Tác giả Lê Thế Song và một năm 2022 đặc biệt
Nói "đặc biệt" không sai, khi có tới 3 kịch bản của tác giả này gắn với những vở diễn giành giải cao nhất tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 và Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2022. Chưa hết, nhiều kịch bản sân khấu và lễ hội của anh cũng được dàn dựng trên toàn quốc.
1. Cụ thể, tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, có tới 4 vở diễn do Lê Thế Song viết hoặc chuyển thể từ kịch bản văn học sang chèo. Trong đó, Thiên duyên huyền tích (Nhà hát Chèo Thái Bình) giành Huy chương Vàng, Trọn đời vì nước non (Nhà hát chèo Nam Định) giành Huy chương Bạc. Còn ở Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022, vở Thượng Thiên Thánh Mẫu do anh và bà xã Xuân Hồng viết kịch bản (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng) cũng nhận Huy chương Vàng.
Thực ra, đó không phải là điều đáng ngạc nhiên với một tác giả đang nổi lên trong những năm gần đây như Thế Song. Viết nhanh, khỏe, đa dạng về đề tài lẫn thể loại và đã phần nào định hình được phong cách riêng - anh đã có khoảng 100 kịch bản được hoàn thành cho tới thời điểm này, trong đó phân nửa được dàn dựng tại các đơn vị cải lương, chèo, tuồng, kịch nói. Không ít kịch bản trong số đó đã giúp Lê Thế Song "quen mặt" với các giải thưởng sân khấu, điển hình là Liên hoan chèo toàn quốc 2019. Tại sự kiện ấy, 6 vở chèo của anh đã được dàn dựng, trong đó có 4 vở đoạt huy chương…
"Phủ sóng" rộng trên nhiều thế loại, nhưng tác giả sinh năm 1969 này cũng thừa nhận: Thế mạnh - và thể loại được anh tâm đắc nhất - vẫn là chèo. Quê gốc ở chiếu chèo làng Ngò (Lý Nhân, Hà Nam), Lê Thế Song tìm tới thể loại này như một tất yếu khi theo học khoa Biên kịch kịch hát dân tộc của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Để rồi, khi viết tác phẩm chèo đầu tay trong dịp tốt nghiệp ở tuổi 43, anh vẫn được các chuyên gia trong nghề gọi bằng ba chữ "tác giả trẻ", trước cả một khoảng trống mênh mông từ đội ngũ những người sáng tác cho chèo.
"Đến giờ, nghệ thuật chèo vẫn là một kho tàng vô giá của văn hóa dân tộc. Tôi được học rất kỹ về các vở chèo cổ, về lề lối trình thức sắp xếp trò cũng như tư duy về đặc trưng ước lệ, về thơ, về cách sáng tác văn biền ngẫu. Để rồi sau này, ngay cả khi viết về đề tài hiện đại, âm hưởng từ chất liệu dân gian truyền thống vẫn thấm đẫm trong những kịch bản của tôi…" - anh kể.
2. Viết kịch vốn đã khó, nhưng viết kịch hát truyền thống còn phức tạp hơn nhiều. Ở đó, nếu tác giả cứ lệ thuộc vào những trình thức, lề lối cổ của kịch hát dân tộc thì sẽ khiến vở diễn cũ kỹ và lê thê, thiếu hơi thở hiện đại. Nhưng nếu không nắm vững những nguyên lý cơ bản này, những kịch bản sẽ lại "kịch pha chèo", "kịch pha tuồng" và mất đi bản sắc đặc trưng của mình.
Như lời Lê Thế Song, thời buổi bùng nổ phương tiện giải trí đang mang đến cho người xem - đặc biệt là các khán giả trẻ - quá nhiều lựa chọn. Và nếu vẫn mải mê với phương thức tự sự cùng những trò xưa tích cũ, việc khán giả quay lưng với sân khấu truyền thống là điều tất yếu xảy ra. Bởi thế, bản thân người viết kịch hát dân tộc cũng luôn cần có sự sáng tạo và đổi mới, dựa trên sự nắm vững và ứng biến hợp lý của các nguyên tắc về loại hình.
