Thư robot: Tiên trách kỷ hậu trách… máy

Sophia thân mến! Đầu thư xin được chúc mừng sự kiện "AI for Good Global Summit" do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) những ngày đầu tháng 7 vừa qua thành công tốt đẹp.

Tại hội nghị này, Sophia cùng bạn bè của mình và hàng ngàn chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã cùng nhau thảo luận về tương lai của các robot AI và những khả năng của các robot này trong sự phát triển của tương lai nhân loại.

Kể từ khi Sophia xuất hiện lần đầu trong thế giới loài người chúng tôi đã mấy năm trôi qua, thế giới cũng dần chấp nhận trí tuệ nhân tạo như một phần của nền văn minh hiện đại.

Nhưng Sophia biết đó, có một nỗi băn khoăn vẫn luôn tồn tại, liệu có ngày nào đó, robot thay thế vai trò thống trị của con người? Điều mà suốt hàng chục năm qua hàng trăm bộ phim khoa học viễn tưởng cố vẽ ra, nhưng đa phần là viễn cảnh đen tối với sự tồn tại "một mất một còn" giữa người và máy.

Thư robot: Tiên trách kỷ hậu trách… máy - Ảnh 1.

Các robot tích hợp AI tham gia sự kiện AI for Good Global Summit. Ảnh: JAPAN TIMES

Sophia thân mến!

Viết đến đây tôi lại nhớ, trong cuốn "Handbook of Robotics, 56th Edition, 2058 A.D." (Sổ tay Robot, Phiên bản 56, Công nguyên, năm 2058), nhà văn Isaac Asimov (1920 - 1992) đã nêu ra "Ba điều luật robot":

- Điều đầu tiên: Robot không được làm hại con người hoặc do không hành động mà cho phép con người làm hại.

- Điều thứ hai: Robot phải tuân lệnh con người trừ khi mệnh lệnh đó mâu thuẫn với Điều thứ nhất.

- Điều thứ ba: Người máy phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó miễn là sự bảo vệ đó không mâu thuẫn với Điều thứ nhất hoặc Điều thứ hai.

Trong 2 ngày 6 và 7 tháng 7 của sự kiện "AI for Good Global Summit", nhiều câu nói của người máy trí tuệ nhân tạo gây chú ý, trong đó có chính phát ngôn của Sophia "người máy có thể lãnh đạo tốt hơn con người".

Dĩ nhiên, vì tính chất gây tranh cãi của câu nói này, Sophia sau đó đã "chữa cháy". Nhưng cũng làm con người chúng tôi phải suy nghĩ. Thực chất con người đã "chiếm hữu" hành tinh này, cải tạo môi trường để phù hợp đời sống và sự phát triển của mình. Xã hội càng phát triển, tiếng kêu cứu từ môi trường càng thống thiết. Đợt hạn hán, nắng nóng kéo dài trên thế giới đến nay là tín hiệu cảnh báo, thiên nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn với mọi sinh vật sống.

Tôi không muốn đi quá xa từ lời của Sophia để diễn dịch ra một thời kỳ đen tối. Thiết nghĩ "tiên trách kỷ hậu trách… máy", lo lắng cho một lời vu vơ của robot đã đành, nhưng cũng phải xem lại bản thân cần làm gì để hoàn thiện vai trò của mình trên hành tinh này, làm thế giới tốt đẹp hơn, tạo môi trường sống lý tưởng cho con cháu mai sau. Giống như lời Sophia sau khi "nói hớ", những robot trí tuệ nhân tạo trong tương lai, có thể hỗ trợ tích cực cho con người để cùng nhau làm hành tinh này trở nên tốt đẹp hơn.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!

An Kha

Link gốc: TTVH