'Về miền phong hương đỏ' của Lê Thị Bích Hồng: 17 khoảnh khắc mùa Xuân...
Từ năm 2010 đến 2022, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã xuất bản 15 tác phẩm (4 tập truyện ngắn, ký và 11 tập nghiên cứu - lý luận - phê bình); đã nhận hơn 10 giải thưởng của các tổ chức văn học khác nhau, nóng hổi nhất là Giải C của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022, dành cho tiểu luận - phê bình Về miền phong hương đỏ (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Lời tự bạch "Viết văn là tri ân cuộc đời" của chị phù hợp với nguyên lý "Cái đẹp là sự giản dị".
17 bài viết gọn ghẽ xinh xắn trong tập Về miền phong hương đỏ gợi tôi nhớ đến bộ phim Liên Xô chiếu ở Việt Nam cách nay mấy chục năm Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân về cuộc đời của nhà tình báo tài ba Isaev (nhân vật trong phim mang tên Stirlitz).
Từ con số 17
Bộ phim (trình chiếu lần đầu tiên 1973) gợi nghĩ ở khán giả về một thời để sống, một thời để yêu và một đời để chiến đấu vì Tổ quốc Xô viết thân yêu. Nhà tình báo tài ba là biểu tượng của một thế hệ tận hiến nhưng chưa có cơ hội tận hưởng. Đúng là "Thép đã tôi thế đấy".
Nhiều khi tôi cứ vân vi, rằng "quý cô" Lê Thị Bích Hồng này đã thu xếp thời gian như thế nào để tề gia nội trợ, để giữ gìn nâng niu ngọn lửa hồng ấm áp trong ngôi nhà của mình, lại vừa lao động nghề nghiệp và văn chương hăng say, với một hiệu quả viên mãn như thế. Đến đấng mày râu cũng phải tâm phục, khẩu phục. Nếu nhà tình báo Liên Xô tài ba có 17 ngày cuối cùng trước khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc đã lóe sáng theo cách "Cháy đến giọt cuối cùng", thì Lê Thị Bích Hồng bước vào "Lục thập hoa giáp" đã có thời gian ủ lửa cho hơn 10 năm bừng sáng. Trong một bài viết gửi đến báo Văn nghệ Công an số Tết Quý Mão, tôi đã chơi chữ (giật "tít") về Quý bà, Quý cô Quý Mão - nhà văn Lê Thị Bích Hồng.
Văn hóa là nền tảng ("Văn hóa còn dân tộc còn"), như chân tủy của văn học, nghệ thuật. Một nền văn học, nghệ thuật lớn, một nhà văn tài năng đều có gốc rễ văn hóa căn cơ. Đó chính là bệ phóng, đường hướng, đại lộ nghiên cứu của Lê Thị Bích Hồng trong tác phẩm mới nhất còn thơm mùi mực Về miền phong hương đỏ. 17 tác giả được viết trong tập sách này đều có tính đại diện cho nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, cùng xuất xứ từ nôi "đồng bào".
Văn hóa, theo quan niệm hiện đại, không có sự phân biệt cao thấp (đẳng cấp), chỉ có sự khác biệt (bản sắc). 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, đã hàng nghìn năm nay đều hướng về cội nguồn văn hóa Việt Nam như bậc đại nho sĩ Nguyễn Trãi đã tự hào viết: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu" (Bình Ngô đại cáo).
Trong số 17 chân dung văn nghệ sĩ nhiều ngành nghề, thuộc cộng đồng dân tộc Việt Nam có 8 nghệ sĩ là dân tộc Tày (nhà thơ Nông Quốc Chấn, đạo diễn điện ảnh Nông Ích Đạt, nhà thơ Nông Viết Toại, nhà thơ Y Phương, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Dương Khâu Luông, nghệ nhân Then Hoàng Việt Bình, họa sĩ Vi Ngọc Linh). Các nghệ sĩ người Tày đã bám rễ chắc vào nguồn suối folklore giàu có và bền vững.
Hiện đang có tình trạng xa rời hai nguồn suối văn hóa dân gian và văn học truyền thống dân tộc trong quá trình sáng tác của không ít văn nghệ sĩ với tâm thế "vọng ngoại" (nhất là lớp trẻ). Nên trở về nguồn chính là động hướng viết khả thi hơn cả. Vì "Đi hết dân tộc ta sẽ gặp nhân loại" (Di cảo Nguyễn Minh Châu).
Đơn cử một ví dụ - nhà thơ Y Phương, người con của quê hương Trùng Khánh, Cao Bằng. Dù có đi đâu về đâu và trở thành "nhà" gì thì người nghệ sĩ ngôn từ cũng luôn tâm niệm: "Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình" (Tự bạch). Nên nhà thơ đã trước sau dặn dò con: "Người đồng mình thương lắm con ơi/ Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn/ Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/ Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc/ Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục/ Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con" (Nói với con, SGK Ngữ văn).
