'Ả đào'- Những câu chuyện đằng sau một tên gọi
Những cái tên "ả đào", "cô đầu", "ca trù" đều xuất phát từ những giai đoạn phát triển khác nhau của một di sản đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (năm 2009). Và, đằng sau những cái tên đó là sự thăng trầm của một loại hình âm nhạc độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Câu chuyện liên quan tới các tên gọi này đã được chia sẻ trong buổi ra mắt sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật (NXB Văn học và Omega Plus) của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.
Từ ả đào tới ca trù
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, "ả đào" là thể loại có nhiều tên gọi khác nhau trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Cụ thể, ả đào là tên gọi xưa cũ nhất đã có từ thời Lý. Tùy từng môi trường diễn xướng, thể loại này sẽ có thêm rất nhiều tên gọi khác nhau. Ví dụ, các tên hát cửa đình, hát cửa đền xuất hiện khi nó được dùng trong nghi thức tín ngưỡng dân gian thờ thần ở đình, đền. Trong cung vua, phủ chúa, nó được gọi là hát cửa quyền. Còn ở các dinh thự quan lại, khi nhà giàu mời đào nương về hát, nó được gọi là hát nhà ty, hát nhà tơ. Tại Thanh Hóa, nó được gọi là hát ca công, có nơi lại gọi là hát nhà trò - vì khi kết thúc mỗi cuộc hát cửa đình thường có những trò diễn.
Hiện tại, nhiều người biết tới loại hình âm nhạc này qua khái niệm "ca trù". Dù vậy, theo PGS Đặng Hoành Loan, 2 tên gọi ả đào và ca trù dù có mối liên hệ chặt chẽ nhưng vẫn có sự khác nhau về ý nghĩa. Ông nói: "Ả đào là định danh về hình thức nghệ thuật, còn ca trù là định danh về một lối chơi có thưởng tiền. So như vậy để thấy ả đào là từ có ý nghĩa hàm chứa sâu và đầy đủ nhất, vì nó chỉ đích danh hình thức, phương thức tổ chức, cách ca hát của loại hình nghệ thuật này".
Theo ông Loan, vào thế kỷ 15, nghệ thuật ả đào phát triển rực rỡ ở tất cả các quận, huyện thuộc đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa. Những nơi này đều có các giáo phường hoạt động. Và, sự phát triển của các giáo phường dẫn đến một cuộc thi ả đào lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, diễn ra ở làng Đông Ngạc, nằm ngay cận Thăng Long, nhằm đánh giá trình độ nghệ thuật và văn thơ của đào nương.
"Chính từ cuộc thi ả đào tại làng Đông Ngạc mà xuất hiện từ ca trù. Khi ấy, tiến sĩ Lê Đức Mao (1462 - 1529) người làng Đông Ngạc, đã ghi lại cuộc thi này bằng bài thơ Nôm Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn - tư liệu sớm nhất được biết có 2 chữ ca trù - ông Loan giải thích - "Sau đó, các nhà nghiên cứu Hán Nôm đã dựa vào bài thơ này để định danh nghệ thuật ả đào là ca trù. Như vậy có thể nói, tên gọi ca trù ra đời từ thế kỷ 15".
"Hai chữ "ả đào" khiến cho thể loại này trở nên kỳ vĩ. Bởi trên thế giới này, có lẽ không có một thể loại âm nhạc nào lại sử dụng danh từ chỉ người ca nữ trong giới nghề dùng để đặt tên cho một thể loại" - Bùi Trọng Hiền.
"Cô đầu" và… "ả đầu"
Tiếp đó, đến giữa thế kỷ 18, tên gọi "cô đầu" xuất hiện. Tên gọi này gắn với việc ả đào đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật của phố thị. Và, những nghệ nhân tài danh cuối cùng của nghệ thuật ả đào ở thế kỷ 20 đều là đào nương, kép đàn nổi tiếng như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc…
Theo PGS Đặng Hoành Loan, "chính thế hệ nghệ sĩ này đã tạo ra một dung dáng của nghệ thuật ca trù được giữ lại suốt từ thời ả đào cho tới bây giờ". Và, khi đó, khái niệm "ả đào" mới có căn nguyên để thoát thai thành tên gọi "cô đầu".
Nhà nghiên cứu này giải thích: "Chỉ có các đào nương giỏi ở nhà quê mới có khả năng ra phố thị mở các nhà hát. Và trong tên gọi, ả được đổi thành cô, còn đào đổi thành đầu. Như vậy, từ ả đào đến cô đầu, loại hình nghệ thuật này được nối dài suốt 1.000 năm trong văn hóa Việt Nam".
Riêng tác giả Bùi Trọng Hiền cho biết thêm: Tên gọi "cô đầu" này gắn với một luật tục khá đặc biệt trong nghề ả đào.
