Xem triển lãm 'Thành xưa phố cũ': Khi Hà Nội 'thay da đổi thịt' theo thời gian
Diễn ra tại khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) từ 26/9 - 31/12, triển lãm Thành xưa phố cũ đã đưa người xem về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Hà Nội kể từ cuối thế kỷ 19, khi thành Hà Nội vẫn còn tòa thành thời Nguyễn, cho tới lúc được chuyển đổi công năng thành căn cứ quân sự vào đầu thế kỷ 20.
1. Triển lãm gồm 150 tài liệu và hình ảnh, trong đó có nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và các đơn vị. Theo bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, từ năm 2019, Trung tâm này đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khai thác trưng bày nhiều tài liệu, trong đó chủ yếu là Di sản Tư liệu thế giới - Châu bản triều Nguyễn. Nhưng, triển lãm lần này đặc biệt chú trọng tới sự phát triển, chuyển biến của Hà Nội, đặc biệt vùng lõi là thành Hà Nội.
Cụ thể, Hà Nội trong giai đoạn từ cuối thể kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 là sự chuyển giao mạnh mẽ trong phong cách kiến trúc, từ truyền thống Á Đông sang tiếp thu ảnh hưởng văn minh phương Tây. Quá trình này được PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhận xét là quá trình trưởng thành của thành phố Hà Nội trong nhiều năm. Khi đó, đô thị cổ kính của "An Nam" này đã có sự chen lẫn các khu phố Tây.
Thêm nữa, đây cũng là giai đoạn thành Hà Nội có sự chuyển biến về công năng. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thu Hoài, thành Thăng Long vốn từ một hoàng thành của triều đình phong kiến, dưới bàn tay quy hoạch của thực dân Pháp đã trở thành khu quân sự.
Về tầm quan trọng của thành Hà Nội, cố họa sỹ André Masson đã nhận xét: "Thành Hà Nội không chỉ là pháp đài chính ở Bắc Đông Dương, mà còn là lỵ sở hành chính của một tỉnh lớn và Thủ đô lịch sử của Đàng Ngoài, nơi đóng đô của nhiều triều đại trong nhiều thế kỷ".
Dưới thời Nguyễn, thành Thăng Long được xây dựng theo kiểu Vauban trên nền tòa thành cũ thời Hậu Lê. Đây là kỹ thuật xây dựng thành lũy được đặt theo tên của nhà thiết kế công sự người Pháp sống vào thế kỷ 18. Nét đặc trưng trong các sơ đồ thiết kế này là những tòa thành hình vuông, lục giác hoặc bát giác. Các pháo đài nhô ra phía trước nhằm bảo vệ cho các mặt thành, hệ thống hào xung quanh có thể cho nước đầy bất kỳ lúc nào.
Từ năm 1883, một năm sau trận đánh hạ thành Hà Nội lần thứ 2, thực dân Pháp đã tiến hành cải tạo, phá bỏ một công trình cũ bên trong thành và một số công trình phụ cận, đồng thời xây dựng các công trình mới để phục vụ mục đích quân sự.
Ngày 2/7/1888, người Pháp ra văn bản phân định ranh giới thành phố Hà Nội cũng như các công trình, đất đai của chính quyền quân sự. Theo đó, thành Hà Nội phải được xếp hạng như là một khu vực quân sự và các công trình phụ trợ gồm lô cốt Bắc, lô cốt hữu ngạn sông Hồng. Các công trình của người dân trong khu vực thành sẽ phá bỏ dần dần, đồng thời thống nhất rằng các công trình này không được xây dựng lại hoặc cải tạo lớn hơn.
Ngày 28/8/1893, Hội đồng thành phố đã nhất trí đề nghị lên Thống sứ Bắc Kỳ và Toàn quyền Đông Dương cho phá huy nốt phần còn lại của tòa thành, chỉ để lại cổng phía Bắc, từ đó, phục vụ cho việc mở rộng và quy hoạch khu phố Pháp ở phía Tây Hà Nội từ vị trí thành cổ. Việc phá thành Hà Nội được hoàn tất vào ngày 11/1/1897 bằng một hợp đồng bổ sung được ký kết giữa Chính quyền thuộc địa và Chính quyền Thành phố Hà Nội.
Sau sự kiện này, người Pháp đã cho xây dựng các công trình quân sự và nhiều tuyến phố mới. Đặc biệt, ở khu vực phía Tây thành, một khu phố Tây đã được hình thành. Bên cạnh đó, tại khu vực này, Pháp cũng cho xây dựng một trung tâm chính trị mang tính biểu tượng trên toàn cõi Đông Dương với các công trình tiêu biểu: Phủ Toàn quyền, Trường Albert Sarraut… Sau năm 1897, thành Hà Nội chỉ còn lại một vài công trình trên trục trung tâm Bắc - Nam. Trong đó có Cửa Bắc, Tĩnh Bắc Lâu, thành bậc rồng dẫn lên điện Kính Thiên, Đoan Môn, Kỳ đài (nay gọi Cột cờ Hà Nội).
2. Thực tế nhiều cửa ô, tòa thành kiên cố đã bị người Pháp phá hủy. Thế nhưng, hậu thế hôm nay vẫn có thế nhìn ngắm những di sản kiến trúc ấy được tái hiện sinh động thông qua các tư liệu hình ảnh tại triển lãm.
Hẳn sẽ có người xem băn khoăn, tại sao trong dịp chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, phía tổ chức lại lựa chọn trưng bày các tư liệu về kiến trúc, quy hoạch do người Pháp thực hiện?
Như chia sẻ của ông Ngô Thứ Hiệu, nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, trải qua thời gian bị Pháp xâm chiếm, Hà Nội cũng mang trong mình đầy đau thương khi phải chứng kiến nhiều tòa thành bị phá hủy. Nhưng, chúng ta không nên nhìn những đau thương ấy bằng con mắt tiêu cực. Bởi, đây cũng là giai đoạn, chúng ta có sự tiếp biến với nền văn hóa phương Tây để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Thực tế, từ thời điểm này, diện mạo đô thị của Hà Nội đã thay đổi mạnh và để lại nhiều di sản có giá trị về xây dựng, quy hoạch cho thế hệ sau.
Ở góc độ khác, bên cạnh những cái tên của kiến trúc sư Pháp được lưu lại trên bản vẽ, cũng phải nhắc đến những người thợ bản địa cần mẫn tham gia lao động thể biến ý tưởng trên giấy thành những công trình mang tính biểu tượng. Bởi thế, khi đi qua các con phố, các tòa kiến trúc được người Pháp cho xây dựng, chung ta vẫn có thể tự hào về những đóng góp của người Việt Nam cho bước phát triển đặc biệt này.
Hiện nay, nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộc đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia, trong khi nhiều công trình khác đang là những công sở quan trọng và in đậm dấu ấn truyền thống tại Hà Nội.