Công Phượng và bài học xuất ngoại của cầu thủ Việt

Công Phượng hiện là cầu thủ Việt Nam duy nhất hiện đang chơi bóng ở nước ngoài và dù CLB chủ quản Yokohama FC đã xuống chơi ở J-League 2 thay vì hạng đấu cao nhất là J-League 1, nhưng tiền đạo này vẫn không được thi đấu.

Thay vì được thi đấu ở đội hình 1 của Yokohama FC trong mùa giải mới đã bắt đầu khởi tranh, Công Phượng lại vẫn phải đá ở đội hình 2, dù tuổi đời không còn trẻ (sinh năm 1995). Tất nhiên, đặc thù của môi trường bóng đá Nhật Bản là luôn có những trận đấu song song với J-League 1 hoặc J-League 2 dành cho những cầu thủ dự bị, không được ra sân và đó là cơ hội để họ nỗ lực ghi điểm với BHL với hy vọng được đưa lên đội 1 trong những trận đấu kế tiếp. Nhưng rõ ràng, việc chưa có cơ hội nằm trong số 18 cầu thủ đăng ký thi đấu ở đội hình 1 của Yokohama FC, dù đó là J-League 2, là một nỗi thất vọng không chỉ với người hâm mộ và cá nhân Công Phượng cũng thế.

Công Phượng đã quyết định ở lại Yokohama FC dù đội bóng này xuống hạng, ngoài hy vọng được ra sân thi đấu thường xuyên một phần khác vì anh cũng đã ổn định cuộc sống tại Nhật Bản cùng gia đình nhỏ của mình. Ngay lúc này, dù chưa nghỉ thi đấu nhưng Công Phượng cũng đã có những dự định cho bước đường tương lai của mình, chỉ có điều ở công việc chính là cầu thủ chuyên nghiệp thì tiền đạo này đang ở thời điểm khó khăn nhất của sự nghiệp.

HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chưa quên Công Phượng, việc ông cất công sang Nhật Bản xem Công Phượng thi đấu ở đội hình 2 của Yokohama FC cuối tuần qua là minh chứng cho điều ấy. Nhưng cũng giống như các lần trả lời báo chí trước đây, khi trò chuyện trực tiếp với Công Phượng, HLV Troussier vừa động viên đồng thời cũng nhắc nhở Công Phượng phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để được thi đấu thường xuyên hơn và đó là cách duy nhất để lấy lại cảm giác bóng thậttốt, cánh cửa duy nhất để trở lại với đội tuyển Việt Nam.

Khi mà Tiến Linh vẫn chưa lấy lại phong độ sau chấn thương, Văn Tùng hay Thanh Nhàn mờ nhạt tại CLB còn Đình Bắc đang chịu án kỷ luật nội bộ ở CLB Quảng Nam thì HLV Troussier rất cần những cựu binh như Công Phượng để tăng hiệu quả cho hàng tấn công đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 và sau đó là AFF Cup 2024.

Bình luận: Công Phượng và bài học xuất ngoại của cầu thủ Việt - Ảnh 1.

Đã khoác áo Yokohama được 2 mùa giải nhưng Công Phượng vẫn không thể có được chỗ đứng ở đội 1. Ảnh: FBNV

Tuy nhiên, nếu Công Phượng vẫn thể hiện như thời gian qua, không được ra sân ở CLB thì ông Troussier chẳng thể nào triệu tập cầu thủ này trở lại đội tuyển Việt Nam, dù có thiếu tiền đạo đến nhường nào.

Trong mùa giải thứ 2 liên tiếp ở Nhật Bản, Công Phượng vẫn gặp khó khăn trong việc đi tìm chỗ đứng cho mình còn những người đồng đội, người bạn cùng trang lứa của anh thì đã không kiên nhẫn để chấp nhận mạo hiểm sự nghiệp nơi xứ người.

Quang Hải, Văn Hậu, Văn Toàn hay Tuấn Anh và kể cả Xuân Trường đã lựa chọn về lại V-League sau các chuyến xuất ngoại thi đấu không thành. Văn Toàn từng chia sẻ Công Phượng đã khuyên mình nên ở lại Hàn Quốc tìm một CLB mới để phát triển bản thân chứ đừng vội quay về V-League.

Xuân Trường giờ đây sau vài năm nhìn lại cũng tự thừa nhận sai lầm là nếu kiên trì ở lại Incheon United thay vì chuyển sang Gangwon FC chỉ sau 1 mùa giải thì có lẽ hành trình xuất ngoại của mình có lẽ sẽ khởi sắc hơn.

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, sự lựa chọn cho tương lai sự nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nhưng từ chuyện của Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường trước kia và nay là Công Phượng để thấy cầu thủ Việt Nam vẫn chưa thật sự mạnh dạn, kiên trì mỗi khi chọn con đường ra nước ngoài thi đấu. Một khi đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân nhưng lại không kiên định với lựa chọn của mình thì cũng khó để thành công. 


Lâm Chi

Link gốc: TTVH