Phong ba bão táp 'Vua tiếng Việt'
Chương trình Vua Tiếng Việt mùa 3 sẽ lên sóng lúc 20h30 thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ tối nay, 1/3, trên kênh VTV3. Vẫn do NSND Xuân Bắc dẫn dắt với một số sự thay đổi về luật chơi, chương trình nhằm "giúp người chơi và khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt thông qua các trò chơi, câu đố vui, giao lưu, thử thách".
Gameshow hiếm hoi khai thác tiếng Việt này sau 2 mùa đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng đồng thời cũng nhận được không ít những phản hồi đa chiều. Xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn trước giờ chương trình lên sóng.
1. Ngôn ngữ (tiếng) nào cũng có sự phong phú, cái đẹp, cái hay, cái khó và cả những ưu nhược, giới hạn và sự phức tạp riêng.
Người Việt ta có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" (dân gian? xác định độ khó? tính sinh động, phong phú? truyền miệng châm biếm?). Lại còn những cách nói khác về đặc tính tiếng Việt: "Phong ba bão táp không hack não bằng ngữ pháp Việt Nam", "Phong ba bão táp có bằng ngữ pháp Việt Nam", "xoắn não", "vần điệu trúc trắc", "từ ngữ thiên biến vạn hoá"… Có thể xem đây là vấn đề thách đố, đồng thời cũng là sự khơi gợi, khơi mở, tạo nên tính hấp dẫn cho sân chơi của chương trình truyền hình Vua tiếng Việt…
Đã có nhiều ý kiến khen chê của nhiều đối tượng khán giả khác nhau qua suốt 2 mùa Vua tiếng Việt. Thực tế cho thấy, khi có nhiều học giả, chuyên gia chuyên ngành ngôn ngữ vào cuộc và tập trung chỉ ra những hạn chế, hạt sạn, "đầy sạn", "những sai sót", "những lỗi khá căn bản", "chưa hợp lý", "hiểu sai về nghĩa", "mắc lỗi về từ ngữ", "lỗi từ loại", "lỗi chính tả", "ra đề sai", "đáp án sai" (thậm chí phê phán quyết liệt ngay cả tên chương trình) thì làn sóng chỉ trích ngày càng lan rộng hơn.
Cá nhân tôi cho rằng Vua tiếng Việt là chương trình hay, thực sự bổ ích cả trên phương diện nhận thức cũng như giải trí. Chương trình có sự phân cấp cho nhiều đối tượng khác nhau (Thí sinh dưới 18 tuổi - Thí sinh người nước ngoài - Thí sinh là người nổi tiếng), kể cả sau này rất nên mở rộng tới ngay tầng lớp các học giả, chuyên gia chuyên ngành ngôn ngữ, chính khách, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài, biên tập viên…
Chương trình có luật chơi sáng rõ, có sự thử thách "vượt chướng ngại" và tính đối kháng cao, có tính đến hệ thống chủ đề và phân loại đối tượng ứng viên (thí sinh), có sự nâng cấp độ khó theo bốn vòng thi đấu. Sự hấp dẫn tăng lên với việc sau khi vượt qua ba vòng đấu (Vòng 1: Phản xạ, Vòng 2: Giải nghĩa, Vòng 3: Xâu chuỗi) thì đến Vòng 4: Soán ngôi (được xem là Vòng đặc biệt) có thêm mục thách đấu tạo nên màn rượt đuổi điểm số kịch tính.
Tôi đặc biệt ấn tượng với nhiều ứng viên thông tuệ, trả lời nhanh việc ghép các chữ cái thành một từ/ cụm từ, đếm số danh - tính/ từ, đếm số lỗi sai chính tả, thuật miêu tả và đoán từ, tìm dãy từ đồng nghĩa và trái nghĩa… Cần phải có vốn từ vựng phong phú và sự nhạy cảm, tinh tế về câu chữ mới có thể phản xạ nhanh, trả lời thật nhanh, chính xác những câu hỏi này. Thú thật, rất nhiều khi tôi không theo kịp các đáp án, câu trả lời của các ứng viên.
