Người Đông Sơn (kỳ 19): Những bậc thầy Đông Sơn vẽ sơn then
Chúng ta đã dừng lại khá lâu với những thợ Đông Sơn vẽ và nặn tượng để chế ra những sản phẩm đồng thau trang trí đẹp. Cũng phải thôi, vì trên 90% đồ mỹ thuật Đông Sơn để lại đến ngày hôm nay là trên đồ đồng mà! Nhưng trong thực tế đời sống Đông Sơn, lao động nghệ thuật gắn vào các đồ vật hàng ngày không chỉ có trên đồ đồng mà chiếm tỷ trọng cao ở trên những vật dụng bằng gỗ, tre nứa và vải sợi nữa.
1. Có thể ví dụ: Trong một ngôi mộ cùng thời Đông Sơn trong nền văn hóa láng giềng được coi như họ hàng rất gần gũi với Đông Sơn là văn hóa Điền ở Vân Nam, Trung Quốc ngày nay khai quật ở Yangpudou, tỷ lệ đồ đồng được trang trí chỉ chiếm tỷ trọng ngang ngửa với đồ sơn then, thậm chí thấp hơn một chút.
Hoặc, trên một vũ khí dạng qua, thì lao động nghệ thuật dành cho phần lưỡi qua đồng là khoảng vài trăm đường khắc rạch tạo đồ án trang trí trên khuôn, trong khi đó có thể đếm được gấp đôi những đường chỉ tô vẽ bằng sơn then trên phần thân cán. Chưa kể, việc tạo nền cho các hình vẽ sơn then cần nhiều công sức hơn nhiều: tu sửa kỹ nền gỗ, phủ keo sơn dán nhiều lớp vải, lụa cho đến khi đạt được nền bóng phẳng mịn trước khi dùng bút lông tuốt những đường kẻ chỉ màu, tạo đồ án và hình tượng trang trí…
Trong thời Đông Sơn, thợ sơn then cũng là một loại thợ rất được tôn kính. Ngôi mộ Đông Sơn muộn với áo xây gạch, lòng chứa quan quách gỗ, khai quật ở ở Đường Dù (Hải Phòng) những năm 1960 - 1970 lưu giữ nguyên trạng bộ đồ minh khí dùng cho thợ cả chuyên chế tạo đồ sơn then, gồm: cưa, dao gọt tỉa, đục dũi… và những chổi quét sơn, bát, hũ đựng sơn. Sản phẩm phổ biến khi đó là những đồ dùng trong ăn uống: bát, âu, chậu, nhĩ bôi… Rất nhiều vỏ kiếm, cán giáo Đông Sơn cũng được vẽ sơn then.
Chúng ta cũng có những bằng chứng rằng sơn then còn được dùng quét trang trí trên một số đồ đồng, như tấm che ngực, thạp, chậu, trống … Những đồ đồng sơn then đẹp nhất nằm trong ngôi mộ thời Nam Việt ở Labouwan (Quảng Tây, Trung Quốc) vẽ cảnh sinh hoạt của người trần và thần tiên trên một chiếc thạp và ống quyển bên cạnh những vật dụng Đông Sơn như trống, thạp, chậu…
Trong thực tế khai quật ở Việt Nam, chúng ta phát hiện khá nhiều đồ sơn then, đặc biệt là còn lại trong các mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn vùng chiêm trũng Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Những khu mộ Đông Sơn khác chôn trong vùng đất cao hơn chứa hàm lượng pH cao không bảo quản được các hiện vật có nguồn gốc hữu cơ nên hầu như đồ gỗ nói chung và đồ sơn then đều bị tiêu hủy.
Khi gặp đồ sơn then, ngay cả những người khai quật khảo cổ chuyên nghiệp của Viện Khảo cổ học hay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng chỉ có thể lưu giữ rất ngắn chúng dưới ống kính máy ảnh. Chỉ không đầy một tiếng đồng hồ trong không khí tự nhiên, những đồ gỗ sơn then từ hàng ngàn năm trước chôn trong lòng đất còn như mới đã bị khô héo cong queo, nhàu quắt biến dạng. Hiện tại các phòng thí nghiệm của Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã hoàn thiện chu trình bảo quản những đồ gỗ sơn then này, giúp chúng ta tận mắt chứng kiến, cầm trên tay những vật dụng sơn then màu mỏng manh, tinh xảo của tổ tiên từ hơn 2.000 năm trước.
Chuyên mục "rì rầm trong tiếng đất" hôm nay, tôi sẽ cùng bạn đọc tiếp cận với chủ đề nghệ thuật lâu đời tuyệt hảo này.
2. Nghệ thuật sơn then Đông Sơn nằm trong khối văn hóa sơn then gắn với các nền văn minh phi Hoa Hạ phân bố từ lưu vực Trường Giang (Trung Quốc) xuống phía nam... Hiện tại, cực nam xa nhất phát hiện đồ sơn then sớm là khu mộ Phú Chánh (tỉnh Bình Dương, Việt Nam).