Hào hứng, Lê Thế Song kể về những sáng tạo trên sân khấu kịch hát truyền thống trong thời gian qua. Đó là vở kịch hát Trương Chi của Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, với sự kết hợp giữa chất liệu của quan họ và nghệ thuật chèo. Là vở diễn Thượng Thiên Thánh Mẫu của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, với những màn phối hợp "sóng đôi" giữa cải lương và xiếc. Rõ ràng, ở những vở diễn tìm hướng mới để tiếp cận khán giả như vậy, ngoài vai trò dàn dựng của đạo diễn, bản thân tác giả kịch bản cũng phải nắm rất vững về đặc trưng, ngôn ngữ của từng thể loại, cũng như tình huống kịch bản và các lớp diễn, trò diễn để làm cơ sở cho những thử nghiệm, tìm tòi.
"Có một thực tế, nhiều đơn vị sân khấu truyền thống vẫn ưa chuộng các đề tài lịch sử, dân gian - vốn là thế mạnh của tuồng chèo, vừa mang tới tâm lý… an toàn khi dàn dựng. Thật ra, với tôi, đề tài hiện đại cũng có sức hút rất lớn nếu chạm tới các xung đột mang tính thời sự của xã hội bây giờ" - anh nói - " Bởi thế, xét cho cùng, đề tài nào cũng có sức hấp dẫn riêng, vấn đề còn lại là cách khai thác và diễn giải của người viết. Thật sự đam mê và có sự tìm tòi để sáng tạo, tác giả mới có thể thành công trong những kịch bản của mình".
3. Khá thú vị, như chia sẻ của Lê Thế Song, phần lớn những kịch bản được dàn dựng trong thời gian gần đây của anh đến từ "đặt hàng" của các đơn vị sân khấu trên toàn quốc. Có nghĩa, ở một chừng mực, thương hiệu riêng của tác giả chèo này đã được khẳng định sau nhiều năm lao động nghệ thuật nghiêm túc và cầu thị. Để rồi bây giờ, anh lại đứng trước những đòi hỏi mới của nghề, khi luôn phải duy trì sự sáng tạo và bản sắc riêng sau hàng chục kịch bản đã ra mắt thành công.
"Các đơn đặt hàng thường chỉ dừng lại ở đề tài, còn tác giả phải tự đào sâu tìm hiểu để sáng tác theo cảm xúc của mình. Nghề kịch hát dân tộc không kén người, nhưng thật lòng, cần có sự kiên tâm và lòng yêu nghề để kiên trì theo đuổi" - anh kể - "Ở đó, người viết luôn đứng trước sức ép của sự thay đổi về tư duy, của câu hỏi đau đáu rằng khán giả hôm nay cần gì và muốn gì…"
Từng kinh qua nhiều nghề, kể cả bốc vác, thợ hồ, đãi vàng... cuộc sống vất vả thời trẻ đã mang lại cho Lê Thế Song nhiều trải nghiệm, trước khi đến với sân khấu. Vốn sống phong phú ấy giúp anh trở thành một tác giả kiêm biên kịch của những chương trình truyền thông về nghệ thuật cho các tổ chức phi chính phủ. Để rồi, khi theo học ngành biên kịch, mối lương duyên với người bạn đời, Thạc sĩ Xuân Hồng - con gái của cố tác giả Hoàng Luyện - đã giúp anh thêm gắn bó và phát triển tình yêu với nghệ thuật. Hơn chục năm qua, cùng với vợ, anh đã có nhiều chuyến đi tới mọi miền đất nước để thực hiện các dự án nghệ thuật - và ở phía ngược lại, tự làm giàu thêm về kinh nghiệm, vốn sống và vốn văn hóa truyền thống của mình cho những kịch bản tiếp sau…
Như chia sẻ, trong năm 2023 tới, một loạt chương trình đang chờ Lê Thế Song, trong đó có lễ hội Mẫu Đông Cuông, lễ hội Yên Thế, chương trình thực cảnh về Hồ Gươm và một vở chèo tại Nhà hát chèo Quân đội. Có nghĩa, sau một năm 2022 khá thành công, tác giả này cũng đang chờ đợi một năm mới còn bận rộn và hào hứng hơn trước.