Chữ và nghĩa: Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
"Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng" là một câu tục ngữ quen thuộc của người Việt Nam. Trước hết, ta hãy phân tích nghĩa tường minh của tục ngữ này.
Chỉ có 7 âm tiết, nhưng câu tục ngữ lại có cấu trúc một câu ghép (vì miêu tả 2 sự tình): 1) thân cây trúc bị cháy và 2) đốt (một bộ phận của cây trúc) vẫn thẳng, giữ nguyên dạng (dù đã cháy vì lửa).
Trúc là một loại "cây cùng họ với tre nhưng nhỏ hơn, gióng thẳng" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Nó có thân nhỏ, đặc, chứ không quá rỗng (như nứa, luồng, vầu).
Có một từ cần làm rõ ở đây: "ngay" trong "đốt ngay" có nghĩa là gì?
Từ điển tiếng Việt (đã dẫn), xếp "ngay" vào 3 từ loại: tính từ, phụ từ và trạng từ. Là tính từ, "ngay" có mấy nét nghĩa: 1. Theo một hướng nhất định, không chệch (VD: Xếp ngay hàng thẳng lối; "Con sông khúc vẹo, khúc ngay/ Đò này chở khách chuyến đầy chuyến vơi" - ca dao); 2. Ở tư thế thẳng đờ, không cử động hoặc không cử động được (VD: Người ngay đơ như tượng; Nằm ngay như khúc gỗ); 3. Thật thà, không gian dối (VD: "Tình ngay lý gian"; "Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối").
Ta biết, cây trúc có nhiều đốt tạo nên. Tất cả các đốt của cây trúc đều thẳng (đốt ngay). "Ngay" trong "đốt ngay vẫn thẳng" thuộc nghĩa 1 (trong từ điển vừa dẫn) có nghĩa là "đốt thẳng (trước sau) vẫn thẳng (dẫu bị lửa đốt cháy)".
Đây chính là căn cứ để suy ra hàm ý của câu tục ngữ. Hình ảnh các đốt của cây trúc không thay đổi hình dạng ngay cả khi bị lửa nóng thiêu cháy (sắp thành than) được coi là biểu trưng cho người có chí khí khảng khái, có lòng trượng nghĩa, không chịu khuất phục trước mọi cám dỗ hay các thế lực cường quyền, người xưa coi là bậc chính nhân quân tử.
Tục ngữ này còn một biến thể khác: "Cây ngay không sợ lệch bóng". Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa là "Cây đã lớn lên ngay thẳng thì chả phải lo gì bóng sẽ bị nghiêng lệch. Hoặc dùng để nhắc mọi người là chớ có lo sẽ bị đối đãi thiên lệch một khi đã ăn ở thật ngay lành".
Nó cùng trường nghĩa với tục ngữ "Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vạy" (bóng vạy: bóng vẹo). Ngữ nghĩa rút ra là: "Nhân nào quả ấy, cây có dáng thẳng thì bóng (của nó cũng) sẽ thẳng còn cây cong thì bóng sẽ vẹo vọ. Người ta ở đời sống thế nào sẽ nhận kết quả ấy. Từ đó có hàm ý "Các bậc cha mẹ hãy ăn ở cho ngay thẳng, để còn nêu gương cho con cái trong cuộc sống".
Từ "ngay" này chúng ta còn gặp trong một tục ngữ khác: "Cây ngay không sợ chết đứng" (cây ngay (ngay = thẳng) thì cả lúc đã chết (khô) cũng vẫn đứng thẳng (thẳng = ngay), dùng để ví những trường hợp "người ngay thẳng, trung thực thì không có gì phải sợ kẻ khác gièm pha, vu khống, trù dập"…
Ngữ nghĩa của các câu tục ngữ trên như vậy là đã rõ. Cái đáng nói (về mặt ngôn ngữ) ở đây là sự có mặt của từ "ngay". Từ "ngay", thoạt tiên đơn giản dùng chỉ hình dạng của cây, từ góc độ vật lý đơn thuần, từ đó dân gian có căn cứ hình thành nên thông điệp ngữ nghĩa, thể hiện một quan niệm sống rất đặc biệt, rất đẹp và rất đáng trân trọng.
Người ngay chẳng sợ kẻ gian
Cây ngay chẳng sợ muôn vàn bão giông