Đừng đợi tiếc thương
Sophia thân mến! Tuần qua, Netflix vừa công chiếu bộ phim Persona: Sulli gồm một phim ngắn có cố nghệ sĩ Sulli đóng chính, 4: Clean Island, và một phim tài liệu mang tên Dear Jinri.
Hẳn Sophia còn nhớ, năm 2019, làng giải trí Hàn Quốc chấn động với tin ca sĩ thần tượng Sulli tự sát. Năm đó, cô mới 25 tuổi. Trước đó, cô có một khoảng thời gian dài chịu bạo lực mạng, nhiều lần cô nói mình bị trầm cảm nhưng đã không được lắng nghe.
Sulli không phải là nghệ sĩ đầu tiên cũng không phải là nghệ sĩ cuối cùng của Hàn Quốc tự sát vì trầm cảm khi tuổi đời còn rất trẻ.
Với tầm ảnh hưởng toàn cầu của "Làn sóng Hàn" trong thời hiện đại, cái chết của Sulli không chỉ tác động đến làng giải trí Hàn Quốc mà còn gây được hiệu ứng dư luận quốc tế rất lớn. Một đạo luật được Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc đưa ra bàn bạc, trong đó bắt buộc người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm với bình luận của mình. Nhưng rồi đạo luật này đã không được thông qua.
Bốn năm sau khi Sulli qua đời, với bộ phim tài liệu được phát hành toàn cầu, lần nữa, dư luận lại được biết thêm góc khuất, suy nghĩ của những người thuộc giới giải trí. Ở đó, độ nổi tiếng đi kèm với thị phi, mọi hành động tưởng chừng bình thường đều bị đặt dưới ánh mắt phán xét. Có ý kiến cho rằng đã làm nghệ sĩ thì phải chấp nhận những điều đó. Nhưng sự chấp nhận ở đây chỉ nên dừng lại ở việc đón nhận những phê bình góp ý đúng vấn đề, mang tính xây dựng hơn là moi móc, dựng chuyện hay lăng mạ.
Sophia thân mến!
Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội cung cấp cho con người công cụ để dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, để bản thân ẩn danh đằng sau màn hình máy tính hay điện thoại không làm ta vô can mà trái lại, mỗi cá nhân phải cẩn trọng hơn với mọi hành xử của mình.
Sophia cũng thấy đó, những năm gần đây, văn hóa giao tiếp trên mạng xã hội ở nước chúng tôi luôn là vấn đề báo động. Hiện nay, những người nổi tiếng, phần lớn là người trong giới giải trí, đang chịu nhiều tin đồn thất thiệt, những bình luận ác ý, mà nhiều khi người bình luận xem đó là chuyện hiển nhiên.
Pháp luật đã có những công cụ nhất định để điều chỉnh hành vi này. Tuy nhiên, lo sợ bị pháp luật xử lý là một lẽ, một cộng đồng phát triển lành mạnh khi mỗi cá nhân tự có ý thức ứng xử văn hóa, văn minh, thứ tối thiểu mà mỗi người cần trang trị trong thời buổi giao tiếp toàn cầu.
Những bộ phim như Persona: Sulli ra đời vào thời điểm này, vừa là lời tưởng niệm vừa là tiếng kêu thống thiết của nạn nhân đã và đang chịu bạo lực mạng. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội.
Sophia biết đó, những trường hợp như Sulli vẫn còn là câu chuyện ở Hàn Quốc hay đâu đó trên thế giới, nhưng không có gì đảm bảo rằng, những câu chuyện tương tự sẽ không xảy ra ở quanh ta. Đừng đợi đến khi có một trường hợp thương tâm mới làm ta suy ngẫm. Mỗi cá nhân tự giác và góp tiếng nói bảo vệ các nạn nhân bị bạo lực mạng chính là đang bảo vệ một môi trường lành mạnh, tiến bộ cho bản thân và các thế hệ con em chúng ta.