Sống chậm cuối tuần: Thứ tôi giàu có ngày ấy chính là thời gian
Không ai muốn quay về thời nghèo khổ. Nhưng sao tôi vẫn muốn sống lại thời Hà Nội sau chiến tranh ấy. Lại đạp xe cả đêm. Lại cuốc bộ nửa ngày. Trong túi không tiền, trên đầu không mái ấm, vẫn sống ung dung. Vì có bạn bè.
Xa cách Hà Nội nhiều năm, nơi tôi từng sống đã đổi khác nhiều. Còn nhớ, có lần nhà văn hóa Đào Hùng kể tôi nghe, mấy anh em bạn rượu Đào Hùng, Trần Quốc Vượng, Thái Bá Vân, toàn các "đấng bậc văn hóa Hà thành" khuya khoắt đi uống rượu suông ở ga Hàng Cỏ. Hàng nước trước cửa ga bán chè chén kiêm quốc lủi. Ghế băng. Bàn nhỏ. Tôi đã viết một tạp bút Có một nền văn hóa...ga kể lại chuyện này. Một chuyện khiến tôi hiểu Hà Nội của mình bây giờ sang trang. Đừng dùng những ngôn từ cũ cho một Hà Nội mới, kẻo mà hố to.
Tôi với Định Nguyễn và vài bạn bè khác hay rượu nhưng dở tiền. Vì thế, tôi chỉ còn đúng 2 bộ quân phục cũ, còn quân phục mới được cấp phát đều lần lượt đội nón ra đi. Địa chỉ giao dịch là Bờ Hồ, trước cửa hàng mậu dịch quốc doanh (sau này thành..."Hàm cá mập"), nơi các con phe sẵn sàng chào đón chúng tôi với tiếng lóng bình dân và dáng vẻ tươi vui nhất. Áo đại cán sĩ quan được 40 đồng, quần 3 chục, sơmi quân nhân 25. Đó là giá chuẩn. Mỗi lần bán một món là rượu được mấy ngày. Niềm vui thật giản dị, như thơ. Nghĩ lại, hồi xưa các cụ Lý Bạch Đỗ Phủ đều bán áo uống rượu, mình không theo truyền thống các cụ thì lấy gì để cách tân? Thơ ở đó, chứ đâu!
Tôi nhớ, trong những bài thơ Đường của các bậc đại thi sĩ nói về chuyện bán áo uống rượu với bạn bè, các cụ đều ngầm ý tự hào. Mới đầu tôi chưa hiểu: tới mức phải bán áo uống rượu thì có gì tự hào chứ? Bây giờ ngẫm lại, niềm tự hào ấy là có thật. Nó thể hiện sự khác biệt. Lại như một kiêu hãnh.
Tôi với Định Nguyễn thì đơn giản hơn nhiều: Chỉ là bán áo uống rượu. Lại là áo bộ đội, hồi đó người ta cấm bán. Nói vậy thôi, chứ có anh bộ đội nghèo khó nào chẳng từng bán áo vì những mục đích khác nhau. Bán áo mình chứ không bán áo ai, là lương thiện.
Nhớ Định Nguyễn, lại nhớ thời buồn khổ nhất của đời anh sau này, vào cuối những năm 1980. Khi đó tôi về Quy Nhơn đã lâu, thỉnh thoảng có ra Hà Nội, và có gặp Định Nguyễn. Lần gặp sau cùng vào đại hội nhà văn lần thứ 4-cuối năm 1989. Chúng tôi đang uống rượu ở nhà anh Trung Đức thì Định Nguyễn tới. Anh nhập bàn và mở túi lấy ra một tờ bản thảo. Tưởng anh đọc bài phê bình mới viết, nào ngờ Định Nguyễn cất giọng đọc…điếu văn. Đó là bản điếu văn anh viết trước cho mình.
Tất cả chúng tôi đều bị choáng, lặng im nghe anh đọc. Chúng tôi nghe, vừa buồn cười vừa muốn…khóc. Bạn mình đã tới bước đường cùng vậy ư?
Chỉ mấy tháng sau, Định Nguyễn qua đời. Và hậu sự của anh diễn ra đúng như bài "điếu văn viết trước" của anh. Điếu văn ấy kỳ lạ, vì người viết tự viết cho mình, và vì nó biết giấu cái bi sau cái hài. Hài tới chảy nước mắt. Và nó ai điếu về thân phận con người, về chính thân phận người viết ra nó. Số phận con người bao giờ cũng có trước và đứng trên văn học. Không thể ngờ Định Nguyễn lại kết thúc đời mình buồn thảm như thế. Bây giờ nghĩ lại, lớp Ngữ văn của tôi đã có những thân phận rất buồn, những cuộc đời nhiều dang dở.
