Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 1): Chiếc quan tài làm từ nửa con thuyền độc mộc
Sau loạt bài về thế giới trẻ em Đông Sơn, chúng ta sẽ cùng bắt đầu đến với thế giới người lớn Đông Sơn. Đương nhiên, phân chia đầu tiên là phân chia giới tính. Nếu trong thế giới trẻ em việc phân định giới tính còn khó khăn cả về xương cốt, hình thể, cả về tùy táng và đồ chơi, thì ở người lớn điều đó có một số lối thoát.
1. Trước hết, điều này có được nhờ khác biệt về xương cốt, và sau đó là những suy diễn chủ quan dựa vào kinh nghiệm dân tộc học - mà nhiều khi sai sót khá lớn. Ví dụ, trang sức đặc trưng cho phụ nữ là sai tới 80%. Tóc dài là phụ nữ thì độ sai cũng tương đương như vậy, người thấp nhỏ là nữ, người mang vũ khí là nam cũng không phải khi nào cũng đúng...
Vì vậy trong câu chuyện "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" kỳ này, tôi sẽ dành thời gian phân tích khả năng và kỹ năng khảo cổ học phân định 2 nửa quan trọng của thế giới người lớn này. Sau đó, khi đã định nam, nữ sẽ phân định họ theo khoảng tuổi: Thanh niên, trung niên và lão niên, dựa vào độ mòn của răng, hàm và các khớp liền xương là chính. Chỉ khi phác dựng được quần thể người như vậy thì các đồ dùng, vũ khí và hình trang trí… mới có chủ nhân thực sự.
Nhiệm vụ nghiên cứu một tập hợp người tương thích với một tập hợp đồ tương ứng văn hóa khảo cổ như văn hóa Đông Sơn khá nặng nề. Nhất là, với ham muốn đi xa hơn để làm rõ nhóm người này với đặc trưng lối sống, táng thức và đồ họ thường dùng thế này thì liệu họ có cùng chủng tộc và nói loại ngôn ngữ nào? Tổ tiên họ là ai và họ sẽ là tổ tiên của ai sau đó…? Đó là những nhiệm vụ vô cùng tinh tế và phức tạp. Tuy nhiên, cái đích của khảo cổ cũng là nhằm đến đó, bằng tư liệu và các phương pháp tiếp cận chuyên ngành của mình.
Loạt bài "Thế giới người lớn Đông Sơn" này sẽ tập chung phác dựng cho các bạn những nét cơ bản về hình thể, chân dung, trang phục, ngành nghề, đồ dùng, sức sống, cặp đôi, gia đình, thủ lĩnh, thầy cúng và cộng đồng…Những ham muốn lớn hơn về ngôn ngữ, tộc người, dòng họ… khi bắt gặp tài liệu chắc chắn tôi sẽ không bỏ qua và cùng các bạn "nhào vô" ngay.
Trong bài mở đầu này, tôi muốn kể về một số trường hợp cụ thể mà khảo cổ học nói chung và bản thân tôi đã nghiên cứu thế giới người lớn trong thời Đông Sơn và tiền Đông Sơn.
2. Trước tiên, hãy bắt đầu từ ngôi mộ người đàn ông trong chiếc quan tài làm từ nửa chiếc thuyền ở Động Xá (Kim Động, Hưng Yên).
Năm 2004, tôi chủ trì đề tài Khảo cổ học Vải sợi Đông Sơn, đã cùng Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học) và các chuyên gia khảo cổ của Đại học Quốc gia Australia, Bảo tàng Quốc gia Australia thực hiện khai quật tại Động Xá với hy vọng tìm được một ngôi mộ nguyên vẹn để đưa về khai quật trong phòng thí nghiệm nhằm lấy được toàn bộ vải bọc xác và tùy táng chôn theo. Đề tài được Chính phủ Australia và Quỹ Phạm Huy Thông của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tài trợ kinh phí.
Trong đợt đào mương năm 1997, tại đoạn mương dài 300m rộng 10m đã xuất lộ 70 ngôi mộ thời Đông Sơn. Một số chôn trong quan tài thân cây khoét rỗng, một số bọc xác trong các mành vỏ cây đập dập. Xác chết được cuộn vải và cói nhiều lớp. Đồ tùy táng mang theo bên mình chủ yếu là rìu, giáo,thạp, đĩa bằng đồng, một số miếng đồng, chì hay viên chì trộn vụn sỏi, tiền ngũ thù và thảng hoặc có cả trống đồng.
Dựa vào kinh nghiệm đợt đào mương lần trước, chúng tôi đi dọc 2 bờ mương để tìm dấu tích huyệt mộ. Và kết quả đã nhận ra vệt một huyệt mộ lộ sát vách mương vừa được gạt sạch. Ngôi mộ này nằm sát bờ mương xuyên giữa cánh đồng làng Động Xá ngày nay và cũng là ngôi mộ sát làng cổ Đông Sơn Động Xá nhất.
Sau khi làm rõ huyệt mộ, chiếc quan tài để nguyên cả nắp, bọc kỹ đưa về bảo tàng khai quật trong phòng thí nghiệm.
