đọc theo các nẻo thành ngữ, tục ngữ, du khảo vùng đất Hà Nội 36 phố phường, bắt đầu từ điểm "chính hiệu con nai vàng" (tr.154) và biết "Thời còn thuộc Pháp ở Hà Nội có một hiệu thuốc cam trẻ em rất nổi tiếng với nhãn hiệu con nai vàng. Khi nhà có trẻ bị bệnh người ta tìm mua bằng được thứ thuốc cam chính hãng ở phố Hàng Bạc" (nơi có rạp Chuông Vàng của cặp tài sắc cải lương Kim Xuân - Mồng Dần).
Từ đây bạn đọc rẽ qua Tạ Hiện nghe "hét như ông tưởng Quảng Lạc" ở sân khấu tuồng tọa lạc nơi này, và "trong các vở diễn của gánh hát này các ông tướng đều "hét ra lửa" (tr.32).
Từ Tạ Hiện qua nhà ga xe điện đầu Cầu Gỗ là ra Hồ Hoàn Kiếm, ta nhảy tàu điện chợ Mơ "đi cây đa Nhà Bò" ( tr.265) trên phố Lò Đúc, nơi "có mấy cây đa cổ thụ bọn cò kéo về làm tổ rất đông", "có một bệnh viện phụ sản người ta quen gọi là nhà thương cây đa Nhà Bò"; "Người đi đẻ thường mang theo lỉnh kinh nhiều thứ nên trông lôi thôi luộm thuộm…"trông như "đi cây đa Nhà Bò". Vậy mà "không tác giả nào đưa hai thành ngữ này vào từ điển, mặc dù nếu hỏi lại, có thể có ai đó đã chào đời ở Cây đa Nhà Bò".
Lại nhảy xe điện ngược lên Bờ Hồ, tìm nơi tác giả Nguyễn Quang Thọ từng có trải nghiệm kinh hoàng tới mức "cho ăn kẹo cũng không dám" nữa (tr 36). Ông kể: "…hồi chừng 6,7 tuổi. Đêm Quốc khánh, mấy đứa nhóc bạn tôi rủ nhau lên Bờ Hồ xem bắn pháo hoa. Tàn cuộc người đổ túa ra các ngả đường, chen vai thích cánh, cứ xô nhau mà đi. Mấy đứa chúng tôi xuýt bị "chen bẹp ruột". May sao có mấy anh thanh niên nhận ra tình huống hiểm nghèo. Họ đứng quây lại thành một vòng tròn che chở cho chúng tôi, mặc dòng thác người cứ quần quận chảy, nhồi đập. Thoát chết tôi chỉ kịp nhìn xuống chân thấy một hàng đinh dành cho người đi bộ. Ngẩng lên thì các anh ấy đã đi rồi".
Người Hà Nội vậy đó, biết xếp đội hình sống đẹp, chứ không chỉ sống khôn, "nhà mặt phố, bố làm quan" như một thành ngữ đúc kết ở tr.82 sách này.
2. Đúng là "cũ người mới ta" (tr.42)! Đọc Người Việt nói tiếng Việt tôi mới biết, Hà Nội có suối nước nóng lộ thiên dành cho con em nhà nghèo.
Tác giả kể: "Nhà tôi ở phố Châu Long, chỉ cách Nhà máy Điện Yên Phụ có một dãy phố Cửa Bắc, cách hồ Trúc Bạch cũng chỉ một dãy nhà. Mỗi lần nhà máy điện xả nước qua cái cống phía sau Câu lạc bộ nhà máy là bọn trẻ chúng tôi có thể tắm nước nóng miễn phí giữa mùa Đông".
Lũ trẻ vừa tắm vừa săn cá úi, thứ cá vật vờ trên mặt nước chờ lên thớt, vào nồi: "Cá lớn cá bé cá mẹ cá con cứ nhao lên ngáp dưỡng khí. Những đứa lớn bơi giỏi thì cầm đinh ba bơi ra đâm, được cả thùng tô nô. Ăn không hết, bán không hết thì làm mắm. Đứa nhỏ mà nhát như tôi thì chỉ lặn xuống mò những con đã chết chìm, nhưng chưa kịp thối, cũng được tí chất tươi".
"Ở gần nhà máy điện chỉ ghét mỗi tội nhiều bụi. Bụi rơi rào rào ngày đêm, nhà nào cũng bẩn, cũng nhơm nhếch. Nhưng được cái xỉ than thải ra hồ lại đem về cho dân chúng nguồn chất đốt. Thứ than bùn múc từ dưới lòng hồ được nặn thành bánh, rẻ hơn than đá, lại đỡ hại nồi. Ngồi trong lớp học, nhiều lần tôi đãng trí, chỉ mải ngắm những chiếc thuyền vớt bùn khi mờ khi tỏ trong làn sương mù sáng mùa Đông. Hồi bọn Mỹ ném bom Hà Nội, cả khu vực Châu Long, Ngũ Xã phải đi sơ tán vì sợ nhà máy bị ném bom. Bom rơi, đạn lạc biết đâu mà lường. Được cái may là cả khu phố đã xám màu bụi than, khỏi cần phải ngụy trang".