***
Không ai muốn quay về thời nghèo khổ. Nhưng sao tôi vẫn muốn sống lại thời Hà Nội sau chiến tranh ấy. Lại đạp xe cả đêm. Lại cuốc bộ nửa ngày. Trong túi không tiền, trên đầu không mái ấm, vẫn sống ung dung. Vì có bạn bè.
Mỗi lần đạp xe từ Hải Dương về Hà Nội, tôi hay tá túc nhà thi sĩ Trúc Thông. Anh lớn hơn tôi 6 tuổi, nhưng coi nhau như bạn bè. Bà mẹ Trúc Thông là điển hình cho một bà mẹ nông dân nghèo miền Bắc, dù nhà bà ở ngay Thủ đô - số 16 phố Hồng Phúc, khá gần vườn hoa Hàng Đậu. Công việc chính của bà là nuôi lợn, và lo chuyện bếp núc. Còn Trúc Thông, anh nhận một nhiệm vụ bất di bất dịch, là lấy nước gạo từ các nhà hàng xóm, vào đúng tầm 7h tối. Xong việc thì có thể đi chơi.
Bao giờ tôi cũng đợi Trúc Thông xong việc, sau đó anh em thong dong đạp xe qua các phố phường Hà Nội. Ngày ấy Hà Nội còn vắng xe cộ lắm, phương tiện giao thông hầu hết là xe đạp. Người đi bộ cũng rất đông. Gần như không thấy tai nạn giao thông.
Chúng tôi cứ đạp xe chầm chậm trên phố, vừa chuyện trò say sưa. Chuyện thơ. Chuyện tình yêu. Chuyện bạn bè khắp cả nước. Thi thoảng, lại ghé hàng chè chén năm xu. Bấy giờ cuộc đời sao thanh thản lạ lùng. Và tốn rất, rất ít tiền.
Vào một lúc đạp xe lang thang như vậy, tôi chợt nói với Trúc Thông về một cô gái tôi mới gặp ở nhà Trần Nguyên Vấn. Gặp chứ chưa quen. Tôi có vẻ thích cô gái này. Hóa ra, Trúc Thông cũng biết cô ấy. Anh nói, cô thuộc nhóm những học sinh Huế lên chiến khu rồi ra Hà Nội học, cùng với mấy anh lớn hơn là 2 nhà thơ Trần Vàng Sao và Nguyễn Hữu Ngô. Vậy thì tôi cũng biết. Trước khi đi B, tôi đã đọc thơ Nguyễn Hữu Ngô và Trần Vàng Sao, những bài thơ khác lạ so với thơ miền Bắc hồi đó. Biết cô gái này đang học lớp báo chí, tôi đề nghị Trúc Thông đi cùng tôi lên trường gặp cô ta. Trúc Thông vui vẻ nhận lời. Hôm sau, 2 chúng tôi đạp xe lên trường, nhờ bác thường trực kêu cô gái ra cổng, có khách. Nhờ cô gái có quen Trúc Thông, nên tôi đỡ quê, chuyện trò rất hồn nhiên thân mật. Hóa ra, được. Cô gái ấy sau này là vợ tôi, bắt đầu từ cái lần quen khi tôi đi cùng Trúc Thông lên trường báo chí. Tháng 9/1975.
Có người yêu, vẫn…lang thang cơ nhỡ. Cũng chả có gì lạ, khi người yêu không gia đình ở miền Bắc, chỉ nội trú trong trường. Còn tôi thì vẫn đạp xe rong ruổi Hải Dương-Hà Nội, vẫn tá túc nhà bà con hay bạn bè, vẫn cùng Định Nguyễn rượu 109 phố Huế, tiền trong túi vẫn có có không không.
Tôi nhớ một lần đạp xe từ Hải Dương xuống Hải Phòng chơi. Không quen ai, chỉ đạp xe qua các con đường đẫm vị cần lao của thành phố Cảng. Buổi chiều, nhìn những công nhân Cảng cởi trần đi trên phố tìm bia hơi, tôi rất ấn tượng. Có lẽ đây là thành phố duy nhất trong nước mà công dân của nó cởi trần đi ra đường một cách hồn nhiên, "phanh ngực áo và mở trần bản chất" đúng tính cách người Hải Phòng. Chơi chán, tôi lại ra ga, mua vé tàu xuôi Hà Nội. Mất khoảng 5 tiếng đồng hồ để về ga Hàng Cỏ. Nhưng tôi có thời gian. Thứ tôi giàu có lúc ấy, chính là thời gian.