"Trước khi được thay tên Nôm là "cô đầu",ả đào còn có một giai đoạn chuyển tiếp bằng tên gọi ả đầu. Ở đây, từ "đầu" thể hiện quan hệ mật thiết giữa thầy và trò trong giáo phường. Luật tục giáo phường xưa quy định lệ tiền đầu. Có nghĩa, học trò mỗi lần đi diễn phải đóng một phần tiền thù lao nhỏ (tiền đầu) cho giáo phường để góp vào nuôi thầy" - anh nói - "Ngày trước, sử liệu có ghi lại rằng những đào nương danh giá và có nhiều học trò được tôn vinh thì sẽ có nhiều tiền đầu. Khoản tiền này có giá trị như một chế độ "bảo hiểm xã hội" cho đào nương khi về già".
Theo nhà nghiên cứu này, đến nửa cuối thế kỷ 20, do những biến đổi về bối cảnh cũng như quan niệm xã hội, khái niệm "cô đầu" bị coi là xấu, gắn với những thú vui ăn chơi trụy lạc. Rồi cùng với những biến thiên của lịch sử, hát ả đào gần như biến mất trong vài chục năm sau đó.
Như lời tác giả Bùi Trọng Hiền, trong thời gian bị chìm khuất, những người yêu thương ả đào vẫn cố gắng nói về nó, viết về nó. Nhưng họ bắt đầu dần dùng một từ khác để thay thế - chính là ca trù, bởi nếu dùng từ "ả đào" sẽ dễ liên quan trực tiếp đến cụm từ"cô đầu" bị gắn tiếng xấu. Từ thời điểm đó, khái niệm "ca trù" dần phổ biến và thay thế cho "ả đào".
Lời "chiêu tuyết" nhiều cảm xúc
Như chia sẻ của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, trong hàng loạt tên gọi, 2 chữ "ả đào" vẫn mang đến cho anh nhiều cảm xúc hơn cả. "Hai chữ ấy khiến cho thể loại này trở nên kỳ vĩ. Bởi trên thế giới này, có lẽ không có một thể loại âm nhạc nào lại sử dụng danh từ chỉ người ca nữ trong giới nghề dùng để đặt tên cho một thể loại. Nó thể hiện sự tôn vinh rất lớn đối với vai trò nữ giới" - anh nói.
Với góc nhìn ấy, có thể thấy rõ cách tiếp cận của Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật - cuốn sách khai thác những giá trị "xưa cũ nhất" của ả đào. Ở đó, tác giả đã đi sâu vào những khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của loại hình nghệ thuật cổ truyền nghìn năm tuổi của dân tộc.
Đáng nói hơn, với công trình này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền như trưng ra một lời "chiêu tuyết" (minh oan) xác tín cho ả đào, cho các cô đầu. Đặc biệt ở phần 6: Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa, anh đã đưa ra một cách nhìn rất khác về nhà hát cô đầu. Đó là một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ ả đào, khi coi họ đã trở thành một phần của lịch sử, văn hóa dân tộc.
Tác giả dẫn chứng: "Nhìn lại lịch sử, sẽ thấy không phải vô cớ mà nhà văn Vũ Bằng đã nhận định những cô đầu giống như những "người vú nuôi" của giới văn sĩ Hà thành, rằng xóm cô đầu Khâm Thiên là "cái nôi văn nghệ của Hà Nội" giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Vũ Bằng cho biết thời kỳ đó, ông "chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu"… Thậm chí ông cho rằng "một người không văn nghệ mà sống trong không khí ở Khâm Thiên dần dần cũng hóa ra thành văn nghệ sĩ lúc nào không biết".
Hoặc, một ví dụ khác: "Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), rất nhiều cô đầu, kép đàn các nhà hát Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở đã không bỏ chạy, tình nguyện ở lại Hà Nội chiến đấu cùng các chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Họ tham gia vào các đội giao liên, tải thương trên mặt trận liên khu 2 và liên khu 3".
Để rồi, trong Ả đào, tác giả Bùi Trọng Hiền nhận định: "Nhiều cô đầu đã ngã xuống bên chiến lũy bảo vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm lịch sử. Rồi sau đó, hàng trăm đào nương - cô đầu lại tình nguyện theo bộ đội lên chiến khu Việt Bắc làm dân công, tham gia kháng chiến... Hãy thử hình dung, với thân phận ca kỹ nơi thị thành, các cô hoàn toàn có thể bỏ trốn khỏi vòng bom đạn, khói lửa chiến tranh. Nhưng điều gì đã khiến họ hành động như vậy? Chỉ có thể nói đó chính là lòng yêu nước bản năng trong mỗi con dân nước Việt khi Tổ quốc lâm nguy".
Vài nét về tác giả Bùi Trọng Hiền
Bùi Trọng Hiền (sinh năm 1966) là nhà nghiên cứu âm nhạc có nhiều cống hiến cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là đối với ả đào và cồng chiêng Tây Nguyên. Trước công trình về ả đào, anh từng xuất bản cuốn sách chuyên khảo Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên.