Ngày truyền thống học sinh, sinh viên 9/1: Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn - biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn là biểu tượng đẹp đại diện cho lòng yêu nước của lực lượng học sinh, sinh viên. Ngày anh mất -  ngày 9/1- được lấy làm Ngày truyền thống hằng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Sáng ngời tên anh - Anh hùng liệt sĩ Trần Văn

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn sinh năm 1931, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Anh là con thứ 11 trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1936, Trần Văn Ơn theo học tại Trường Tiểu học ấp 4. Năm 1941 học trường Trung học Mỹ Tho. Năm 1947 học trường Trung học Pestrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Trần Văn Ơn không những đứng đầu lớp liên tục nhiều năm học mà còn là một trụ cột của phong trào học sinh yêu nước của trường. Lòng nhiệt tình sôi nổi của anh đã lôi kéo được hàng nghìn học sinh tham gia biểu tình chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai.

Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9/1): Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn - biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam - Ảnh 1.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn

Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ.

Tại Sài Gòn, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức: biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi việc làm, học sinh, sinh viên bãi trường, bãi khóa liên miên. Thực dân Pháp càng thua đau càng ra sức đàn áp, khủng bố nhân dân các vùng chúng tạm chiếm, trong đó học sinh, sinh viên cũng bị chúng bắt bớ, giam cầm. Trong đó, Trần Văn Ơn tham gia dẫn đầu phong trào học sinh, sinh viên biểu tình đòi các quyền tự do: “Trả tự do cho các sinh viên bị bắt”, “Phản đối chính sách khủng bố trong học đường”, “Đòi mở cửa trường”, “Đòi học tiếng mẹ đẻ”…

Trước ngày kỷ niệm 9 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/1949), chính quyền thực dân Pháp đã bắt một số học sinh của trường Pétrus Ký. Từ sự kiện này đã nổ ra cuộc bãi khóa lớn, tập trung của học sinh của 10 trường tại Sài Gòn vào ngày 23/11/1949. Lúc này, Trần Văn Ơn đang chuẩn bị thi tú tài, nhưng vẫn tích cực tham gia cuộc bãi khóa. Anh là người đứng đầu nhóm học sinh của trường Pétrus Ký để đi biểu tình.

Ngày 9/1/1950, ở Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn của hàng nghìn học sinh, sinh viên đòi trả tự do cho các học sinh, sinh viên bị bắt. Trần Văn Ơn là thành viên trong ban lãnh đạo học sinh, sinh viên trong cuộc đấu tranh này. Lúc 13 giờ cùng ngày, thực dân Pháp và tay sai đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát kết hợp với lính lê dương bao vây khu vực biểu tình và cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Lúc này, Trần Văn Ơn đã dũng cảm dẫn đầu, lấy thân mình che chở cho các học sinh nhỏ tuổi. Anh Trần Văn Ơn cùng các bạn đạp đổ hàng rào giúp các nữ sinh thoát ra ngoài trước nguy cơ bị bắt. Trong cuộc đàn áp, bọn lính nổ súng, Trần Văn Ơn đã hy sinh khi mới 19 tuổi.

Sự dũng cảm hy sinh của anh đã cứu thoát nhiều bạn học và để lại bao nỗi tiếc thương và tự hào cho các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam.

Nhân dân Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tiến hành cử hành trọng thể lễ truy điệu Trần Văn Ơn với khí thế sục sôi cách mạng.

Tháng 2/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã quyết định lấy ngày 9/1 là Ngày Học sinh-Sinh viên Việt  Nam.

Ngày 22/2/2000, liệt sĩ Trần Văn Ơn được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn đã hy sinh 73 năm, nhưng hình ảnh của người chiến sĩ dũng cảm trong phong trào học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị về tinh thần dũng cảm, bất khuất, đại diện cho lòng yêu nước của lực lượng học sinh, sinh viên trong suốt chiều dài lịch sử. Tấm gương Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn đã trở thành biểu tượng đẹp, hình ảnh đại diện cho lòng yêu nước của lực lượng học sinh, sinh viên.

Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9/1): Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn - biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam - Ảnh 2.

Xây đắp nên truyền thống yêu nước của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác

Cùng với những gương hy sinh anh dũng như Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Bội Cơ, Đỗ Ngọc Thạnh, Nguyễn Thái Bình… và hàng nghìn chiến sĩ trên các mặt trận, sự hy sinh của người học sinh 19 tuổi Trần Văn Ơn tạo dựng nên truyền thống yêu nước của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác kính yêu.     

Gần 20 năm sau, có một người con của quê hương Bến Tre cũng “xếp bút nghiên, ra trận” chống Mỹ, cứu nước. Đó là nhà thơ-chiến sĩ Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân. Anh đã hy sinh trong trận đánh vào Sài Gòn với những câu thơ như đá tạc tượng mà nhạc sĩ Phan Chí Thanh phổ nên bài hát hay:

“Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên xác thù

Mà vẫn một màu bình dị sáng trong

Không một hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”…

Trần Văn Ơn hy sinh thời chống Pháp; Ca Lê Hiến hy sinh thời đánh Mỹ. Ở đây có kết nối. Hào khí của Cụ đồ Chiểu là truyền thống của quê hương Bến Tre tạo cho hai liệt sĩ những vẻ đẹp đầy sức sống. Không có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về Trần Văn Ơn, nhưng hình tượng Trần Văn Ơn mãi là niềm tự hào, mãi là nguồn sáng tác cho các văn nghệ sĩ mà bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”… là một ví dụ.

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Link gốc: TTVH