Chữ và nghĩa: Cái phi lý có lý

Gần đây, trên một tờ báo điện tử có đưa các câu hỏi trắc nghiệm, yêu cầu độc giả lựa chọn một đáp án (được coi là đúng) cho những biến thể thành ngữ (thường là 2). Thí dụ, câu hỏi: "Theo bạn, đâu mới là thành ngữ đúng: 1. Râu ông nọ cắm cằm bà kia; 2. Dâu ông nọ chăn tằm bà kia".

Thành ngữ này, hẳn mọi người chúng ta đã quá rõ, nó được dùng để "ví việc chắp vá, gán ghép bộ phận của cái này vào một cái khác một cách khập khiễng, hoàn toàn không phù hợp", ví dụ: Bài văn viết lộn xộn chẳng đâu vào đâu. Đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Ngữ nghĩa như thế hẳn không có gì để bàn cãi. Cái mà nhiều người cho rằng không ổn là chuyện "râu của một ông nào đó lại đem cắm vào cằm một bà nào đó".

Quả là vô lý và điều này không thể có trong hiện thực. Râu là "lông cứng chỉ mọc ở cằm đàn ông", đàn bà không bao giờ có. Vì vậy, chuyện nhổ râu "chàng" đem cắm vào mặt "nàng" là không thực tế. Câu này đúng ra phải là "dâu ông nọ chăn tằm bà kia" mới hợp lý (dâu nhà ông này không dùng nuôi tằm nhà mình lại đem cho một bà khác nuôi tằm của bà ấy).

Chữ và nghĩa: Cái phi lý có lý - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tương tự, ta còn thấy nhiều người lên tiếng về việc xem xét tìm ra nguyên gốc của một số thành ngữ. Chẳng hạn, các thành ngữ:

- "Ra ngô ra khoai" phải là "ra môn ra khoai", vì môn ở đây chỉ "khoai môn", một cây cùng họ với ráy, có củ gần giống với củ khoai (khoai sọ hay khoai dọc mùng chẳng hạn). Vì 2 loại củ này na ná nhau, dễ bị nhầm lẫn, chứ ngô và khoai khác nhau rõ ràng thì làm sao có chuyện nhầm (để từ đó mà hình thành nên ngữ nghĩa "làm cho rõ ràng, rành mạch, không nhập nhằng lẫn lộn")?

- "Ướt như chuột lột" (ướt sũng, ướt từ đầu đến chân) đúng ra phải là "ướt như chuột lội" hay "ướt như chuột lụt", vì có ai thấy chuột lột bao giờ? Thực tế chỉ có chuột ướt sũng, bơi lóp nga lóp ngóp khi bị lụt lội thôi.

- "Vênh váo như bố vợ phải đấm" (chỉ thái độ kiêu ngạo, không coi ai ra gì) phải là "vênh váo như bố vợ cậu ấm" (được làm bố vợ cậu ấm nào đó thật đáng lên mặt, coi thường người khác) hoặc "vênh váo như khố rợ phải lấm" (khố rợ - một loại khố vốn là một mảnh vải dài và hẹp, đàn ông xưa thường đóng để che bộ phận sinh dục, khi lấm bùn đất khô đi thì lớp bùn đất đó làm cho cái khố "vênh váo" khó coi)...

***

Những lập luận như thế nghe rất có lý và đã có không ít người lên tiếng đòi "trả lại tên cho em", như thế tiếng Việt mới đúng, mới thực sự trong sáng.

Những thành ngữ ấy, nếu phân tích máy móc ta cảm thấy không ổn, vì đó là kết hợp vô lý, không logic với thực tế tiếng Việt thông thường.

Tuy nhiên, chúng ta phải thấm nhuần một điều, thành ngữ tục ngữ là sản phẩm của dân gian được hình thành và tồn tại qua lịch sử. Thành ngữ là các từ kết hợp với nhau, là tổ hợp cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó không thể giải thích đơn giản bằng các từ tạo nên nó. Đó là các đơn vị "định danh bậc hai" mà nghĩa biểu trưng mới là nghĩa cơ bản. Khi nghe, người ta nhận ra nghĩa chung làm nên thông điệp chứ không bị lệ thuộc vào cấu trúc làm nên nó, có khi là những kết hợp bất quy tắc.

Các kết hợp đó có thể có ngay từ khi hình thành, cũng có khi bị "tam sao thất bản" trong quá trình sử dụng và bây giờ thành một tổ hợp cố định, "đóng đinh" qua thời gian. Vì vậy, chúng ta đừng cố gò những câu này thành một biến thể do ta cho là hợp lý. Đừng bắt chuyển câu "vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm" thành "vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm", với lý giải "chỉ có lũ gà nhân cơ hội chủ nhà đi đâu đó "vọc" vào niêu tôm (để ăn vụng) chứ trên đời này có con gà nào lại tự nhiên mọc ra một cái đuôi con tôm (loài giáp xác sống ở dưới nước)".

Chính những sự phi lý (chuột lột chứ không phải chuột lội, chân nam đá chân xiêu chứ không phải chân đăm đá chân chiêu, con ông cháu cha chứ không phải con cha cháu ông, nhường cơm sẻ áo chứ không phải sẻ cơm nhường áo…) lại ngồ ngộ, tạo nên ấn tượng, tăng giá trị biểu cảm. Chất "folklore" làm nên cái thú vị của cuộc sống ngôn từ.

Cái phi lý dùng đã quen sẽ được cộng đồng chấp nhận và trở thành có lý. Ta có thể tìm hiểu ngọn ngành xuất xứ để hiểu cho thấu đáo chứ không phải vì thế mà bắt phải thay đổi. Biết cái hôm qua để hiểu cái hôm nay chứ không bắt cái hôm nay quay trở về cái hôm qua.

"Nghĩa cả gói" mới là hay

Cái hôm qua để hôm nay rõ ràng

PGS-TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH