Giọng ca 'phi giới tính' Trần Tùng Anh: Kết hợp dân gian và giao hưởng sẽ không bao giờ 'lỗi thời'

Sau 5 năm Nam tiến từ cuộc thi Giọng hát Việt 2017, giọng ca "phi giới tính" Trần Tùng Anh (sinh năm 1995) vừa cho ra mắt dự án âm nhạc đầu tay của mình: Núi hát. Dự án không chỉđánh dấu một chặng đường học hỏi mà còn là sự "trở lại" của Tùng Anh với đất Bắc khi anh quyết định sống và cống hiến cho nghệ thuật ở đôi nơi.

Từ câu chuyện của chính bố mẹ mình, Tùng Anh thực hiện dự án Núi hát (album gồm 9 ca khúc: Tiếng đàn ta lư, Nàng thơ xứ Huế, Hồ trên núi, Còn duyên, Qua cầu gió bay, Chín bậc tình yêu, Tình ca Tây Bắc, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Đẹp mãi tình ta được thực hiện ở hình thức MV) như một món quà đặc biệt dành cho những người thân quý nhất. Đây cũng là dự án âm nhạcđược thực hiện theo phong cách dân gian giao hưởng đầu tiên từ trước đến nay.

Tùng Anh đã có những chia sẻ vớiThể thao và Văn hóa (TTXVN) về hành trình của mình.

Bố mẹ truyền cảm hứng

* Từ đâu mà Tùng Anh đến với thanh nhạc?

- Gia đình tôi không có truyền thống âm nhạc nhưng chính bố mẹ lại là khởi nguồn cho niềm đam mê ca hát của tôi. Bố mẹ là những người vừa yêu thích vừa có khả năng ca hát tốt, kể từ khi trong quân ngũ cho đến lúc về quê tham gia Hội Cựu chiến binh địa phương. Tôi nghĩ, mình mang bản sắc nghệ thuật từ bố mẹ. Và thực tế, tôi hát từ khi còn học mẫu giáo.

Giọng ca 'phi giới tính' Trần Tùng Anh: Kết hợp dân gian và giao hưởng sẽ không bao giờ 'lỗi thời' - Ảnh 1.

Ca sĩ Tùng Anh

* Vậy khi nào, giọng hát được cho là đặc biệt của anh được chú ý đến?

- Từ khi còn nhỏ, tôi cứ cất tiếng hát lên là ai cũng biết tôi có một giọng hát đặc biệt như vậy rồi. Nhưng cơ hội mở ra khi tôi tham gia cuộc thi Giọng hát Việt 2017. Lúc đấy, tôi nghĩ mình đi thi cho vui nhưng mới hát có 1, 2 câu trong ca khúc Mẹ yêu con (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) và một bài hát tiếng Italy thì đã được vào luôn vòng trong.

* 5 năm kể từ đó đến nay, anh đã có những bước ngoặt nào?

- Khi ấy, tôi cho rằng cơ hội đến thì mình phải biết nắm bắt. Dù mới học được nửa năm ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, tôi vẫn quyết định bảo lưu để Nam tiến. 5 năm qua, tôi tham gia hầu hết tất cả các chương trình nghệ thuật hay các gameshow âm nhạc mà mình được mời. Gần nhất, năm 2022, tôi nhận lời làm giám khảo cuộc thi Gương mặt thân quen Nhí…

* Vậy anh "gặt hái" được gì từ những cơ hội ấy?

- Nói gặt hái thì không phải. Điều mà tôi đang hướng tới chính là xóa bỏ suy nghĩ rằng dòng nhạc thính phòng dân gian kén người nghe. Với việc các sản phẩm của mình cũng lên tới hàng triệu lượt xem, tôi có phần tự tin khi thấy mình đang là 1 trong những nghệ sĩ trẻ đã đưa được dòng nhạc này đến gần khán giả hơn.

Giọng ca 'phi giới tính' Trần Tùng Anh: Kết hợp dân gian và giao hưởng sẽ không bao giờ 'lỗi thời' - Ảnh 2.

"Giọng hát của tôi thuộc về bẩm sinh"

* Anh nghĩ gì về giọng hát đặc biệt của mình?

- Trời cho thì mình đón nhận. Ông trời cho tôi một lúc có 2 giọng hát, đó là sự tự nhiên và cũng là may mắn. Tôi biết nhiều người vẫn nhầm lẫn về giọng hát của tôi. Giọng hát của tôi thuộc về bẩm sinh -hoàn toàn khác với việc sử dụng giọng giả thanh (giả giọng). Giọng hát của tôi không phải là nam giả giọng nữ mà hát giọng nam hay giọng nữ cũng vẫn là tôi.

* Anh sử dụng giọng hát này trong dự án "Núi hát" như thế nào?

