Điểm danh 3 bộ phim đáng xem nhân dịp kỉ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son sáng chói trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tiến tới dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), hãy cùng điểm lại một số bộ phim đặc sắc, ấn tượng khi khai thác đề tài về cuộc chiến "vang vọng năm châu, chấn động địa cầu" của cha ông ta.
1. Hoa ban đỏ
Hoa ban đỏ là loạt phim truyền hình chiến tranh dạng bán tài liệu của đạo diễn Bạch Diệp, ra mắt lần đầu năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nội dung phim không quá tập trung những hình ảnh trận mạc, chết chóc hay thương tật mà khai thác những khoảng lặng thời chiến như những lần mọi người cùng hát với nhau trong giờ giải lao, cảnh văn công lên tận chiến trường biểu diễn động viên tinh thần bộ đội, cảnh đào hầm thầm lặng và ngột ngạt trong đêm, những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng...
Theo mạch phim, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn trưởng Phương (Trần Lực) bị trọng thương khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh Cứ điểm 206. Ở bệnh viện quân y, Phương gặp Tấm (Thu Hà) - cô y tá đồng hương với anh. Khi vết thương đã lành, Phương tạm biệt Tấm để trở lại đơn vị, cuộc chia tay của họ diễn ra ở một cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ. Tấm đã thầm yêu Phương và trong lòng mong ngóng ngày chiến thắng để họ được đoàn tụ.
Ngày cứ điểm bị đập tan, Tấm đã chạy đi khắp cánh đồng Mường Thanh nhưng không tìm được Phương, quanh cô chỉ có tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận. Cảnh phim vừa bi tráng vừa xúc động đã thực sự chạm tới trái tim của khán giả.
3. Ký ức Điện Biên
Ký ức Điện Biên do đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cầm trịch, sản xuất năm 2004. Phim được Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện và được nhà nước cấp kinh phí để làm nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ban đầu, bộ phim mang tên Người hàng binh theo kịch bản của Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đỗ Minh Tuấn, về sau được đổi tên thành Ký ức Điện Biên.
Bộ phim diễn ra theo lời kể của Bạo, một lính vệ quốc đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều năm sau chiến tranh, ông gặp lại Bernard, người hàng binh trước kia. Vào thời gian chiến tranh, Bernard là một lính Pháp quyết định đầu hàng khi chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến mình tham gia. Bernard gặp Bạo và được Bạo đưa về vùng hậu cứ để khai thác thông tin. Trong chuyến hành trình, Bernard bị thương và được y tá Mây chăm sóc. Chứng kiến khí thế hào hùng của quân và dân Việt Nam, Bernard thay đổi thái độ, muốn trở lại chiến trường để khai thêm thông tin giúp quân ta chiếm sân bay Mường Thanh.
Mây ngày càng gần gũi với Bernard khi thấy anh tham gia làm anh nuôi, khiến Bạo bối rối và bất lực. Trong một đêm mưa, khi thấy vắng Bernard, nghĩ rằng Bernard bỏ trốn, Bạo đã vác súng đi tìm để giết anh. Mây đuổi theo can ngăn Bạo nhưng không được. Khi chứng kiến cảnh Bernard ngồi khóc giữa bãi xác đồng đội, Bạo như tỉnh ngộ. Chính trong khoảnh khắc bừng tỉnh tính nhân văn ấy, anh đã có Mây. Cảnh Mây ôm choàng lấy Bạo khi mũi súng hạ xuống hiện lên như bức tượng của nhân tính và tình yêu trên nền trời đêm rực rỡ những vệt pháo sáng bay lên. Sau này, khi quan hệ giữa Bạo và Bernard tốt đẹp hơn, Bạo vẫn phải tiếp tục đối mặt với trận chiến tại Điện Biên.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đây là bộ phim kỷ niệm đầu tiên nhìn sự kiện lịch sử từ góc nhìn văn hóa đa chiều với cách tiếp cận đa phương tiện, anh cũng cố gắng tái hiện ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn nhân văn để xây dựng hình tượng điện ảnh về chiến thắng này, khôi phục những ký ức hào hùng cảm động của dân tộc.
2. Đường lên Điện Biên
Đường lên Điện Biên là một bộ phim truyền hình do NSƯT Bùi Tuấn Dũng làm đạo diễn. Dự án này được phát sóng nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Đường lên Tây Bắc và Đại đội trưởng của tôi của nhà văn Mai Vui.
Bộ phim khai thác câu chuyện từ năm 1954 với những chàng Vệ quốc đoàn hào hoa rời thủ đô đi kháng chiến và những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, nết na. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện lãng mạn mà bi tráng... Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh: Hình ảnh Tổ quốc và tình yêu là chủ đề xuyên suốt của phim.
Phim xoay quanh hành trình của một tiểu đoàn bộ binh chủ lực trong chuyến hành quân xuyên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử. Cùng với đó là chuyến đi của một "đoàn quân" đặc biệt khác: 500 cô gái dân công. Tình cảm nam nữ, những xung đột chồng chéo, những câu chuyện vừa bi tráng, vừa thấm đẫm tình bạn, tình đồng chí... giữa các nhân vật thuộc 2 đơn vị này đã dần nảy sinh và đồng thời với đó, những biến cố vẫn liên tục xảy ra.
Chia sẻ về bộ phim, vị đạo diễn cho biết, bộ phim những chi tiết thực đến mức, đắt giá đến mức thậm chí chưa từng có trong sách vở. “Chẳng hạn, chúng tôi tái tạo bữa cơm đặc biệt của đoàn dân công hỏa tuyến. Họ ăn bằng bát tre và gáo dừa. Chỉ cần phạt tre đi là thành bát ăn. Những con cá khô, có cả câu chuyện cô dân công hỏa tuyến đã để dành cá khô cho sinh nhật mình như thế nào. Và rồi cô không bao giờ có thể có bữa cơm sinh nhật cá khô tuổi 20 ấy vì đã hy sinh trước khi ngày đó đến”.
Đoàn làm phim từng tiết lộ rằng các trợ lý đã phải đi nhiều vùng tại Thanh Hóa, Nghệ An để thu thập các điệu hò do dân công hỏa tuyến hát thời đó. Những điệu hò này không thể sử dụng trực tiếp ngay do một số sắc thái phồn thực, suồng sã. Tuy nhiên, chúng đã được nhạc sĩ Hoàng Lương chỉnh lời cho phù hợp, mang âm hưởng mạnh của thời kỳ Điện Biên Phủ.