Nhìn lại phim Việt Nam dịp Tết Giáp Thìn: Cạnh tranh căng thẳng nơi phòng vé
Theo tin từ nhà phát hành Beta Distribution, phim Trà sẽ rút khỏi hệ thống rạp sau ngày 14/2, giống như Sáng đèn đã rút hôm 11/2. Như vậy, hiện nay ngoài rạp chỉ còn 4 phim là Mai, Gặp lại chị bầu, Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ. Nhưng xét về mặt phòng vé, thì Mai đang áp đảo, gấp rất nhiều lần doanh thu của các phim còn lại, tính luôn các phim quốc tế như Madame Web, Argylle siêu điệp viên…
Đến chiều 14/2, theo số liệu từ Box Office Vietnam, Mai đã thu về hơn 160 tỷ đồng và thuộc Top 10 phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất. Việc Mai lọt Top 5 doanh thu cũng sẽ không có gì ngạc nhiên, khi các hệ thống rạp đang xếp lịch chiếu tối ưu nhất có thể cho phim này.
Mác 18 + không phải là bất lợi
Cần nhắc lại, từ ngày 20/5/2023, Việt Nam áp dụng việc phân loại phim. Đây được xem là một bước tiến trong quản lý về phát hành. Cũng đã có những ý kiến cho rằng các phim bị dán nhãn T18 (hoặc 18+: phim được phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên) sẽ là một bất lợi về phòng vé, do bị hạn chế một phần đối tượng khán giả. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm áp dụng, những ý kiến này dường như không chính xác, khi mà không ít phim T18 đã rất khả quan về doanh thu. Phim Mai đang chiếu là một ví dụ thuyết phục (trong khi Trà cũng thuộc T18 mà lại thất thu).
Vậy, có thể thấy gì từ doanh thu phòng vé phim Việt Nam mùa Tết này? Chuyên gia truyền thông Châu Quang Phước nói rằng có nhiều khía cạnh trong câu chuyện. "Có phim dẫn đầu phòng vé chứng tỏ phim Việt đã qua thời đoạn làm phim kiểu hên xui, mà phải có chiến lược bài bản, nghiêm túc. Bộ phim dẫn đầu phòng vé năm nay cũng đã có cách làm ngược lại và phá đi cái dớp từng có của phim Việt mùa Tết rằng phải xàm xí bằng những chuyện câu khách với kiểu mua vui rẻ tiền" - anh nói - " Và phim Mai cũng cho thấy không nhất thiết cứ phải là phim phân loại độ tuổi T13 hoặc T16 mới dễ "gom tiền". Bởi T18 mà hay thì mới đích thực là phim "ổn áp" trong mắt người xem đại chúng dịp Tết này".
Trước đó, khi trả lời phỏng vấn của Thể thao và Văn hóa, đạo diễn Lê Hoàng đã nhận định khá đúng về Trấn Thành. Anh nói: "Tôi nghĩ Trấn Thành là đạo diễn nghiêm túc và giỏi, tâm huyết. Ngoài ra, phải kể thêm hai lợi thế lớn: hiện nay anh ấy đang là tên tuổi được yêu thích trong làng giải trí, lại có nhiều tiền, nên làm rất kỹ lưỡng".
"Đôi khi, trong điện ảnh cần có tiền mới làm đàng hoàng. Điều này không phải ai cũng có đâu. Trấn Thành là một tên tuổi lớn, không có gì phải nghi ngờ" - Lê Hoàng nói thêm.
Không chỉ có mác T18, Mai còn là một chuyện tình buồn của người mẹ đơn thân tuổi U40, đã trải qua nhiều đoạn trường. Người xem cứ ngỡ một phụ nữ hướng thượng, giỏi giang như Mai thì xứng đáng với một cái kết có hậu, nhưng không. Dù cha ruột chết, mẹ chồng hụt bị tai biến, nhưng cuối phim cô cũng chưa hẳn tìm được hạnh phúc.
Dịp Tết mà vào rạp để khóc cũng là một "nét lạ" của khán giả năm nay. Nhưng điều này lại tỏ ra hợp lý, nếu nhìn lại nội dung của Top 10 phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất vừa qua: Dù có nét hài, nhưng chủ đạo vẫn là những chuyện buồn, chuyện éo le, với thông điệp gần gũi, nhân văn.
Nữ áp đảo về vai chính
Một điểm chung của 5/6 phim Tết năm nay đó là nữ áp đảo về vai chính. Trong phim Mai, ngoài Phương Anh Đào đóng vai chính, thì các vai thứ của Uyển Ân, Hồng Đào… đều giữ tương tác hoặc móc xích của câu chuyện. Ngay với các phim Sáng đèn và Trà, bóng dáng vai nam chính vẫn tỏ ra lép vế một chút về tuyến chính của câu chuyện. Tương tự, trong phim Sáng đèn, vai chính thuộc về Trúc Mây, Hữu Châu, Bạch Công Khanh…, nhưng vai của Trúc Mây trội hơn một chút.
Điều này lại càng rõ với Hồng Hà nữ sĩ - bộ phim như một lát cắt về cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Ðây là phim cổ trang duy nhất của mùa phim Tết này, tính cả phim ngoại nhập. Vào vai Hồng Hà là gương mặt mới, cũng tên Anh Ðào, từng xuất hiện trong các bộ phim truyền hình như Lối về miền hoa, Ðấu trí…
Riêng phim Đào, phở và piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm của quân dân Hà Nội vào cuối năm 1946, cũng đầy chất lãng mạn và nữ tính. Trường đoạn cảm tử quân (Doãn Quốc Đam thủ vai) cầm cành đào băng qua lửa đạn và có một đám cưới cảm động với tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh) là một ví dụ cho tinh thần lãng mạn và nữ tính này.
Hoặc phim Gặp lại chị bầu dù là hành trình xuyên không của Phúc (Anh Tú thủ vai) về quá khứ năm 1997, nhưng tuyến chính vẫn là câu chuyện của Huyền (Diệu Nhi) và bà Lê (Lê Giang).
Mà dường như, trong phim điện ảnh Việt Nam thế kỷ 21 thì vai nữ chính nhiều hơn, trong khi thế kỷ 20 thì nam chính áp đảo. Nhìn lại, Top 20 phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất, có đến 13 phim có vai nữ chính.
Dịp Tết mà vào rạp để khóc cũng là một "nét lạ" của khán giả năm nay.