2. Nói về những sai sót kể từ các ứng viên, ban cố vấn cho đến người dẫn chương trình là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Như mọi cuộc thi, các ứng viên đều phải thể hiện tài năng trong việc trả lời các câu hỏi và đối diện với khả năng lựa chọn đúng - sai, mức độ chuẩn mực và tính tương đối của đáp án. Hơn nữa, đây lại là "văn nói", phải ứng khẩu, trả lời trong thời gian ngắn, thậm chí tính tới đơn vị giây.
Nhiều học giả, chuyên gia đã "mổ xẻ", chỉ ra xác đáng nhiều trường hợp với nhiều mức độ sai biệt, nhầm lẫn, vênh lệch khác nhau về các từ "xum xuê" - "Sum suê", "dúm dó" - "rúm ró", "lang lổ" - "loang lổ", hay về cách giải thích thành ngữ "Đá đưa đầu lưỡi", v.v… Điều cần chú ý là trong khi các ứng viên phải ứng phó trả lời nhanh tới từng giây thì nhà nghiên cứu dành cả ngày khảo cứu đến cả năm bảy loại từ điển, soi vào từng con chữ, phân tích lớp lang từng phương diện cội nguồn lịch sử từ vựng, chữ Hán, tiếng Việt, ngữ âm, nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa phái sinh, tiếng cổ, tiếng địa phương, tiếng nhập ngoại…
Chẳng hạn, về cách hiểu thành ngữ "Lộng giả thành chân" được TS Đỗ Thanh Nga (Cố vấn chương trình tập 3 mùa 2, ngày 7/10/2022) giải thích: "Đây là thành ngữ Hán - Việt. "Lộng" có nghĩa là trò đùa; "giả" có nghĩa là cái điều không có thật; "thành" là biến thành"; "Chân" là sự chân thật. Như vậy, "Lộng giả thành chân" nghĩa là "trong cuộc sống đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy cái điều tưởng như là đùa ấy nó sẽ biến thành thật. Nó cũng mang một hàm ý là trong cuộc sống, những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần dần nó cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó".
Với nhà nghiên cứu thông tuệ có thể tra từ điển, đưa ra chữ Hán để minh định chữ "lộng" chính là "Từ khóa cực kỳ quan trọng đã bị giải thích sai…". Chỉ có điều, ngay sau đó nhà nghiên cứu lại thừa nhận cách HIỂU SAI "Lộng giả thành chân" cũng "tồn tại trong nhiều sách vở, từ điển khác"…
Trên đại thể, tôi đồng thuận và chấp nhận lời giải thích trên mà nếu ở văn viết, tác giả có thể trau chuốt chuẩn xác hơn (nhất là ở ý cuối câu). Một mặt, bản thân các từ điển Hán và Hán - Việt cũng chỉ cho thấy chữ "lộng" 弄 vốn đã có nét nghĩa đùa dỡn, bỡn cợt, trêu chọc (như "hý lộng" 戲弄, "vũ lộng" 侮弄). Mặt khác, như chính nhà nghiên cứu đã thừa nhận về khả năng phái sinh, chuyển nghĩa, mở rộng nghĩa của từ "lộng", kể cả với nghĩa xôn xao, vang động. Thế cho nên mới có chuyện nhà viết kịch hài Phạm Văn Hiền (1918-2003) lấy bút danh Lộng Chương và nhà thơ Tố Hữu viết Gió lộng (1961) chính là đã theo nghĩa mở rộng và cách hiểu đại chúng thời hiện đại…
Quá nhiều ví dụ để nói nhiều chữ Hán đã được Việt hoá theo nghĩa mới, khác biệt nghĩa ban đầu. Chẳng hạn, nguyên nghĩa chữ Hán "khốn nạn" 困難 chỉ là "tai vạ, cực nhọc, khó khăn" nhưng sang tiếng Việt mà nói nhau "khốn nạn" thì thật… tan tành xác pháo. Không hiếm nhà Hán học truy nguyên bắt bẻ những cách nói "đường quốc lộ" (đã "đường" còn "lộ" với "quốc lộ"), "cây cổ thụ" (đã "cây" còn "thụ" với "cổ thụ") vốn đã trở thành cách hiểu, cách nói thông thường của người Việt Nam.
