Đọc trường ca 'Người về trong hương': Thơ bay từ phía trăng lên
Nhà thơ Huệ Triệu vừa ra mắt tác phẩm mới nhất của mình, trường ca Người về trong hương. Đó là những vần thơ được thực hiện trong những đêm dài, khi chị nén nỗi đau mà viết.
Ra mắt trường ca Người về trong hương (NXB Hội Nhà văn) khi đại dịch Covid-19 đã lùi xa gần 2 năm không phải là một sự chậm trễ. Với nhà thơ Huệ Triệu, đó là khoảng thời gian cần phải có để chị kìm nén nỗi đau trong lòng. Ít người biết, tác phẩm ra mắt đúng vào giỗ thứ 2 của chồng chị, người ra đi trong đại dịch.
Nén nỗi đau để viết
Tập trường ca dài gần 100 trang, gồm 4 chương: Bóng vườn xanh, Thành phố giữa cuồng phong, Ngọn lửa hóa thân, Người về trong hương. Huệ Triệu viết trường ca này, dành tặng người chồng thân yêu và cũng là để tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19. Trường ca tái hiện một cách trung thực một giai đoạn đau thương, tàn khốc do dịch bệnh gây ra ở TP.HCM.
Trường ca có lời đề tặng "Xin dâng lên hương hồn chồng tôi. Tưởng niệm những nạn nhân đã mất vì Covid -19". Từ nỗi đau riêng hòa vào nỗi đau chung, những trang thơ gọi về nỗi đau của một thành phố tang thương trong đại dịch với mất mát của biết bao số phận, bao gia đình. Tác giả viết về nỗi đau chết lặngcủa mình, khi nhà 3 người bỗng chỉ còn 2…
"Gương mặt người thương lả gối trong đêm/ em run người trước dự cảm không tên/ sự sống mong manh còn hơn tơ nhện/ em nắm chặt tay anh như níu chặt đời mình".
"Mưa tả tơi cành ngọc lan muốt đất/ em trắng tay mình những cánh ngọc lan tang/ thành phố hồi sinh nhưng thiếu mặt bao người/ thành phố hồi sinh mà em mất anh rồi/ nén nhang thơm cả tàn cong im lặng/ đất đón anh tay mẹ cỏ xanh mềm".
Huệ Triệu chia sẻ: "Trường ca được viết ra, để tỏ bày thương yêu vô hạn với người đã khuất, nhưng cũng là để tri ân trước nghĩa tình sâu nặng, và cũng là một cách để tự nhắc nhở mình - tiếp tục vượt lên nỗi đau và bước tiếp. Đó cũng còn là trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời".
Dù viết để ghi lại ký ức- dù là ký ức thương đau cũng cần được nhắc nhớ, nhưng Huệ Triệu không chỉ viết về nỗi đau riêng mình, mà cả nỗi đau chung mà bao người dân thành phố đã cùng trải qua. Đấy không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình Huệ Triệu mà còn là cảnh ngộ chung của nhiều gia đình khác trong thời khắc dịch bệnh kinh hoàng. Đau thương và kiên cường, mất mát hy sinh và tình người sâu nặng... Người dân thành phố vai nặng trĩu đau thương nhưng đã kiên cường gạt nước mắt tủi buồn để cùng chở che, đùm bọc để thành phố được hồi sinh.
Ánh sáng, hơi ấm mà độc giả nhìn thấy, chính từ những sự gắn kết, đùm bọc, san sẻ, dắt dìu nhau đi qua đại dịch mà Huệ Triệu ghi lại trong tác phẩm của mình. Và vì thế, những trang thơ thật buồn, thật xót xa, khiến người đọc có khi rưng rưng vẫn có những điểm sáng thi ca, không rơi vào bi lụy.
Nỗi đau chưng cất thành thơ
Bạn bè của Huệ Triệu thường nhắc về khu vườn "từ phía trăng lên" của vợ chồng chị. Khu vườn bao quanh một ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé, 4 mùa rau trái trĩu cành, tươi xanh. Khu vườn ấy, anh Nhân chồng chị từng chăm sóc mỗi ngày, chia cho người trái bí, nắm lá mơ, chùm sung… hết thảy đều là rau lành quả sạch, là quà quý với bạn bè ở phố.
Và cũng khu vườn ấy, màu xanh ấy chị tiếp tục chăm bón, viết về nó trong nhiều trang sách. Những màu xanh cây trái chữa lành, ủi an cho chị. Mỗi khi bạn bè về tụ tập trong vườn, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, dường như vẫn thấy anh Nhân ở đó.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đồng cảm sâu sắc với tác phẩm mới của Huệ Triệu. Chị chia sẻ: "Áp tập thơ lên ngực mình, cảm giác không chỉ cầm một tác phẩm sáng tác của đồng nghiệp mà đang chạm vào một trái tim giãy giụa trong đớn đau tột cùng, trong yêu thương tột cùng của một người vợ, một người mẹ…cứ nấn ná nơi tôi một hồi lâu".
Ở trường ca Người về trong hương, Huệ Triệu viết, trước hết là muốn neo giữ ký ức của "người thương" dù người ấy vẫn về trong hương. Không chỉ trong hương khói, cũng không chỉ là trong khu vườn ký ức mà cả trong hương thơm của rau trái của khu vườn mà người thương của chị đã chăm sóc, vun đắp cho nó bằng từng giọt mồ hôi cần mẫn của mình.
Trong khu vườn ấy, ký ức ấy, nỗi đau ấy được chưng cất thành thơ. Nhiều câu thơ, nhiều đoạn thơ thật giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu suy tưởng. Và cách nào đó, người vợ, người mẹ, người thơ Huệ Triệu, bằng trái tim chan chứa yêu thương đã làm được chiếc cầu, một chiếc cầu ánh lên cái sắc lung linh hư thực của chiếc cầu vồng nhưng là chiếc cầu trên mặt đất, bắc qua một dòng sông chảy xiết nỗi niềm bằng từng nhịp cầu vững chãi. Những nhịp cầu nối miền ký ức, nối yêu thương và nối sự hiển linh màu nhiệm giữa người ra đi và người ở lại.
"Hôm nay rằm nguyệt quế lại muốt bông/ Các con cắm bình hoa ly cánh trắng/ Hình như nụ cười ba thoáng nắng/ Người về trong hương.
Để hoàn thành trường ca Người về trong hương này, nhà thơ Huệ Triệu đã đối diện với từng lát cảm xúc của mình. Tôi biết nhiều đêm tay chị gõ phím cùng nước mắt. Đau xót, ân hận, tiếc thương… rất nhiều cảm xúc dồn nén đã được trải lòng lên chữ. Và chính vì thế, dù sau 2 năm, 10 năm hay lâu hơn thế nữa, vẫn với tinh thần "Không ai bị bỏ lại, không điều gì được phép lãng quên", những trang trường ca giàu xúc cảm này vẫn khiến độc giả xúc động.
Nhà thơ, nhà giáo ưu tú Huệ Triệu là Trưởng ban Nhà văn nữ - Hội Nhà văn TP.HCM, từng nhận giải "Nhà văn nữ Ấn tượng" của Hội Nhà văn VN năm 2021 vì những đóng góp thiện nguyện, hoạt động và nỗ lực vượt qua nỗi đau trong đại dịch Covid-19. Đến giờ, chị đã có gần 10 tập thơ, tiểu luận in riêng, có nhiều tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa tiểu học.