Công nghệ sơn then gắn liền với cây sơn cho keo nhựa, với những loại gỗ thớ mịn, mềm như quế, thị, mít và cũng gắn liền với nghề dệt gai, lanh, lụa dùng làm nền phông toan. Niên đại thế kỷ 4 trước Công nguyên của ngôi mộ Châu Can khai quật năm 2000 được coi như niên đại sơn then sớm nhất hiện biết ở Việt Nam.
Xin giới thiệu ngay những đường nét vẽ bằng sơn then trên các đồ gỗ Đông Sơn đương thời. Rất tiếc chúng tôi không kịp bảo quản toàn vẹn đồ đựng cao cấp này. Tuy nhiên những mảng màu còn lại cho ta thấy sự hoạt tay điêu luyện của nghệ nhân khi đó.
Theo chủ nhân bộ sưu tập hiện vật, bộ đồ sơn then này phát hiện trong mộ thân cây khoét rỗng vùng Phú Xuyên (Hà Nội). Chủ nhân ngôi mộ rất giàu có, mang theo nhiều đồ đồng giá trị cao bên cạnh nhiều đồ gỗ, sơn then. Đề tài chủ đạo trang trí ở đồ đựng gỗ sơn then mà tôi giới thiệu hôm nay là các hình chim, thú trong nhiều tư thế sinh động.
Những mảnh lớn còn lại cho thấy đây là một chiếc mâm bồng hoặc nắp một đồ đựng khác. Phần núm giữa chân đế và mâm (hay nắp) rộng khoảng 3cm. Toàn thân hiện vật làm bằng gỗ, vành rộng ước đoán khoảng 20cm. Toàn thân phủ sơn then màu đen, trên có những gợn mây trắng, vàng và chim, thú. Vàng, trắng và đen là ba màu chủ đạo tạo nên các họa tiết hoa văn trên đồ vật này. Bên trong lòng hiện vật tạo một lớp sơn đỏ đậm rất đặc trưng.
Có thể nhận ra hai kiểu chim bay và một kiểu nai nhảy rất sinh động và điệu nghệ. Những chim thú này chỉ có kích thước chừng 1 - 2 cm.
Một con chim màu sơn vàng kích thước chỉ hơn 1cm có mỏ to, mắt to như dạng bồ nông đang trong tư thế xòe cánh, lượn cong thân đuôi rất duyên dáng. Trên thân có một vài đường vạch ngắn chạy ngang thân và những nét tỉa vẩy tuốt tạo cánh rất điêu luyện. Hai chân chim như đang xòe ra phía trước trong tư thế hạ cánh cùng phối hợp nhịp nhàng với cái đuôi cong lên giảm tốc. Quan sát của nghệ nhân thật tuyệt vời làm sao.
Ở một vị trí khác xuất hiện một con chim đen, mỏ dài, chân dài đang sải cánh khá gần gũi với chim trên các băng trang trí trống đồng Đông Sơn. Nhiều họa sĩ sơn mài khi tận mắt chứng kiến những hình vẽ này trong dịp tôi tổ chức cuộc trưng bày Nghệ thuật Đông Sơn tại Trung tâm Việt Art (Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Yết Kiêu, Hà Nội) năm 2011 đã phải thốt lên: Rất điêu luyện, hiện đại và phóng khoáng!
Hình thú còn lại trên mảnh hiện vật mô tả một con nai ngơ ngác, nét vẽ thảo, phóng khoáng. Con nai đang nhảy xoài hai chân hết cỡ ra phía trước và phía sau trên một miếng vỡ lớn nhất đủ cho chúng ta thấy nền tung tẩy của chú nai là ở không trung với những đường vân mây uốn lượn chứ không phải dưới đất. Rõ ràng đó là cảnh thần tiên. Chú nai không có sừng, bù lại đôi tai khá lớn. Trên thân có những chấm hoa như hươu sao. So với tông ngả vàng đậm hơn của mây thì màu thân nai được vẽ bằng sơn màu vàng nhạt. Các chấm hoa trên thân màu đen.
Chim và hươu nai là những chủ đề quen thuộc của nghệ thuật Đông Sơn. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thấy kiểu vẽ mềm mại, phóng khoáng, điêu luyện bằng bút lông với việc làm chủ các tone màu của bậc thầy nghệ nhân Đông Sơn.
"Chỉ không đầy một tiếng đồng hồ trong không khí tự nhiên, những đồ gỗ sơn then từ hàng ngàn năm trước chôn trong lòng đất còn như mới đã bị khô héo cong queo, nhàu quắt biến dạng" - TS Nguyễn Việt.
(còn tiếp)