Hội họa Nguyễn Cương - Khởi đầu từ 'Xưởng đóng tàu Hải Phòng'
Có không ít họa sĩ Việt Nam của thế kỷ 20 cống hiến cả đời cho nghệ thuật nhưng không có được một tài liệu hệ thống lại. Chỉ mới vài chục năm trở lại đây, những cuốn sách nghiên cứu về các nhân vật như thế mới được thực hiện do các nhà phê bình/ nghiên cứu mỹ thuật, các sưu tập, nhà báo viết về mỹ thuật. Họa sĩ Nguyễn Cương, người nổi tiếng với bức Xưởng đóng tàu Hải Phòng đã được dựng lại chân dung và nghệ thuật qua cuốn sách vừa ra mắt sau 10 năm ông từ biệt cuộc đời.
Cuốn sách nghệ thuật Nguyễn Cương được nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt kết hợp cùng gia đình họa sĩ về tư liệu để thực hiện. Tác giả khai thác mọi góc cạnh của đời sống cá nhân của một con người để đem đến hình dung chân thực nhất cho độc giả về cuộc đời họa sĩ theo chiều dài của lịch sử cá nhân trong lịch sử đất nước.
Bên cạnh đó, phần quan trọng- quá trình hoạt động nghệ thuật, những tác phẩm và giá trị của tác phẩm mà họa sĩ để lại - được hệ thống, phân tích cụ thể ở nội dung chung và một số bức tranh tiêu biểu mà nhà phê bình lựa chọn, cũng như chính họa sĩ từng tâm đắc nhất lúc sinh thời.
Từ "Xưởng đóng tàu Hải Phòng"
Nghệ thuật hội họa của Nguyễn Cương vô cùng phong phú đến nỗi khi viết về ông, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt mất 1-2 tháng "không biết phải bắt đầu từ đâu". Nguyễn Cương là trường hợp mà "phong cách nghệ thuật phức tạp nhất" mà ông Quang Việt từng chắp bút. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Cương vẽ khoảng 500 bức tranh bao gồm tranh sơn mài và sơn dầu. Ngoài hội họa giá vẽ ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và ít nhiều thực hành điêu khắc.
Nguyễn Cương sinh ra ở Hải Phòng trong một gia đình nông dân nghèo, không có ai theo nghệ thuật. Nhưng đúng như nhà nghiên cứu Quang Việt có viết: "Ông đi vào hội họa là do thiên tư, không hẳn là một thiên tư thường, mà là một thiên tư đã được hun đúc bởi thành phố quê hương và cuộc sống… chỉ chờ một điều kiện, một cơ hội, một điểm lóe sáng để khởi đầu ước mơ và hoài bão nghệ thuật của mình".
Học khóa 13 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đúng trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Nguyễn Cương nổi tiếng từ thời còn đi học với bức tranh tốt nghiệp Xưởng đóng tàu Hải Phòng trên chất liệu sơn mài, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ bậc thầy Nguyễn Đức Nùng. Hiện tranh thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đây là tác phẩm mang đậm phong cách hội họa Nguyễn Cương ở giai đoạn sớm - và phần nào trước ngưỡng cửa chuyển tiếp, khi người họa sĩ sắp bước ra khỏi trường lớp để bắt đầu phải suy tư về tính cá nhân nhưng cũng vẫn thể hiện rõ những "thiên tư", tình cảm trong sáng với nghệ thuật tự thân.
Nhà phê bình Quang Việt nhận định rằng Xưởng đóng tàu Hải Phòng được xây dựng khá bài bản, mang dấu ấn phong cách hiện thực hàn lâm: Chủ đề rõ, nghiên cứu sâu, hình rất thực, phong phú và sinh động, các nhóm nhân vật được đặt trên nhiều lớp cảnh xa gần, cao thấp, liên kết dọc ngang nhịp nhàng… tạo nên một cấu trúc sơ đồ vững chắc. Tác giả hầu như chỉ sử dụng mấy màu gốc của sơn mài truyền thống như đen, cánh gián, và vàng phủ hoàng kim để vẽ trên nền bạc, mà vẫn diễn tả được mọi sắc thái tương phản về đậm nhạt, sáng tối, nóng lạnh, trong đục; các đường tiếp giáp khi mềm khi cứng, cùng những hình diện gợi đầy tính xúc giác đặc trưng cho một quang cảnh công nghiệp. Ở đây, sự giản dị, vẻ tự nhiên và khoáng hoạt tựa như chỉ có ở một bản phác thảo được thực hiện trực tiếp trước cuộc sống lao động, và đó chính là giá trị độc đáo mà bức tranh đã đem lại".
Xưởng đóng tàu Hải Phòng của họa sĩ Nguyễn Cương tuy được vẽ trong một khổ tranh không lớn (70 x 100 cm là khổ tranh trung bình trong các bài vẽ của nhà trường) nhưng lại tái hiện được một khung cảnh lao động sản xuất hào hùng. Trên chất liệu sơn mài, bức tranh được đẩy lên kịch tính với sắc vàng của lửa, của cơ thể người đứng ngược sáng, và những khung gỗ, sắt của con tàu càng trở nên khổng lồ, chai lì, bao phủ bức tranh bằng những gam màu nâu bạc đơn sắc. Bút pháp hiện thực lãng mạn, mang khí phách hào hùng của Nguyễn Cương về đề tài xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trong bức tranh này rất gần với những họa sĩ thế hệ đàn anh như Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Khang… nhưng có phần giản dị và trầm lắng, góp một điểm sáng vào hội họa thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Không dừng ở Xưởng đóng tàu Hải Phòng, nhìn lại sự nghiệp của Nguyễn Cương, có thể thấy, phong cách hội họa của ông trải dài từ hiện thực đến biểu hiện, siêu thực và những sự chuyển giao phức tạp giữa các giai đoạn, các chủ đề, chất liệu. Nhưng cuối cùng, chỉ xin nhắc lại một đoạn đáng ghi nhớ mà nhà nghiên cứu Quang Việt viết về bước đường đầu trong hội họa của ông. "Kể từ đây, cuộc sống bắt đầu thu hút đôi mắt ông, và bắt đầu được ông ghi lại những trang hình tâm tình qua những nét "bút máy công tác", thể hiện một cách chân phương những gì bình dị nhất, xung quanh ông, từ hoạt động nghiệp vụ và sinh hoạt của người lính, chân dung bà cụ, em bé, cho đến những cái cây, góc nhà, những cảnh sinh hoạt đồng quê, con bò, con gà, những chiếc xe cải tiến… xen lẫn trong những ghi chép nội dung công tác… tất cả gộp lại tựa như một "văn bản" cam kết của ông dành cho nghệ thuật và cho hội họa".
"Ở bức Xưởng đóng tàu Hải Phòng, sự giản dị, vẻ tự nhiên và khoáng hoạt tựa như chỉ có ở một bản phác thảo được thực hiện trực tiếp trước cuộc sống lao động, và đó chính là giá trị độc đáo mà bức tranh đã đem lại" – nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt.
Nguyễn Cương qua con mắt những người bạn
Thật khó để hình dung ra toàn diện nhân cách Nguyễn Cương qua hội họa. Bởi lẽ hội họa của Nguyễn Cương đa sắc thái, nhiều trường phái và phong phú về nội dung. Ông không gắn mình vào một phong cách cố định nào như nhiều họa sĩ hiện đại và đương đại khác. Nhưng vì thế, đó là một sự chân thực tuyệt nhiên thuyết phục người xem. Bởi nó thể hiện sự phong phú trong suy tư, trong đời sống cá nhân giữa một hoàn cảnh lịch sử phức tạp, và hơn hết nó thể hiện sự dám nghĩ dám thử, và không ngừng thay đổi của người họa sĩ.
Bên cạnh hội họa của Nguyễn Cương, người xem hôm nay còn được thấy những lời kể về con người, tính cách và cuộc sống của ông qua bức thư của một người bạn được sưu tầm và in lại, qua những hồi tưởng xúc động của những người bạn đến dự buổi ra mắt sách chiều 16/12.
Bức thư của người bạn Quang Tuyến "viết trong một cuộc họp đại đội" đề ngày 14/3/1968 có đoạn: "Tôi không phải là một nhà thơ, mà cũng không phải là một nhà văn để ca ngợi hết cái hay, cái tốt của cậu được. Cương quý mến! Vì sao tôi lại nói như thế, vì riêng tôi thấy cậu có một tâm hồn thơ mộng lâng lâng".
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (sinh năm 1941) nghẹn ngào kể về quãng đời sống cùng người hàng xóm, người đồng nghiệp trong khu tập thể khi đất nước còn khó khăn. "Khi vẽ được bức tranh đẹp, anh hay gọi tôi sang để ngắm, bàn luận với nhau. Khi tôi làm được bức tượng đẹp tôi cũng gọi anh sang xem… Anh ấy là người sống chết với nghề! Tuy anh ấy rất vụng về trong đời sống thực nhưng nghệ thuật của anh thì tinh lắm, rất nhạy cảm, thông minh…"
Bên cạnh đó, còn rất nhiều những người bạn già đến dự buổi ra mắt sách, ai cũng muốn phát biểu đôi lời về tình bạn, tình đồng chí với họa sĩ, tất cả họ để lại một bức chân dung về Nguyễn Cương: một người đàn ông kiệm lời, giản dị, chân thành, tình cảm, có một tâm hồn đầy chất thơ, một địa hạt nghệ thuật rộng lớn của riêng ông.
Vài nét về họa sĩ Nguyễn Cương
Họa sĩ Nguyễn Cương sinh ngày 2/1/1943 tại Hải Phòng. Năm 19 tuổi ông vào quân ngũ và giữ chức Đài trưởng vô tuyến điện. Từ năm 1969 đến năm 1974, ông học khóa 13 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đúng trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc.
Ông từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, mở lớp bồi dưỡng hội họa, đi vẽ tại chiến trường, phục vụ nghệ thuật quân đội… Năm 1980, bức tranh sơn mài Những cô gái thông tin được Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Sau đó ông đi học cao học tại Đại học Mỹ thuật Budapest (Hungary) và có một triển lãm cá nhân rất thành công tại đây.
Năm 1984, sau khi kết hôn với bà Nguyễn Thị Lâm, ông bà sinh được hai người con gái. Ông giữ chức Phó giám đốc rồi Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội cho đến khi nghỉ hưu năm 1991. Từ đây, ông chuyên tâm sáng tác hội họa với các đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, chân dung, thiếu nữ, sinh hoạt, phong cảnh, hoa, tĩnh vật, bố cục siêu thực, bán trừu tượng và trừu tượng…
Họa sĩ Nguyễn Cương mất năm 2014 tại Hà Nội.