Đã đành trang "cũ người mới ta" mở ra một cửa sổ lịch sử cho những ai chưa được khỏa mình trong suối nước nóng kia, nhưng dòng sử liệu chất thải này có mất đi, người Hà Nội cũng chẳng nên tiếc!
Nếu "cũ người mới ta" có thể coi là một hồi tưởng mang chất tản văn, thì ở trang 40 Người Việt nói tiếng Việt, tác giả nối vài ba thành ngữ, tục ngữ các kiểu, để có cho bạn đọc một "truyện cực ngắn" độc đáo, với một số đông nhân vật vô danh và một ông thủ trưởng. Truyện có mô tả khuôn mặt nhân vật, có nhịp điệu ngôn ngữ dồn dập khi muốn đẩy truyện lên cao trào.
Truyện ấy tên là "Vợ ở mô thủ đô ở đó" (tr.40). Chuyện rằng: "Từ điển thành ngữ Việt Nam thâu nạp Mắt thứ hai tai thứ bảy, một thành ngữ rất hay. Chợt nhớ một thời nhiều anh làm ở Hà Nội, nhưng có vợ ở nhà quê. Vợ ở mô thủ đô ở đó. Những anh này chỉ mong tới ngày thứ bảy […] để lên đường về "thủ đô". Cái quy trình cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ, vồ phiếu gạo, cạo râu, tâu thủ trưởng… của họ không biết có được coi là thành ngữ hay không"?
"Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều" - tác giả Nguyễn Quang Thọ.
3. Nhìn rộng ra ngoài giới hạn địa lí Hà Nội, hướng vào đời sống dân Việt, sách Người Việt nói tiếng Việt giúp bạn đọc sống lại, sống kĩ những từ khoá cơ bản của một đời người theo quan niệm dân gian, làm thành chuỗi "tứ khoái" - ăn, ngủ, giao hoan và bài tiết. Bắt đầu từ chữ "ăn":
Dân Việt từng được ăn "ngon nứt nách" (tr.137) "Ngon quá, cứ đưa tay lấy hoài làm cái nách đau nhức"; từng phải ăn lấy được, ăn thí dụ, ăn cho qua cái đói bằng món "mì không người lái" (tr.21) thời "ở một số cửa hàng ăn tại Hà Nội [thời chống Mỹ] có bán loại mì này, tô mì có "chạy qua hàng thịt" thì gọi là "mì có người lái". Loại mì nấu suông thì dân ta gọi là "mì không người lái".
Trong cái khoái thứ nhất này, thành ngữ, tục ngữ không quên những kẻ phàm phu tục tử, không phân biệt được "sống để ăn" hay "ăn để sống" cứ ngấu nghiến "ăn giầy, ăn tất, ăn cả đất chung quanh", "ăn không từ một thứ gì của dân" (tr.65).
Từ miếng ăn nghĩa đen, chuyện qua nghĩa bóng để trong sách Người Việt nói tiếng Việt xuất hiện thế trận "ăn cơm Bắc đánh giặc Nam" để đối phương kinh hoàng…
Theo hướng đi tìm xuất xứ của nhiều thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, tác giả có dịp đưa vào sách cuả mình nhiều câu chuyện văn nhân, khi thì như một giai thoại văn nghệ sĩ, khi như một đính chính văn liệu. Ở tr. 36 kể chuyện "rửa tay gác kiếm", liên quan tới danh họa người đức E.O Plauen người "… từng vẽ một họa sĩ vô danh đứng đái, đái mà vẽ thành hình chữ thập ngoặc của Đức quốc xã. Tác phẩm ấy được in trên một tờ tuần báo. Ông không bị "bắt quả tang"nhưng một thời gian sau thì bị tống giam theo lời tố cáo của một gã hàng xóm". Ông bị giết vì cái chữ khai mò viết bằng thứ mực hạng bét dành cho bọn sát nhân kia!
Qua chuyên văn nhân, tác giả muốn bạn đọc của mình trong khi nói tiếng Việt, đừng quên ghi công cho đại thi hào Nguyễn Du khi ông đưa vào kho từ vựng nước nhà thành ngữ "chết đứng như Từ Hải" (tr.303); ghi công thi sĩ Vũ Hoàng Chương dám tự nhận "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ" (tr.33); ghi công thi sĩ Đỗ Trung Quân người bằng thành ngữ, đã định nghĩa "quê hương là chùm khế ngọt" và cả một thế hệ hát ca (tr.48).
4. Ở bìa 4 sách này, tác giả Nguyễn Quang Thọ bộc bạch: "Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã".
Người viết bài đã say sưa "điền dã" qua hơn 300 trang Người Việt nói tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2023) để có thêm hiểu biết về tiếng mẹ đẻ, đặng mà có dịp thì "để Mỵ nói cho mà nghe", cùng nói với cô người tình của chàng A Phủ, người đã mang vào sách này một thành ngữ (ở tr. 164) thật dễ nghe - "để Mỵ nói cho mà nghe"!
Nguyễn Quang Thọ sinh 1949 tại Nam Định, có thời học sinh ở Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đức, trường Đại học Tổng hợp Leipzig, Cộng hòa dân chủ Đức. Từng nhập ngũ và đánh giặc thời chống Mỹ. Từng làm báo. Hiện sống ở TP.HCM.