"Phía sau sự thành công", là cách tiếp cận đối tượng viết
Người ta thường nói: "Tấm huy chương nào cũng có mặt sau của nó". Triết lí này ứng sát vào muôn mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Sáng tạo (khoa học - kỹ thuật, cũng như văn hóa, văn học nghệ thuật) là con đường khổ ải. Nếu người nghệ sĩ gặt hái được thành quả thì không đơn giản và ngẫu nhiên như "lấy từ trong túi mình ra". Mỗi thành quả dù lớn dù nhỏ của nghệ sĩ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đều được trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi cả máu. Nghiệp sáng tạo đầy vinh quang nhưng cũng thừa cay đắng.
Người đọc Về miền phong hương đỏ mãn nhãn vì có cơ hội được biết thêm nhiều chuyện "bếp núc", "hậu trường" của lao động văn học nghệ thuật - một bộ phận tinh tế nhất của văn hóa. Bài viết số 16 - Chìa khóa bước vào thế giới THEN về nghệ nhân Hoàng Việt Bình là một ví dụ sinh động: "UNESCO ghi danh Thực hành Then của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nhưng trong cuốn Từ điển này còn thiếu phần khảo sát Then của dân tộc Thái. Nhóm tác giả có tiếp tục hướng nghiên cứu phần còn thiếu này?". Cuốn Từ điển văn hóa Then của hai tác giả Hoàng Việt Bình và Lý Việt Trường, vậy là còn phải lên đường tiếp tục cuộc trường chinh theo cách "cật vấn" của Lê Thị Bích Hồng. Như ai đó viết câu thơ thật sát hợp với tâm thế của các tác giả từ điển: "Cứ đi, cứ đi, trời xanh thêm".
Định vị phong cách nghệ sĩ, đích hướng tới của sự viết
Sự giàu có của một nền nghệ thuật chính là ở tiềm năng của những cá tính, phong cách sáng tạo. Ngược trở lại lịch sử văn học Việt Nam thời kì 1930-1945, do thụ hưởng tối đa quá trình hiện đại hóa như là sự tích hợp tinh hoa văn hóa dân tộc với phương Đông và phương Tây đã sản sinh ra Phong trào Thơ mới (1932-1945), được coi như "Một cuộc cách mạng trong thơ ca". Trào lưu văn học hiện thực với tinh thần nhân văn cao cả đã hướng tới số phận của nhân dân lao động nghèo khổ, chia sẻ và cảm thông, nâng đỡ họ vượt qua bóng tối. Trào lưu văn học cách mạng có vị thế tiên phong khi hướng con người đấu tranh cho một tương lai xán lạn. Mỗi trào lưu/ khuynh hướng/dòng văn học đều có đại diện tiêu biểu của mình - đó chính là những phong cách nghệ thuật độc đáo.
17 chân dung - phong cách (dù dưới hình thức tiểu luận hay phê bình) tác giả đều tô đậm cốt lõi "cá tính sáng tạo" gắn với quá trình phát triển văn học trong tính tổng thể của nó. Đúng là "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười" là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam: Lĩnh vực văn học có Tô Hoài, Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Mã Thế Vinh, Y Phương, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn, Hoàng Quảng Uyên, Dương Khau Luông, Trần Thị Nương, Trần Ngọc Trác; lĩnh vực điện ảnh có Nông Ích Đạt, Trần Phương; lĩnh vực mỹ thuật có Vi Ngọc Linh, Trần Thái, Chế Kim Trung và tác giả Từ điển văn hóa Then là hai nhà nghiên cứu trẻ: Hoàng Việt Bình - Lý Việt Trường. Cách viết cho thấy tác giả đã đã "lặn" sâu vào "bể" văn nghệ, vào mỗi "tiểu vũ trụ" (cá thể sáng tạo), đã "định vị" được cá tính và thần thái thái các nghệ sĩ mà mình yêu mến. Nhiều chỗ, tác giả như hóa thân vào đối tượng viết, thậm chí có lúc như "nhập đồng" (!?).
Là người sáng tác văn xuôi nên câu chữ của Lê Thị Bích Hồng trong viết tiểu luận - phê bình được chăm chút, tránh cho người đọc cảm giác khô cứng khi tiếp nhận loại sách lâu nay hay bị định kiến là trường ốc, kinh viện, thậm chí có người nống lên là "học phiệt". Tôi quả quyết tiên lượng, Lê Thị Bích Hồng chưa hề ngưng nghỉ ý chí, chưa hề vơi cạn tình yêu nghệ thuật, chưa mỏi tay bút (gõ bàn phím). Nữ sĩ, theo hình dung của tôi, như một "hỏa diệm sơn" chực phun trào.