- Người nghe sẽ có cảm giác như 3 ca sĩ đang hát vì có lúc tôi hát ca khúc viết cho giọng nữ, có lúc là ca khúc viết cho giọng nam và có cả những ca khúc tôi song ca với 2 giọng nam và nữ.

Giọng ca 'phi giới tính' Trần Tùng Anh: Kết hợp dân gian và giao hưởng sẽ không bao giờ 'lỗi thời' - Ảnh 3.

Tùng Anh trong dự án “Núi hát”

* Theo anh, đâu là mặt trái của sự may mắn mà trời ban cho mình?

- Không riêng gì nghệ thuật, ở bất cứ nghề nào, khi có được cái riêng thì đó  là cơ hội để mình tồn tại. Còn muốn phát triển thì phải phải nỗ lực trau dồi, học hỏi và biết đặt yếu tố đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu.

Với tôi, việc có được khả năng hát 2 giọng nam - nữ cùng lúc cũng đòi hỏi tôi phải luyện tập gấp đôi như 2 ca sĩ. Mỗi khi ra sản phẩm, mình luôn phải chỉn chu, kỹ lưỡng, biết mình đang đi trên con đường nào.

Nhiều người thắc mắc rằng bài hát dành cho giọng hát phi giới tính nên là gì?Thật ra, con đường âm nhạc của tôi theo đuổi rất cụ thể: Đề tài quê hương đất nước. Để có những ca khúc mới không khó, nhưng tôi nhận thấy, quê hương mình có nhiều bài hay nên tôi không ngại hát lại ca khúc cũ.Chẳng lẽ, cứ qua một đời ca khúc thì chúng ta lại bỏ đi để hát những ca khúc mới thì còn gì là lịch sử nữa? Tôi nghĩ cần phải biết lưu giữ lịch sử ở mỗi độ tuổi của mình. 

* Vậy trong thời gian tới, anh sẽ có những kế hoạch gì?

- Trong tương lai gần, tôi sẽ thực hiện một concert. Đây là kế hoạch tôi muốn làm từ lâu nhưng do dịch bệnh nên tôi đã phải gác lại cách đây 1 năm. Còn về lâu dài, tôi sẽ theo đuổi con đường âm nhạc gắn liền với các loại hình nghệ thuật dân gian mà mình rất yêu thích như chầu văn, ca trù, xẩm….

Tôi là người có xu hướng sống thiên về những gì thuộc về cổ xưa nên muốn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống này bằng âm nhạc. Còn về hình ảnh, tôi có thể xây dựng với phong cách đương đại để phù hợpvới bây giờ. Đó cũng là lý do tôi lựa chọn hình thức thể hiện bằng sự kết hợp giữa dân gian và giao hưởng. Tôi tin cách làm này sẽ không bao giờ "lỗi thời".

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hiếm, nhưng vẫn tồn tại


Để hiểu thêm về trường hợp giọng hát "phi giới tính" của Tùng Anh, TT&VH đã trao đổi với nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long. Anh cho biết:


"Trong ca hát, có những nghệ sĩ sở hữu giọng hát trái với quy luật tự nhiên, chẳng hạn nữ hát giọng nam hoặc nam hát giọng nữ. Dẫu thế, điều này không phải hiếm trên thế giới.

Ở phương Tây nam giới hát giọng nữ xuất hiện khá sớm trong âm nhạc kinh điển thế kỷ 16. Điển hình,trong vở opera Orphe của Gluk có vai Orphe sử dụng loại giọng này. Hoặc, trong vở Đám cưới Figaro của W.A.Mozart có vai Rigobert được viết cho giọng mezzo soprano và sopranist của nam giới.


Nam giới hát giọng nữ thường được gọi với các tên gọi khác nhau như male soprano (nghĩa là đàn ông hát giọng nữ cao) hoặc countertenor, tức giọng phản nam cao hay castrato.


Ở Việt Nam, không nhiều người sở hữu loại giọng này nhưng cũng có những trường hợp điển hình như nam ca sĩ gốc Việt Alain Vũ nổi danh ở Pháp khi sở hữu chất giọng nữ có biên độ rộng bao gồm cả giọng nữ trầm và nữ cao. Hay cách đây chừng hơn 20 năm đã từng xuất hiện một nam nghệ sĩ hoạt động trong quân đội, hát 2 giọng nam và nữ.


Trần Tùng Anh cũng là một trường hợp là nam nhưng có khả năng trời phú khi hát được cả 2 giọng nam và nữ. Khi hát giọng nữ, Tùng Anh gây chú ý khi thể hiện ở giọng nữ cao.

Với những ca sĩ Việt Nam sở hữu tố chất giọng này, việc gọi họ là giọng ca phi giới tính (nam hát giọng nữ hay nam hát 2 giọng nam nữ) là phù hợp vì họ không hát opera".

Lam Anh (thực hiện)

Link gốc: TTVH