Có thể nói hiện tượng các ứng viên và ngay cả ban cố vấn, người dẫn chương trình có sai sót, và rồi chính giới nghiên cứu, các chuyên gia tra cứu đủ các từ điển cũng phải tiếp tục trao đổi, luận bàn, "bổ sung", "nói thêm" càng cho thấy tính phong phú, phức tạp của hiện trạng "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Chính điều này lại xác định ý nghĩa, tầm quan trọng và đặt ra yêu cầu nghiêm túc cho chương trình Vua tiếng Việt.
3. Khác với khoa học tự nhiên vốn chuẩn xác từng con số, cần tiếp cận sự đúng - sai ở chương trình Vua tiếng Việt theo một thước đo uyển chuyển, sinh động hơn. Như thế, với ngay cả những "hạt sạn" (kể cả sự phân tuyến trong ban cố vấn) càng là những điều thú vị, hấp dẫn, cho thấy tính phức tạp của vấn đề tiếng Việt, cần được trao đổi chân tình, có lý có tình, không nên nâng cấp, quy kết, phủ nhận cực đoan, một chiều.
Với ngay cách đặt tên chương trình Vua tiếng Việt cũng cần hiểu đây là "vua" của một cuộc thi, đối diện một thử thách, một sân chơi trí tuệ lành mạnh (cũng tựa như sự tôn vinh "vua phóng sự", "vua cải lương", "vua lốp", "vua thép", "vua bóng đá", "vua cá Koi" và những "Bông sen Vàng", "Cánh diều Vàng", "Cây bút Vàng", "Đường lên đỉnh Olympia", "Sao Mai", "Ngôi sao Xanh"…). Một bộ phận dân mạng phản ứng quá mức và đòi hỏi Vua tiếng Việt cần đổi tên thành "Tiếng Việt tinh hoa", "Thi tiếng Việt", "Yêu tiếng Việt" cho được dung dị, bình dị, khiêm tốn, khiêm nhường, "tránh đao to búa lớn", "không đảm bảo chất văn hóa", không kể có cả ý kiến trái chiều, sơ giản, lạc hậu và lạc điệu: Vua tiếng Việt lấy ngôn ngữ để làm trò chơi giải trí là không nên (!?)…
Chương trình Vua tiếng Việt tham dự vào công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nơi thử thách tài năng và sân chơi trí tuệ của mọi người yêu tiếng Việt. Trên tinh thần nhận diện, khám phá đặc sắc di sản "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", tôi đồng thuận với ý kiến MC Xuân Bắc ở tập 32, mùa 2: "Chúng ta đã đến rất nhiều số, nhiều chương trình Vua tiếng Việt. Chúng ta đã có những thỏa mãn, những tranh cãi. Chúng ta đã có những nuối tiếc và chúng ta có những thăng hoa trong cảm xúc"…
Hy vọng chương trình Vua tiếng Việt tiếp tục thăng hoa, gắn bó, giữ gìn, khai thác, khơi nguồn, phát huy giá trị di sản tiếng Việt, vững vàng vượt qua mọi phong ba bão táp…
Với ngay cách đặt tên chương trình Vua tiếng Việt cũng cần hiểu đây là "vua" của một cuộc thi, đối diện một thử thách, một sân chơi trí tuệ lành mạnh (cũng tựa như sự tôn vinh "vua phóng sự", "vua cải lương", "vua lốp", "vua thép", "vua bóng đá", "vua cá Koi"…)