Cà phê đầu tuần: Ông Troussier và 1% để đi World Cup

Vào năm 2003, đội tuyển xe đạp Anh đã mời Dave Brailsford, một người trước đó hoàn toàn ngoại đạo, về làm giám đốc hiệu năng kiêm HLV. Ông này đã mang theo một triết lý sẽ thay đổi hoàn toàn môn đua xe đạp của Vương quốc Anh: Thuyết tiến bộ cộng gộp (marginal gains).

1. Vào năm 2003, đội tuyển xe đạp Anh đã mời Dave Brailsford, một người trước đó hoàn toàn ngoại đạo, về làm giám đốc hiệu năng kiêm HLV. Ông này đã mang theo một triết lý sẽ thay đổi hoàn toàn môn đua xe đạp của Vương quốc Anh: Thuyết tiến bộ cộng gộp (marginal gains).

Brailsford cho rằng một cá nhân hay tập thể bất kỳ sẽ tiến bộ vượt bậc nếu họ cải thiện "1% trong tất cả những thứ mình làm". Với tư duy này, ông chú ý mọi tiểu tiết, từ chuyên môn cho đến ngoài chuyên môn rất lặt vặt, kiểu loại gel mát-xa nào tốt nhất, hay gối nào giúp ngủ ngon nhất, cho đến loại bánh xe nào thuận lợi cho vận động viên trên đường đua nhất. Chương trình tập luyện cũng được lên kế hoạch rất chi tiết, cùng chế độ dinh dưỡng.

Gần một thập kỷ sau, đội tuyển xe đạp Anh đã làm được những điều mà trước đó họ không làm được trong gần một trăm năm lịch sử, là vô địch Olympic. Năm 2012, vận động viên Anh đầu tiên giành áo vàng Tour de France, và trong cùng năm đó, đội đua xe đạp Anh thống trị 70% các hạng mục đua xe đạp tại Thế vận hội diễn ra ở London. Và thuyết lợi ích cộng gộp trở nên vô cùng nổi tiếng. Người ta bỗng nhận ra rằng có một công thức thành công thật sự nhờ việc chú ý đến mọi tiểu tiết.

2. Trong một bài trả lời phỏng vấn trang tin TSN VN, Alan Gibson, phóng viên từng có 30 năm theo dõi bóng đá Nhật Bản và hiểu rất rõ giai đoạn HLV Philippe Troussier làm việc ở đất nước mặt trời mọc, có kể lại một câu chuyện.

Ông tiết lộ rằng chính Miyamoto, cựu đội trưởng đội tuyển Nhật dưới thời Troussier, đã kể cho ông nghe: Vào ngày đầu tiên tiếp quản đội tuyển Nhật, Troussier yêu cầu tất cả các cầu thủ... chạy vòng quanh sân.

Họ cứ chạy như thế suốt một giờ đồng hồ, mà không ai có ý kiến gì. Cuối cùng thì sau khi chạy bở hơi tai, cũng có bốn người là Miyamoto, Toda, Myojin và Matsuda quyết định dừng lại và đến hỏi HLV trưởng xem từ nãy giờ họ phải làm thế vì mục đích gì. Troussier giải thích ngắn gọn: "Các anh đã tiến đến tôi, dám thể hiện quan điểm, vì thế các anh sẽ là đội trưởng, trụ cột của đội".

Gibson giải thích rằng người Nhật vốn có thói quen tuân thủ mệnh lệnh, rất ít người có cái tôi cá nhân mạnh mẽ. Chính vì thế, Troussier đã chọn một bài kiểm tra nho nhỏ để tìm ra người có cá tính lãnh đạo nhất. Và thực tế cho thấy ông đã tìm ra được những người tốt nhất.

Cà phê đầu tuần: Ông Troussier và 1% để đi World Cup - Ảnh 1.

Giai đoạn này, HLV Troussier đang ưu tiên cho đội tuyển U23

Dưới thời Troussier, ông khuyến khích các cầu thủ Nhật, vốn phối hợp rất hay, nhưng thiếu sự mạnh dạn trong các tình huống cuối, dứt điểm thật nhiều mà không phải lo bị chỉ trích nếu thất bại. Thấy họ "lành" quá, ông vào sân, chơi xấu, thậm chí đánh cùi chỏ để truyền đi một thông điệp: Bóng đá không chỉ có chơi đẹp, và cần phải tinh quái một chút mới có thể hướng đến thắng lợi.

Trong những buổi tập đầu tiên với đội tuyển Việt Nam và đội U23 Việt Nam, ông Troussier vẫn chú ý vào những tiểu tiết kiểu vậy. Một buổi tập thường diễn ra vào buổi tối muộn, để đảm bảo tình trạng thể lực và tâm trạng thoải mái nhất. Buổi tập sẽ bắt đầu sau 40 phút, để mô phỏng sao cho giống nhất một trận đấu thật sự, từ việc có mặt trong phòng thay đồ, làm nóng cơ thể, và ra sân.

Về chuyên môn, ông trực tiếp đứng ra thị phạm và nhắc nhở các cầu thủ. Có trợ lý tiết lộ rằng Troussier có thể đứng hàng tiếng giảng giải cho một cầu thủ về cách ông muốn họ chơi bóng. Một buổi tập của Troussier được thiết kế chi tiết và tập trung vào triết lý ông muốn đội bóng thể hiện.

Bạn có thể nhầm lẫn về vẻ ngoài rất "hàn lâm" của Troussier: Ông không phải là một người sách vở, chỉ biết nói chuyện chiến thuật trên sân. Với ông, bóng đá dường như cũng là một cuộc chơi mà mọi sự chuẩn bị đều có ích. Từ lợi ích cộng gộp. Từ những chi tiết "đắt" ở trong lẫn ngoài sân cỏ.

3. Thể thao nói chung và đặc biệt là bóng đá nói riêng là cuộc chơi mà thành bại đôi khi được quyết định bởi một chi tiết rất nhỏ: Một sai lầm, một phút lơ đễnh, một biến cố nào đó không thể kiểm soát nổi.

Chính vì thế, nếu như đội tuyển xe đạp Anh đã thay đổi hoàn toàn lịch sử nhờ tinh thần "lợi ích cộng gộp", không có nghĩa là hiển nhiên ông Troussier sẽ đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup vì họ có cùng một phương pháp.

Nhưng dù thành bại ra sao, thì sự nghiêm túc này đáng được ghi nhận. Ông Troussier đã 67 tuổi, nhận được đầy đủ sự thừa nhận với nghề nghiệp rồi. Nhưng ông đã ở đây và chú ý đến từng chi tiết nhỏ có thể tạo ra sự tiến bộ. Dù chỉ là 1%. Đấy là một thái độ chúng ta cần trong mọi công việc của cuộc sống, cho dù có đi được World Cup hay là không.


Phạm An

Link gốc: TTVH