Phủ mặt trên quan tài là một miếng vỏ cây lớn đủ che kín chiều dài 1,9m và chiều rộng 0,7m thay cho nắp quan tài. Sau này khi đã dọn sạch xác, cói, tấm đệm cỏ lót lưng và tùy táng bên trong, chúng tôi nhận ra quan tài là phần đuôi cắt ra của một con thuyền độc mộc đã sử dụng. Phần đuôi thuyền vẫn để nguyên, phần giữa thuyền, khoảng 2,3m tính từ đuôi thuyền, được cắt rời ra, chia con thuyền làm 2 nửa. Người chết được đặt ở nửa đuôi thuyền. Đầu quay về phía mũi thuyền, chân đạp về phía đuôi thuyền.
Ở phần thuyền cắt rời, người ta chế ra 2 tấm ngăn bằng vỏ cây vừa với độ cong và rộng của thân thuyền, tạo ra 2 vách chắn của một hộc đồ chứa tùy táng phía đầu người chết. Trong đó còn nguyên 1 nồi gốm, 1 đĩa gỗ. Trong nồi gốm có 2 mảnh nhĩ bôi sơn then đã không còn nguyên vẹn nữa. Xác chết bó kỹ trong các lớp vải, đặt trên một thảm cỏ bện đan bằng một loại lá mọc trong vùng đầm hồ nước lợ.
Do lễ Giáng sinh và Tết Tây, chúng tôi tạm dừng khai quật bên trong vải liệm. Cả khối bọc xác đó được đưa vào chụp X quang tại Bệnh viện Hưng Yên để nhận dạng xương cốt và tùy táng bên trong trước khi bảo quản trong tủ đông lạnh: Bộ xương người nằm ngửa, tay ôm ngực và chân có đầu gối hơi gấp nhẹ, nghiêng sang bên phải. Hai đồng tiền ngũ thù để ở phần mặt và dưới đùi người chết.
"Thật đáng ngạc nhiên khi ảnh X quang cho thấy rõ hình hài bộ xương, cả hình sọ khá nguyên vẹn. Hóa ra xương đã tan trong đất vẫn đủ bắt sáng tia X quang..." - TS Nguyễn Việt
3. Ba tháng sau, bọc xác đó được khai quật trong một phòng dành riêng của Viện Khảo cổ học (Hà Nội). Tại đây, từng lớp vải được dở ra để nghiên cứu và phân tích thành phần vải sợi, kỹ thuật dệt.
Trước mắt chúng tôi, xác chết không còn chút xương cốt nào, chúng tôi chỉ thu được khoảng chục chiếc răng trên phần mặt. Thật đáng ngạc nhiên khi ảnh X quang cho thấy rõ hình hài bộ xương, cả hình sọ khá nguyên vẹn. Hóa ra xương đã tan trong đất vẫn đủ bắt sáng tia Xquang giúp ta chụp được nguyên hình hài bộ xương.
Tôi bỗng nhớ đọc được tài liệu các chuyên gia Nhật Bản đã dùng thiết bị quét tia cực tím lên mộ đã phân hủy hết xương cốt để hiện lên hình hài xác chết nhờ hàm lượng phốt pho và can xi tan ra vẫn còn trong đất.
Tôi đã đem những chiếc răng hàm về phòng thí nghiệm của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á để đo độ mòn định tuổi và so sánh với các chỉ số thống kê răng nam nữ của Nhật Bản và châu Á, kết quả đã xác nhận xác chết của một người đàn ông trạc 35-40 tuổi. Đó là một người đàn ông khá thấp khi bộ xương trên X quang chỉ được chưa đầy 145cm.
Các chuyên gia Australia đã lấy 5 mẫu hữu cơ để xác định thời điểm người chết được chôn, kết quả đều thống nhất ở giữa thế kỷ 1 trước Công nguyên.Ông thuộc thế hệ ông của Hai Bà Trưng và Thi Sách.Những câu hỏi vẫn đang chờ giải đáp: Tại sao người thân đặt 2 phần nhĩ bôi sơn then trong nồi gốm chôn theo ông? Nửa kia chiếc thuyền liệu có dùng làm quan tài nữa hay không?
Đây là chiếc thuyền Đông Sơn thực sự đầu tiên lại có sử dụng kỹ thuật mộng chốt ghép ván nâng cao mạn thuyền mới chỉ thấy ở vùng Địa Trung Hải thời La Mã. Sau này tôi vớt được một chiếc thuyền có phần đuôi và các chốt mộng nâng mạn thuyền tương tự, tuổi carbon phóng xạ còn sớm hơn, ở thế kỷ 4 trước Công nguyên.
Trong các phần sau, TS Nguyễn Việt sẽ kể tiếp về những trường hợp tiếp theo:
Trường hợp thứ hai: Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội).
Trường hợp thứ ba: Những hài cốt người lớn táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ ở Quỳ Chử và Núi Nấp (Thanh Hóa).
Trường hợp thứ tư: Mộ táng người đàn bà ở Xóm Rền.
Trường hợp thứ năm: Phụ nữ to cao và đàn ống thấp bé ở khu mộ Động Xá (Kim Động, Hưng Yên).
(Còn tiếp)